Ninh Thuận: ngành chế biến thủy sản phấn đấu giữ vị trí mũi nhọn trong các ngành hàng xuất khẩu (12-09-2022)

Ngày 26 tháng 8 năm 2022, Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận đã ban hành Kế hoạch triển khai Đề án phát triển ngành chế biến thủy sản giai đoạn 2021-2030; đảm bảo triển khai các nhiệm vụ nghiêm túc, kịp thời, hiệu quả để đạt được các mục tiêu của Đề án (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1408/QĐ-TTg ngày 16 tháng 8 năm 2021).
Ninh Thuận: ngành chế biến thủy sản phấn đấu giữ vị trí mũi nhọn trong các ngành hàng xuất khẩu
Ảnh minh họa

Tỉnh Ninh Thuận đề ra mục tiêu phát triển chế biến thủy sản hiện đại, hiệu quả và bền vững, đáp ứng được nhu cầu, quy định của thị trường tiêu thụ, giá trị gia tăng cao, giữ vị trí mũi nhọn trong các ngành hàng xuất khẩu và cung cấp sản phẩm đa dạng cho thị trường trong nước và tham gia hội nhập sâu rộng vào thị trường thủy sản thế giới.

Cụ thể đến năm 2030:

- Tốc độ tăng trưởng sản lượng thủy sản chế biến đạt trên 6%/năm.

- Tỷ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm thủy sản chế biến đạt giá trị gia tăng trung bình trên 40% (trong đó: Tôm đạt 60%, thủy sản khác đạt 40%).

- Trên 70% số lượng cơ sở chế biến thủy sản xuất khẩu đạt trình độ và năng lực công nghệ sản xuất từ trung bình tiên tiến trở lên.

- Thu hút tập đoàn, doanh nghiệp chế biến thủy sản hiện đại, có tiềm lực kinh tế và trình độ quản lý ngang tầm thế giới đầu tư trên địa bàn tỉnh.

- Tốc độ tăng giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản bình quân từ 5-6%/năm.

Kiểm soát, phát triển vùng nguyên liệu

Để kiểm soát, phát triển vùng nguyên liệu, tỉnh Ninh Thuận sẽ tổ chức triển khai hiệu quả Nghị quyết 17/NQ-TU ngày 17/01/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển kinh tế biển đến 2025, định hướng đến năm 2030, Nghị quyết 32/NQ-HĐND ngày 22/7/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh về phát triển kinh tế biển đến 2025, định hướng đến năm 2030, Quyết định 459/QĐ-UBND ngày 11/8/2022 về phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế biển tỉnh Ninh Thuận đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 để cung cấp nguồn nguyên liệu thủy sản hàng hóa ổn định phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Song song với đó, tỉnh sẽ đẩy mạnh phát triển nuôi trồng thủy sản, cơ cấu lại nghề khai thác hải sản theo hướng đánh bắt xa bờ, hiệu quả, bền vững.

Có chính sách thu hút đầu tư, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả chế biến thủy sản

Theo đó, tỉnh Ninh Thuận sẽ ưu tiên thu hút đầu tư các doanh nghiệp chế biến thủy sản quy mô lớn; công nghệ hiện đại, có trình độ quản lý ngang tầm khu vực và thế giới. Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp chế biến thủy sản trong tỉnh, nhất là các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu có quy mô lớn nhập khẩu nguyên liệu chế biến sản phẩm phù hợp nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; đảm bảo tuân thủ các quy định trong nước và quốc tế, tránh gian lận xuất xứ, gian lận thương mại.

