Về điều kiện về cơ sở hạ tầng , Hệ thống ao nuôi phải có ao nuôi có diện tích mặt nước tối thiểu 3.000 m2. Độ sâu từ đáy ao đến mặt bờ phải đạt tối thiểu 3,0 m có bờ ao phải chắc chắn, không rò rỉ. Đáy ao không bị thẩm lậu, phẳng, dốc từ 8 – 10o nghiêng về phía cống thoát. Ao phải có cống cấp nước và thoát nước riêng biệt đảm bảo chắc chắn không rò rỉ.
Hệ thống xử lý nước cấp, nước thải và chất thải trong vùng nuôi phải có khu vực chứa lắng, khu chứa bùn thải và hệ thống xử lý nước thải. Với nguồn nước có nguy cơ bị ô nhiễm, cơ sở, vùng nuôi phải có khu vực chứa (lắng) để xử lý nước trước khi cấp vào ao nuôi, phải có bờ và đáy ao chắc chắn, không rò rỉ, thẩm lậu. Đối với hệ thống xử lý nước thải, cơ sở, vùng nuôi cá tra được khuyến khích có khu vực xử lý nước thải từ ao nuôi trước khi thải ra môi trường. Cơ sở, vùng nuôi cá tra phải có khu chứa bùn thải để đảm bảo xử lý hết lượng bùn thải trong quá trình nuôi và cải tạo vét bùn trước khi thả nuôi. Khu chứa bùn thải phải có bờ ngăn không để bùn và nước từ bùn thoát ra môi trường xung quanh. Bên cạnh đó, cơ sở, vùng nuôi cá tra còn phải có hệ thống kênh cấp và kênh thoát nước riêng biệt, chắc chắn, không rò rỉ, thẩm lậu, đảm bảo đủ cấp và thoát nước khi cần thiết.
Về hệ thống cơ sở hạ tầng phụ trợ, Thông tư quy định, tuỳ theo từng cơ sở và vùng nuôi, cơ sở, vùng nuôi cá tra phải có nhà ở, nhà làm việc, kho chứa và bảo quản máy móc, dụng cụ, nguyên vật liệu và công trình phụ trợ khác, vùng. Các công trình phụ trợ phải được tách biệt với hệ thống ao nuôi, đảm bảo các yêu cầu chắc chắn, khô ráo, thông thoáng và có kệ để nguyên vật liệu cách sàn nhà tối thiểu 15cm. Cần có ngăn bảo quản riêng biệt máy móc, ngư cụ, thức ăn, thuốc thú y thuỷ sản, các sản phẩm xử lý cải tạo môi trường, nhiên liệu.
Quy trình công nghệ nuôi cá tra phải đảm bảo các điều kiện cụ thể. Đối với khâu chuẩn bị ao nuôi, trước khi thả giống, cơ sở nuôi cá tra phải cải tạo nền đáy, xử lý chất thải rắn, tác nhân gây bệnh tiềm ẩn với các biện pháp phù hợp nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường ao nuôi, bảo đảm thời gian gián đoạn tối thiểu 01 tháng sau mỗi đợt nuôi. Nước cấp vào ao nuôi cá tra phải được xử lý, lọc sạch loại bỏ địch hại và xử lý mầm bệnh. Nước cấp và nước trong quá trình nuôi cá tra phải đảm bảo chất lượng nước theo quy định.
Trong khâu tuyển chọn con giống và thả giống, phải chú ý cá tra giống để nuôi thương phẩm phải có nguồn gốc rõ ràng và đạt yêu cầu chất lượng theo quy định của Tiêu chuẩn Ngành 28 TCN 170 : 2001 về Cá nước ngọt – Cá giống các loài: Tai tượng, Tra và Ba sa – Yêu cầu kỹ thuật; có giấy chứng nhận kiểm dịch của cơ quan quản lý chuyên ngành. Mật độ giống thả nuôi từ 20 – 40 con/m2. Tuân thủ lịch mùa vụ thả giống hàng năm của từng địa phương.
