Trước thực trạng nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng vùng triều ở huyện Núi Thành đạt hiệu quả thấp và bấp bênh thì mô hình nuôi cua thương phẩm từ giống cua bột sản xuất nhân tạo thành công đã mở ra triển vọng mới cho nghề nuôi trồng thủy sản.
Nuôi cua thương phẩm từ nguồn giống cua bột sản xuất nhân tạo có nhiều ưu việt, đã khắc phục được những nhược điểm của cua giống khai thác tự nhiên. Việc chuyển đổi từ nguồn giống cua tự nhiên sang cua bột đã giúp người dân chủ động hơn trong việc thả giống với số lượng lớn và mùa vụ nuôi.
Năm 2016, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Nam phối hợp với Trạm Khuyến nông - Khuyến lâm huyện Núi Thành triển khai thực hiện mô hình “Nuôi cua thương phẩm từ giống cua bột sản xuất nhân tạo trong ao đất” tại Tam Nghĩa - Núi Thành với diện tích 1,3 ha với 4 hộ tham gia.
Trong quá trình nuôi, các hộ nuôi theo mô hình được cán bộ kỹ thuật Trạm Khuyến nông - Khuyến lâm huyện Núi Thành hướng dẫn về cải tạo ao, diệt cá tạp, loại trừ cua còng gây hại và đảm bảo môi trường nước; thả chà bằng cành cây khô, lá dừa hoặc giăng lưới cước khắp ao nuôi để làm nơi trú ẩn cho cua khi lột xác, tránh cho cua nuôi ăn lẫn nhau... Cấp nước vào ao qua lưới lọc, nước có độ mặn thích hợp, độ pH 7,5 - 8,5; gây màu nước và các yếu tố khác đảm bảo thì mới tiến hành thả nuôi cua bột.
Để cua phát triển tốt và đồng đều, trong quá trình nuôi, các hộ dân cần thực hiện chặt chẽ quy trình chăm sóc và cho cua ăn. Trong ao ương cua giống có thể gây màu nước cho động vật phù du phát triển làm thức ăn tự nhiên cho cua. Đồng thời, có thể cho cua ăn thức ăn chế biến từ các loại bột, thịt cá, tôm cua, nhuyễn thể xay nhỏ. Trong 3 - 5 ngày đầu dùng hỗn hợp trứng gà, thịt cá tôm, mực, hàu, vitamin…xay mịn, sau đó hấp cách thủy, để nguội tạo thành viên cho cua ăn. Việc đảm bảo môi trường nước cho cua nuôi rất quan trọng vì cua nuôi mật độ dày, cần thay nước thường xuyên.
Nhờ áp dụng tốt kỹ thuật, sau 5 tháng nuôi (từ tháng 4 - 9 dương lịch), tỷ lệ cua sống hơn 30%, trọng lượng cua bình quân 0,3 kg/con. Tổng thu hoạch dự kiến khoảng 2.340 kg cua, giá thị trường 160.000 đồng/kg cua thương phẩm, doanh thu khoảng 374 triệu đồng/ha, trừ chi phí, còn lãi xấp xỉ 170 triệu đồng/ha. Nuôi cua bột mang lại hiệu quả kinh tế cao, ngoài ra các hộ dân còn thả thêm một ít tôm sú, tôm thẻ chân trắng để tận dụng diện tích mặt nước, tăng sản phẩm, tăng hiệu quả kinh tế. So với cua giống tự nhiên, cua gạch và cua đực nuôi từ giống cua bột sản xuất nhân tạo có kích cỡ lớn hơn, trọng lượng 400 - 450 g/con, với giá bán 250.000 đồng/kg. Mặt khác, nuôi cua thương phẩm từ cua bột giúp cua thích ứng hơn và có khả năng chịu đựng với những biến đổi của môi trường tốt hơn so với cua giống tự nhiên. Nuôi cua thương phẩm từ giống cua bột sản xuất nhân tạo đã giảm chi phí đầu tư con giống khá nhiều so với thả nuôi bằng cua giống tự nhiên, từ đó giúp tăng hiệu quả mô hình đáng kể.
Hiện nuôi cua thương phẩm từ giống cua bột là mô hình rất hiệu quả và có thể thay thế con tôm tại huyện Núi Thành. Do đó, cần tiếp tục hỗ trợ xây dựng mô hình trên những vùng nuôi khác nhau để đánh giá khả năng thích nghi, tình hình sinh trưởng, phát triển và hoàn thiện quy trình kỹ thuật để chuyển giao cho nông ngư dân áp dụng vào sản xuất đại trà. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, chuyển giao kỹ thuật, đầu tư xây dựng nhiều mô hình nuôi luân canh, xen ghép với tôm các đối tượng có giá trị kinh tế (như: cá đối, cá dìa, cá măng...) nhằm đa dạng hóa đối tượng nuôi, tạo sản phẩm có chất lượng và giá trị, phát triển nuôi thủy sản nước lợ vùng triều mang tính hiệu quả bền vững trong thời gian đến cho Quảng Nam.
Văn Thọ