Kiến nghị bổ sung đối tượng tôm bạc thẻ và tôm chì vào chương trình giám sát dư lượng hàng năm (01-07-2024)

Để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp và người dân nuôi trồng chế biến và xuất khẩu tôm vào thị trường EU, UBND tỉnh Cà Mau đã có văn bản kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường khẩn trương xem xét bổ sung đối tượng tôm bạc thẻ và tôm chì vào chương trình giám sát dư lượng Việt Nam năm 2024 và những năm tiếp theo.
Kiến nghị bổ sung đối tượng tôm bạc thẻ và tôm chì vào chương trình giám sát dư lượng hàng năm
Ảnh minh họa

Hiện nay, để xuất khẩu tôm thẻ chân trắng sang châu Âu, chính phủ nước xuất khẩu phải có kế hoạch giám sát dư lượng (RMP) đã được cơ quan an toàn thực phẩm Châu Âu phê duyệt. Kế hoạch này cần nêu chi tiết cách thức cơ quan thẩm quyền ở nước xuất khẩu đảm bảo rằng không có chất cấm nào (như các loại kháng sinh có tác động đến sức khỏe con người) được sử dụng trong quá trình sản xuất các sản phẩm nuôi trồng thủy sản xuất khẩu sang Châu Âu để những sản phẩm đó được coi là an toàn cho tiêu dùng của con người. Theo đó, cơ quan có thẩm quyền là cơ quan mà Liên minh Châu Âu nhận thấy có khả năng (có thẩm quyền) cao nhất để giám sát các sản phẩm thủy sản xuất khẩu sang EU. EU ký một thỏa thuận với cơ quan này, giao cho họ trách nhiệm áp dụng các biện pháp kiểm soát bắt buộc trước khi xuất khẩu. Tại Ấn Độ, đó là Hội đồng Thanh tra Xuất khẩu, ủy quyền một phần trách nhiệm cho Cơ quan Phát triển Xuất khẩu Thủy sản (MPEDA), cả hai đều trực thuộc Bộ Thương mại. Ở Bangladesh, đó là Cục Thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp, Thủy sản và Phát triển Nông thôn. Ở Việt Nam đó là Cục quản lý chất lượng, chế biến và phát triển thị trường nông sản (NAFIQAD), thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT.

Theo quy trình, sau khi các cơ quan có thẩm quyền Châu Âu phê duyệt kế hoạch giám sát dư lượng của nước xuất khẩu, nước đó mới được phép xuất khẩu các sản phẩm thủy sản nuôi trồng sang Châu Âu. Tuy nhiên, bản thân công ty xuất khẩu cũng cần được phê duyệt, do đó, cơ quan có thẩm quyền sẽ kiểm tra các cơ sở và hệ thống quản lý của bạn và đảm bảo rằng chúng tuân thủ các yêu cầu trong RMP. Sau đó, công ty của bạn sẽ nhận được mã ‘Aq’, viết tắt của cơ sở chế biến Nuôi trồng thủy sản trong danh sách các cơ sở được chấp thuận của Châu Âu.

Ngoài việc phê chuẩn nhà máy chế biến, cơ quan có thẩm quyền nước XK phải truy xuất được nguồn gốc khi có vấn đề.

Như vậy theo quy định mới, từ năm 2024 đối với toàn bộ các sản phẩm tôm khi muốn nhập khẩu vào thị trường EU phải có trong chương trình giám sát dư lượng của Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay đối tượng tôm bạc thẻ (Penaeus merguiensis) và tôm chì (Metapenaeus ensis) không nằm trong chương trình giám sát dư lượng, dẫn đến các doanh nghiệp đã ký kết hợp đồng xuất khẩu tôm bạc thẻ và tôm chì vào thị trường EU có khả năng không xuất được hàng, bị phạt và bồi thường hợp đồng, làm ảnh hưởng đến quá trình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và mất khách hàng. Đồng thời, đối với các doanh nghiệp trong tỉnh Cà Mau có kế hoạch xuất khẩu tôm bạc thẻ và tôm chì vào thị trường EU sẽ gặp khó khăn trong thời gian tới.

Những năm qua, ngành tôm tỉnh Cà Mau liên tục đạt được sự tăng trưởng tốt về sản lượng và giá trị xuất khẩu. Năm 2023, tổng diện tích nuôi tôm 278.635 ha, sản lượng đạt 231.000 tấn, giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 1,070 tỷ USD. Tuy nhiên, tình hình xuất khẩu tôm ngày càng khó khăn, do phải đối mặt với những yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường quốc tế, đặc biệt là thị trường EU, việc áp dụng các hệ thống chất lượng phù hợp, thực hiện các biện pháp an toàn thực phẩm; giá xuất khẩu của các mặt hàng tôm có xu hướng giảm; sự cạnh tranh về giá trên thị trường quốc tế.

Xuất phát từ tình hình thực tế nêu trên, để tháo gỡ khó khăn và hạn chế thiệt hại cho doanh nghiệp có thế mạnh xuất khẩu loại tôm bạc thẻ, tôm chì và người dân do bị mất đi thị trường xuất khẩu, UBND tỉnh Cà Mau kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường khẩn trương xem xét bổ sung đối tượng tôm bạc thẻ và tôm chì vào chương trình giám sát dư lượng Việt Nam năm 2024 và những năm tiếp theo. Đồng thời, trong thời gian chờ bổ sung vào chương trình giám sát dư lượng, liên hệ với cơ quan thẩm quyền của EU cho các doanh nghiệp chế biến thủy sản được phép xuất khẩu tôm bạc thẻ và tôm chì sang EU trong thời gian sớm nhất của năm 2024.

Văn Thọ

Ý kiến bạn đọc

Tin khác