Ba Vì: Phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng an toàn thực phẩm (25-12-2016)

          Là huyện nằm trong vùng bán sơn địa của Thành phố Hà Nội với 3 tiểu vùng khác nhau: vùng núi, vùng trung du đồi gò và vùng đồng bằng ven sông Hồng, huyện Ba Vì đã và đang tập trung phát triển nuôi trồng thủy sản hiệu quả.
Ba Vì: Phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng an toàn thực phẩm

          Nhằm khai thác thế mạnh từng vùng, giúp người dân nâng cao thu nhập, những năm qua Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã chỉ đạo Trạm Khuyến nông Ba Vì triển khai các dạng mô hình nuôi thủy sản cho hiệu quả kinh tế xã hội cao, phù hợp với định hướng phát triển sản xuất nông nghiệp của địa phương.

          Ba Vì đã xây dựng được vùng chuyên canh nuôi trồng thủy sản có diện tích 20 ha theo hướng vệ sinh an toàn thực phẩm tại Hợp tác xã thủy sản Đồng Tâm - Phú Đông. Sản phẩm cá luôn đảm bảo chất lượng thịt thơm, ngon, dần tạo được niềm tin của người tiêu dùng trong và ngoài huyện, mở ra hướng đi mới trong phát triển nuôi trồng thủy sản tại địa phương.

          Được thành lập năm 2008, Hợp tác xã Thủy Sản Đồng Tâm - Phú Đông hiện có 19 thành viên với tổng diện tích nuôi thả cá 50 ha. Từ năm 2013, được sự quan tâm của Sở NN&PTNT Hà Nội, Trung tâm giống Thủy sản Hà Nội đã đầu tư cho Hợp tác xã xây dựng mô hình nuôi thủy sản theo hướng vệ sinh an toàn thực phẩm. Theo đó có 9 hộ tham gia mô hình với diện tích trên 20 ha, trong đó hộ nuôi ít nhất là 1,4 ha, nhiều nhất 3,8 ha. Nếu áp dụng theo đúng quy trình kỹ thuật sản lượng cá có thể đạt 14 - 20 tấn/ha; giá thu mua của thương lái với rô phi 35.000 - 36.000 đồng/ kg; trắm cỏ 58.000 - 59.000 đồng/ kg; chép 59.000 - 60.000 đồng/kg... Sau khi trừ chi phí, các hộ thu lãi trên 100 triệu đồng/ha, cao gấp nhiều lần so nuôi thả theo phương pháp quảng canh truyền thống. Từ hiệu quả mà mô hình nuôi cá theo hướng vệ sinh an toàn thực phẩm mang lại, đã giúp nhiều thành viên của Hợp tác xã có cuộc sống sung túc, kinh tế ổn định.

          Năm 2016, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội cũng giao Trạm khuyến nông Ba Vì triển khai mô hình “Bước đầu ứng dụng công nghệ Biofloc trong nuôi thâm canh cá rô phi”  tại xã Cổ Đô, nhằm giảm chi phí thức ăn, giảm thiểu ô nhiễm môi trường nuôi. Mô hình được thực hiện từ tháng 4 - 11, quy mô 2 ha với 6 hộ thuộc HTX nuôi trồng thủy sản Tân Đô. Các hộ tham gia mô hình có đủ điều kiện về ao, vốn đối ứng, nhân công và kỹ thuật phù hợp để thực hiện mô hình. Mô hình hỗ trợ 100% cá rô phi đơn tính Novit giống 6 - 8 cm/con, hỗ trợ biofloc, mồi, rỉ đường, 21.840 kg thức ăn hỗn hợp cho cá có vảy. Đến nay, mô hình được triển khai theo đúng kế hoạch, đảm bảo yêu cầu về tiến độ, nội dung và chất lượng; góp phần thay đổi nhận thức về tập quán nuôi cá, tạo nguồn thực phẩm sạch, giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước do thói quen nuôi cá truyền thống; đồng thời, giúp các hộ dân tham gia mô hình hiểu và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới trong nuôi trồng thủy sản.

          Từ hiệu quả của các mô hình nuôi trồng thủy sản cho thấy, vai trò của việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất giúp tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, tạo giá trị kinh tế cho các hộ dân. Những mô hình này, rất cần được nhân rộng trong thời gian tới.

Để phát huy tiềm năng lợi thế trong nuôi trồng thủy sản, Hà Nội đặt mục tiêu từ nay đến năm 2020, mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 24.000ha với sản lượng thủy sản 132.000 tấn, đem lại giá trị khoảng 2.570 tỷ đồng. Để thực hiện được các mục tiêu này, đi đôi với chuyển đổi ruộng trũng, trồng trọt kém hiệu quả ở huyện ngoại thành; rà soát, cải tạo, nâng cấp diện tích ao, hồ nhỏ để nuôi đối tượng thủy sản truyền thống, các sông Bùi, sông Tích, sông Đà, hồ chứa nước Đồng Sương, hồ Miễu, hồ Văn Sơn, hồ Văn Xã sẽ được đầu tư nuôi cá lồng bè kết hợp với bảo vệ môi trường và phát triển du lịch. Cùng với đó là  hoàn thiện hệ thống nghiên cứu, sản xuất, cung ứng giống thủy sản chất lượng cao, sạch bệnh phục vụ nuôi trồng. Đồng thời tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm, từ ao nuôi đến thị trường tiêu thụ, trong đó doanh nghiệp thu mua, chế biến, tiêu thụ đóng vai trò hạt nhân liên kết và tổ chức sản xuất chuỗi.

Văn Thọ

 

Ý kiến bạn đọc

Tin khác