Thức ăn và chất bổ sung thức ăn phải nằm trong danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam. Trường hợp cơ sở tự sản xuất thức ăn cho cá tra thì chất lượng thức ăn phải đảm bảo theo quy định của Tiêu chuẩn ngành 28 TCN 188 : 2004 về thức ăn hỗn hợp dạng viên cho cá tra và basa. Việc sử dụng thuốc, chế phẩm sinh học, sản phẩm xử lý và cải tạo môi trường nuôi trồng thủy sản phải nằm trong danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam.
Để quản lý chăm sóc nuôi tốt, cần duy trì mực nước ao nuôi 2,0 – 4,5 m. Chủ cơ sở nuôi cá tra phải định kỳ kiểm tra các chỉ tiêu môi trường nước ao nuôi, bùn đáy ao nuôi theo quy định tại phụ lục 4 của Thông tư 45/2010/TT-BNNPTNT. Phải chú ý cho cá ăn với khẩu phần ăn của cá từ 3 – 5% trọng lượng cá/ngày với số lần cho cá ăn 1 – 2 lần/ngày. Tuy nhiên, người nuôi cần kiểm tra mức độ sử dụng thức ăn của cá để điều chỉnh khẩu phần ăn cho thích hợp.
Nước thải từ ao nuôi cá tra trước khi thải ra môi trường phải được xử lý đảm bảo đạt tiêu chuẩn chất lượng theo phụ lục 2 của Thông tư 45/2010/TT-BNNPTNT. Chất thải rắn và bùn đáy ao phải được đưa vào khu chứa riêng biệt, không được xả thải ra môi trường xung quanh khi chưa xử lý.
Để phòng bệnh cho cá, cơ sở nuôi cá tra phải xây dựng và thực hiện đúng kế hoạch giám sát sức khoẻ cá nuôi theo hướng dẫn tại phụ lục 3 của Thông tư 45/2010/TT-BNNPTNT. Những người sản xuất, dụng cụ, thiết bị tiếp xúc trực tiếp với bùn, nước khi di chuyển từ ao này sang ao khác phải được vệ sinh để ngăn ngừa lây lan mầm bệnh. Khi có dịch bệnh, cá bị bệnh, cá chết và chất thải của ao bị bệnh phải được thu gom, xử lý kịp thời.
Về yêu cầu về thu hoạch sản phẩm, cơ sở nuôi cá tra phải ngừng sử dụng thuốc kháng sinh, hóa chất trước khi thu hoạch cá theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
Cơ sở nuôi cá tra phải quản lý tốt hồ sơ trong quá trình nuôi. Cơ sở nuôi phải ghi nhật ký và lưu giữ hồ sơ về hoạt động sản xuất nuôi cá tra, trong đó phải ghi chép đủ các thông tin cần thiết. Đó là các thông tin về số lượng, chất lượng, tình trạng sức khoẻ cá giống, tên và địa chỉ cơ sở sản xuất giống. thông tin về lịch mùa vụ, chất lượng môi trường nước và sức khoẻ cá nuôi. Ghi chép lượng thức ăn dùng hàng ngày đối với từng ao nuôi, thuốc, chế phẩm sinh học, sản phẩm xử lý và cải tạo môi trường đã sử dụng, lượng sử dụng cũng như lý do sử dụng, phương pháp và ngày sử dụng, diễn biến sức khỏe của cá sau khi sử dụng.
Hàng tháng phải kiểm tra ghi chép tốc độ sinh trưởng như chiều dài, trọng lượng của cá. Khi thu hoạch phải ghi chép thời gian nuôi, cỡ cá, năng suất, sản lượng, giá cá, phương thức thu hoạch và giao sản phẩm cũng như bán cá cho ai, ở đâu.
Nguyễn Nam