Hỗ trợ các cơ sở chế biến thủy sản xuất khẩu trong tỉnh hiện đại hóa trang thiết bị kỹ thuật, đổi mới dây chuyền công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa mặt hàng, tăng tỷ trọng sản phẩm chế biến giá trị gia tăng, sản phẩm làm sẵn, ăn liền. Thực hiện tốt các chính sách của Trung ương, của tỉnh khuyến khích các doanh nghiệp tham gia nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, đổi mới công nghệ, ứng dụng công nghệ cao trong chế biến thủy sản. Tiếp tục triển khai và tháo gỡ khó khăn trong việc tiếp cận các chính sách về liên kết sản xuất, hỗ trợ tín dụng, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Cùng với đó, triển khai chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm ngành hàng chế biến thủy sản.

Đẩy mạnh phát triển chế biến các sản phẩm có giá trị tăng cao, thúc đẩy liên kết và tiêu thụ sản phẩm.

Tổ chức liên kết theo chuỗi giá trị (liên kết dọc) từ khai thác, nuôi trồng, thu mua nguyên liệu, vận chuyển, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; đáp ứng yêu cầu về quản lý nguồn gốc hợp pháp của nguyên liệu, đảm bảo an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc sản phẩm nhằm gia tăng tính cạnh tranh trên thị trường cho sản phẩm chế biến thủy sản. Tổ chức liên kết ngang giữa các cơ sở nuôi trồng thủy sản, khai thác thủy sản nhằm tạo nguồn nguyên liệu trong nước đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng cho chế biến thủy sản. Phát triển các mô hình chế biến sản phẩm thủy sản truyền thống, đặc sản, sản phẩm có thương hiệu, uy tín, đảm bảo chất lượng cao, an toàn thực phẩm, tiện dụng, giá cả cạnh tranh. Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại để giới thiệu, quảng bá sản phẩm chế biến thủy sản của tỉnh tới các doanh nghiệp, hiệp hội, thị trường.

Tăng cường, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về quản lý chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm đối với sản phẩm thủy sản chế biến

Tổ chức hội thảo, tập huấn để phổ biến các quy định, công nghệ mới nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng cho cơ sở, doanh nghiệp chế biến thủy sản và đội ngũ quản lý. Gắn việc đầu tư đổi mới công nghệ sản xuất với nâng cấp điều kiện sản xuất, đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật và vệ sinh đối với hệ thống nhà xưởng, trang thiết bị, bảo hộ lao động cho công nhân và nâng cao ý thức của người lao động; xây dựng các quy trình, chế độ giám sát và kiểm tra thường xuyên trong từng doanh nghiệp, cơ sở chế biến.

Đặc biệt, thực hiện nghiêm các quy định về quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm, kiểm dịch xuất nhập khẩu sản phẩm thủy sản; sản xuất kinh doanh và sử dụng thức ăn, thuốc thú y thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản. Áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến (HACCP, ISO 22000,...) trong các cơ sở chế biến thủy sản xuất khẩu để đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm theo chuẩn quốc tế.

Phát triển hệ thống dịch vụ hậu cần và công nghiệp phụ trợ phục vụ ngành chế biến thủy sản

Cụ thể là, phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng phục vụ dịch vụ hậu cần nghề cá, thu mua, sơ chế, chế biến thủy sản; ưu tiên đầu tư xây dựng, nâng cấp, hoàn thiện kết cấu hạ tầng đáp ứng tiêu chí cảng cá loại I, loại II theo quy hoạch để thu hút tàu cá trong và ngoài tỉnh tập kết, tiêu thụ thủy sản khai thác, đảm bảo năng lực tiếp nhận, giao thương được thuận tiện gắn với an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, kiểm soát truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác, phòng chống khai thác bất hợp pháp (IUU).

Bên cạnh đó, đầu tư nâng cấp, hoàn thiện kết cấu hạ tầng các khu, cụm chế biến thủy sản tập trung gắn với vùng nguyên liệu trọng điểm, trước hết là tại các khu, cụm công nghiệp; sắp xếp lại các cơ sở chế biến, nhất là chế biến thủy sản đảm bảo hoạt động ổn định, an toàn về môi trường. Khuyến khích, hỗ trợ đầu tư hệ thống kho lạnh, kho cấp đông bảo quản sản phẩm thủy sản quy mô lớn tại các cảng cá, các cụm công nghiệp, khu công nghiệp trong tỉnh.

Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực phục vụ ngành chế biến thủy sản

Tăng cường công tác khuyến nông, khuyến công nhất là đào tạo, tập huấn kỹ thuật, công nghệ nhằm hình thành đội ngũ cán bộ kỹ thuật có đủ năng lực hỗ trợ, tư vấn phát triển công nghiệp chế biến thủy sản ở địa phương. Tăng cường tổ chức đào tạo cho đội ngũ quản lý sản xuất, công nhân kỹ thuật trình độ cao để đáp ứng yêu cầu vận hành các dây chuyền thiết bị hiện đại, công nghệ tiên tiến; thực hiện hợp tác, liên kết giữa các cơ sở đào tạo với các doanh nghiệp tổ chức đào tạo, tập huấn kiến thức về kỹ thuật sản xuất, chế biến, bảo quản thủy sản, an toàn thực phẩm, phát triển thị trường cho đội ngũ quản lý và công nhân lao động trực tiếp tại cơ sở.

Phát triển khoa học công nghệ

Theo kế hoạch, tỉnh Ninh Thuận sẽ phát triển ứng dụng và chuyển giao công nghệ số; khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh, quản lý, truy xuất nguồn gốc, chuỗi cung ứng sản phẩm và thúc đẩy thực hiện việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý trong và ngoài nước cho sản phẩm thủy sản chủ lực, sản phẩm thủy sản chế biến truyền thống và đặc sản của địa phương. Nghiên cứu phát triển, chuyển giao công nghệ tiên tiến và áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong chế biến, bảo quản và vận chuyển thủy sản. Nghiên cứu phát triển sản phẩm mới giá trị gia tăng từ nguyên phụ liệu thủy sản; cải tiến nâng cao chất lượng sản phẩm thủy sản truyền thống. Đẩy mạnh chế biến các sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Đa dạng hóa các sản phẩm chế biến thủy sản (để tận dụng nguồn nguyên liệu thủy sản trong tỉnh).

Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong nuôi trồng thủy sản, phát triển các loài nuôi chủ lực, nâng cao năng suất, chất lượng các loài nuôi theo nhu cầu chế biến. Xây dựng các mô hình xử lý và bảo quản thủy sản sau thu hoạch cho các chủ tàu, ngư dân trực tiếp khai thác trên biển, chủ cơ sở thu mua nguyên liệu thủy sản nhằm phát huy tiềm năng và lợi thế về khai thác, nuôi trồng thủy sản của địa phương, giảm tổn thất sau thu hoạch. Xây dựng các mô hình phát triển sản phẩm thủy sản truyền thống, đặc sản, sản phẩm có thương hiệu, uy tín, đảm bảo chất lượng cao, an toàn thực phẩm, tiện dụng, giá cả cạnh tranh.

Bảo vệ môi trường hướng tới phát triển bền vững ngành chế biến thủy sản

Hỗ trợ, vận động các doanh nghiệp, cơ sở chế biến thủy sản áp dụng sản xuất sạch hơn, tiết kiệm nguyên liệu, năng lượng, giảm thiểu chất thải và xử lý hiệu quả các nguồn thải từ hoạt động sản xuất, bảo quản, chế biến thủy sản. Theo kế hoạch mới ban hành, tỉnh Ninh Thuận sẽ đặc biệt chú trọng kiểm soát chặt chẽ các hoạt động khai thác, nuôi trồng thủy sản (trên cơ sở các quy định pháp luật về bảo vệ tài nguyên, nguồn lợi, môi trường) đảm bảo việc truy xuất nguồn gốc nguyên liệu thủy sản đưa vào chế biến.

Ngọc Thúy – FICen

Ý kiến bạn đọc

Tin khác