Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa ban hành Thông tư số 01/2025/TT-BKHĐT quy định bộ chỉ tiêu thống kê quốc gia về biển và hải đảo và bộ chỉ tiêu đánh giá quốc gia biển mạnh.
Thông tư nêu rõ, bộ chỉ tiêu thống kê quốc gia về biển và hải đảo và bộ chỉ tiêu đánh giá quốc gia biển mạnh là bộ chỉ tiêu thống kê liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, liên kết vùng về kinh tế, xã hội và môi trường liên quan đến biển nhằm cung cấp số liệu, đánh giá tình hình phát triển bền vững kinh tế biển của Việt Nam.
Với 53 chỉ tiêu thống kê quốc gia về biển và hải đảo
Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia về biển và hải đảo gồm 53 chỉ tiêu thống kê quy định tại Phụ lục I kèm theo Thông tư này.
Cụ thể, nhóm chỉ tiêu tổng hợp gồm các chỉ tiêu: Chỉ số tổng hợp quản trị biển và hải đảo của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biển; chỉ số phát triển con người (HDI) của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển.
Nhóm kinh tế biển gồm các chỉ tiêu: Số hộ khai thác, nuôi trồng thủy sản biển; số lượng cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá; thể tích lồng bè nuôi trồng thủy sản biển; số lượng tàu khai thác thủy sản biển có động cơ; số lượng tàu biển; số lượng trung tâm kinh tế biển; số cơ sở lưu trú du lịch biển; diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản biển; diện tích thu hoạch thủy sản nuôi trồng biển; diện tích khu vực phân bố san hô, cỏ biển; diện tích nuôi trồng thủy sản biển được chứng nhận thực hành nuôi trồng thủy sản tốt (VietGAP) và tương đương; sản lượng thủy sản khai thác biển; sản lượng thủy sản nuôi trồng biển; trị giá xuất khẩu thuỷ sản biển,…
Nhóm xã hội gồm các chỉ tiêu: Thu nhập bình quân đầu người 1 tháng của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển; số lao động có việc làm trong các ngành kinh tế biển; thu nhập bình quân một lao động đang làm việc trong các ngành kinh tế biển; số lượng thuyền viên có văn bằng, chứng chỉ chuyên môn đang làm việc trên tàu vận tải biển;…
Nhóm môi trường có các chỉ tiêu như: Số lượng giấy phép nhận chìm ở biển được cấp; số vụ, số lượng dầu tràn và hóa chất rò rỉ trên biển, diện tích bị ảnh hưởng; chiều dài bờ biển và diện tích vùng bờ được áp dụng quản lý tổng hợp; số lượng loài thủy sản trong Danh mục loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm được sinh sản nhân tạo, ương nuôi thành công; số lượng loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm được lập hồ sơ, giám sát, đánh giá liên quan đến môi trường, nguồn lợi thủy sản và hệ sinh thái biển; số khu, diện tích và tỷ lệ diện tích các khu bảo tồn biển, ven biển so với diện tích tự nhiên vùng biển quốc gia; số khu, diện tích và tỷ lệ diện tích các khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản ở vùng biển, các khu vực cấm khai thác có thời hạn ở vùng biển và khu vực cư trú nhân tạo cho loài thủy sản ở biển,…
Danh mục chỉ tiêu đánh giá quốc gia biển mạnh gồm 28 chỉ tiêu
Thông tư nêu rõ, Danh mục chỉ tiêu đánh giá quốc gia biển mạnh gồm 28 chỉ tiêu thống kê được đánh dấu tích tại cột "chỉ tiêu đánh giá quốc gia biển mạnh" quy định tại Phụ lục I kèm theo Thông tư này.
Cụ thể bao gồm các chỉ tiêu như: Chỉ số tổng hợp quản trị biển và hải đảo của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển; chỉ số phát triển con người (HDI) của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển; số lượt khách quốc tế đến Việt Nam qua đường biển; khối lượng hàng hóa vận chuyển và luân chuyển đường biển; sản lượng thủy sản khai thác biển; sản lượng thủy sản nuôi trồng biển; doanh thu vận tải đường biển, kho bãi biển và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường biển; doanh thu từ điện gió, điện thủy triều,…
Nội dung chỉ tiêu thống kê quốc gia về biển và hải đảo và chỉ tiêu đánh giá quốc gia biển mạnh quy định tại Phụ lục II kèm theo Thông tư này.
Để tổ chức thực hiện, Thông tư nêu rõ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thu thập thông tin thống kê đối với các chỉ tiêu thống kê quốc gia về biển và hải đảo và chỉ tiêu đánh giá quốc gia biển mạnh được phân công, bảo đảm cung cấp số liệu thống kê đầy đủ, chính xác, kịp thời và đáp ứng yêu cầu so sánh quốc tế; xây dựng và hoàn thiện các hình thức thu thập thông tin của các chỉ tiêu thống kê quốc gia về biển và hải đảo và chỉ tiêu đánh giá quốc gia biển mạnh;
Đồng thời, ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình lưu trữ, khai thác số liệu thống kê về biển và hải đảo và đánh giá quốc gia biển mạnh; tổng hợp thông tin thống kê thuộc bộ chỉ tiêu thống kê quốc gia về biển và hải đảo và bộ chỉ tiêu đánh giá quốc gia biển mạnh; theo dõi, hướng dẫn, báo cáo tình hình thực hiện Thông tư này.
Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan có liên quan căn cứ vào bộ chỉ tiêu thống kê quốc gia về biển và hải đảo và bộ chỉ tiêu đánh giá quốc gia biển mạnh thực hiện lồng ghép, thu thập, tổng hợp những chỉ tiêu được phân công, cung cấp cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) để tổng hợp, biên soạn.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10 tháng 3 năm 2025.
Thanh Thủy