Tại khu vực Nam bộ, Cơ quan quản lý chất lượng Nông lâm sản và thủy sản Nam bộ đã giám sát và lấy mẫu tại các tỉnh, thành phố Hồ Chí Minh, Bình Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu, Tiền Giang, Long An, Đồng Nai, Bến Tre, Tây Ninh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, An Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang, Trà Vinh và Vĩnh Long. Đối tượng lấy mẫu giám sát là cá tra, tôm sú, tôm chân trắng, cá rô phi, cá lóc/Thát lát/Rô đồng và tôm càng xanh.
Kết quả phân tích kiểm soát dư lượng các chỉ tiêu tại khu vực Nam bộ cho thấy, qua phân tích 157 mẫu trong tháng 11/2015, phát hiện 2 mẫu có dư lượng chất cấm hoặc vượt giới hạn tối đa cho phép (Enrofloxacin và Oxytetracycline) chiếm 1,27%, cao hơn tháng 10/2015 (0,46%) nhưng thấp hơn cùng kỳ năm 2014 (1,61%).
Về giám sát các chỉ tiêu gây ô nhiễm môi trường, đã phát hiện dư lượng Thủy ngân (Hg) trên 11 mẫu, Cadimium (Cd) trên 1 mẫu và Chì (Pb) trên 11 mẫu thủy sản nuôi nhưng không vượt giới hạn tối đa cho phép. Về dư lượng kháng sinh hạn chế sử dụng, kết quả phân tích phát hiện dư lượng Oxytetracycline = 55,8ppb trên mẫu tôm chân trắng, nhưng không vượt giới hạn tối đa cho phép. Tuy nhiên, đã phát hiện dư lượng Oxytetracycline = 172,99ppb trên mẫu cá lóc thương phẩm tại một cơ sở nuôi thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh. Cơ quan quản lý chất lượng Nam bộ đã thông báo đến Chi cục quản lý chất lượng nông lâm thủy sản Trà Vinh triển khai biện pháp phù hợp để khắc phục. Không phát hiện thấy dư lượng các chất thuộc các nhóm Sulfonamides, Quinolones, Trimethoprim, Neomycin và Florphenicol trong các mẫu được chỉ định phân tích. Đối với dư lượng hóa chất, kháng sinh cấm sự dụng, kết quả giám sát các mẫu chỉ định phân tích phát hiện Enrofloxacin =2,8 ppb) trên mẫu cá tra thương phẩm tại một cơ sở nuôi tại huyện Trảng Bàng (Tây Ninh). Cơ quan quản lý chất lượng Nam bộ đã thông báo đến Chi cục quản lý chất lượng nông lâm thủy sản Tây Ninh triển khai biện pháp phù hợp để khắc phục. Đối với các chất Methyltestosterone; Diethylstilbestrol; Chloramphenicol; Nitrofurans; Nitroimidazoles; Ivermectin, Trichlorfon, Trifluralin, Praziquantel; Malachite geen và Leucomalachite geen, kết quả phân tích các mẫu được chỉ định không phát hiện dư lượng.
Các cơ sở thu mua, sơ chế, chế biến thủy sản lấy mẫu lô hàng có nguồn gốc từ các cơ sở nuôi (nếu đã thu hoạch) bị phát hiện dư lượng hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng gửi đến Phòng kiểm nghiệm được Bộ Nông nghiệp và PTNT chỉ định để kiểm tra chỉ tiêu bị phát hiện. Chỉ được phép xuất khẩu hoặc tiêu thụ trong nước nếu kết quả phân tích mẫu đạt yêu cầu.
Tại khu vực Trung bộ, Cơ quan quản lý chất lượng Nông lâm sản và thủy sản Trung bộ đã giám sát các vùng nuôi tại các tỉnh Quảng Trị, Quảng Nam, Khánh Hòa và Đắk Lắk.
Theo báo cáo của các Chi cục địa phương, trong tháng 10, trong nuôi tôm nước lợ, đã xuất hiện bệnh hoại tử gan tụy, đỏ thân, đốm trắng đối với tôm chân trắng ở các vùng nuôi Vạn Ninh, Ninh Hòa và Cam Ranh (Khánh Hòa). Các vùng nuôi tôm chân trắng ở Quảng Trị, Quảng Nam không có dịch bệnh.
Kết quả kiểm soát thủy sản nuôi đối với các chỉ tiêu gây ô nhiễm môi trường tại khu vực Trung bộ phát hiện dư lượng các chất gây ô nhiễm môi trường Thủy ngân (Hg) trên 1 mẫu tôm chân trắng tại vùng nuôi Hải Lăng (Quảng Trị) và dư lượng Chì (Pb) trên 1 mẫu tôm chân trắng tại vùng nuôi Cam Ranh (Khánh Hòa) nhưng các dư lượng phát hiện không vượt quá giới hạn tối đa cho phép. Không phát hiện dư lượng Cadimium (Cd) đối với các mẫu được phân tích. Về dư lượng hóa chất, kháng sinh hạn chế sử dụng, kết quả phân tích không phát hiện dư lượng hóa chất, kháng sinh hạn chế sử dụng thuộc các nhóm Sulfonamides, Tetracyclines, Trimethoprim, Florfenicol và Neomycin trong các mẫu được chỉ định phân tích. Đối với dư lượng hóa chất, kháng sinh cấm sự dụng, kết quả giám sát không phát hiện dư lượng nhóm Nitrofurans, nhóm thuốc nhuộm (Malachite green, Leucomalachite green) trong các mẫu chỉ định phân tích.
Tại khu vực Bắc bộ, Cục quản lý chất lượng Nông lâm thủy sản đã tiến hành giám sát lấy mẫu tại 5 tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Ninh Bình, Thái Bình và Thanh Hóa. Đối tượng lấy mẫu là tôm chân trắng, tôm sú, rô phi và các đối tượng cá khác.
Kết quả giám sát các chỉ tiêu gây ô nhiễm môi trường cho thấy, không phát hiện dư lượng thuốc trừ sâu gốc Chlor hữu cơ (nhóm B3a) trong các mẫu thủy sản nuôi được chỉ định phân tích. Không phát hiện dư lượng Cadimi (Cd), Thủy ngân (Hg) và Chì (Pb) trong mẫu cá rô phi được chỉ định phân tích. Đối với dư lượng hóa chất, kháng sinh hạn chế sử dụng, kết quả phân tích không phát hiện dư lượng hóa chất, kháng sinh hạn chế sử dụng thuộc các nhóm Quinlonones, Sulfonamides, Tetracyclines, Trimethoprim, Flofenicol và Neomycin trong các mẫu thủy sản được chỉ định phân tích theo các nhóm chỉ tiêu này. Về dư lượng hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng, không phát hiện dư lượng kháng sinh cấm Chloramphenicol, nhóm Nitrofurans, nhóm Nitroimidazoles và nhóm nhóm thuốc diệt giun sán, ký sinh trùng và Trifluralin (nhóm B2a) trong các mẫu được chỉ định phân tích..
Thu Hiền (tổng hợp)