Doanh nghiệp thủy sản đang kỳ vọng công nhận “quy chế kinh tế thị trường” từ phía Hoa Kỳ (13-06-2024)

Thông tin Hoa Kỳ đang xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường đã mang lại cơ hội cho nhiều ngành kinh tế Việt Nam, trong đó, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam đang thực sự kỳ vọng DOC sẽ chính thức có kết luận cuối cùng có lợi cho Việt Nam.
Doanh nghiệp thủy sản đang kỳ vọng công nhận “quy chế kinh tế thị trường” từ phía Hoa Kỳ
Ảnh minh họa

Trong hai thập kỷ qua, Washington đã nhiều lần áp đặt thuế chông bán phá giá, chống trợ cấp đối với các sản phẩm của Việt Nam. Vào ngày 08/09/2023, Chính phủ Việt Nam đã chính thức yêu cầu DOC xem xét công nhận Việt Nam là một nền kinh tế thị trường.

Ngày 08/05/2024, DOC đã tổ chức phiên điều trần để xem xét hồ sơ, và quy trình điều tra này, tính từ ngày đề xuất chính thức tới ngày đưa ra quyết định là 270 ngày, dự kiến, ngày 26/07/2024, DOC sẽ chính thức có kết luận cuối cùng.

Hiện tại Hoa Kỳ là quốc gia xuất khẩu quan trọng nhất của Việt Nam với giá trị xuất khẩu năm 2023 đạt 97 tỷ USD, chiếm tỷ trọng ~30%. Việc công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường sẽ làm giảm rủi ro chịu thuế chống bán phá giá trong tương lai, giúp hàng hóa Việt Nam có cơ hội cạnh tranh công bằng hơn tại thị trường này.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản (VASEP), thông tin Hoa Kỳ đang xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường đã mang lại cơ hội cho nhiều ngành kinh tế Việt Nam, trong đó có ngành Thủy sản.

Mỹ luôn nằm trong top 3 thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam, có rất nhiều dư địa, nhưng cũng không ít rào cản khiến doanh nghiệp thủy sản Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn. Trong đó, có những vấn đề kéo dài nhiều năm như thuế chống bán phá giá tôm, cá tra, đặc biệt, trong năm 2024 nổi lên vấn đền về chống trợ cấp đối với tôm nhập khẩu từ Việt Nam vào Mỹ. Thực tế cho thấy, không chỉ với con tôm, thách thức lớn với XK thủy sản của Việt Nam sang Mỹ là thường đối diện với nguy cơ điều tra phòng vệ thương mại, biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp, áp dụng nhiều chính sách bảo hộ phi thuế quan.

Bên cạnh đó, thị trường nhập khẩu này liên tục áp dụng các hàng rào kỹ thuật khắt khe theo tiêu chuẩn, chất lượng cũng như thủ tục của Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), cùng các quy định về kiểm dịch của Bộ Nông nghiệp Mỹ, đặc biệt về môi trường nuôi trồng, dư lượng kháng sinh, quy định về ghi nhãn, xuất xứ hàng hóa, bản quyền…

Trong 10 năm gần đây, xuất khẩu thủy sản sang Mỹ dao động ở mức 1,5 tỷ USD – 2,1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng đáng kể, từ 18%-23% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Trong đó, Mỹ luôn là thị trường tiêu thụ hàng đầu của các mặt hàng chủ lực như tôm, cá ngừ, cá tra…

Việt Nam đồng thời cũng là một đối tác nhập khẩu cho các nhà kinh doanh thủy sản Mỹ với giá trị nhập khẩu từ 65-70 triệu USD/năm. Những sản phẩm nhập khẩu nổi trội là cá hồi, cá trích, cá minh thái, cá bơn…

Hiện Hoa Kỳ đang xem Việt Nam, Trung Quốc, Nga, Belarus, Azerbaijan và 9 quốc gia khác là những nền kinh tế phi thị trường, do đó là đối tượng của thuế chống bán phá giá ở mức cao. Năm nay, Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ đã gia hạn thuế chống bán phá giá 25,76% đối với tôm nuôi đông lạnh từ Việt Nam, nhưng thuế đối với tôm từ Thái Lan - một nền kinh tế thị trường - chỉ ở mức 5,34%.

Hy vọng hạn chế các loại thuế chống bán phá giá

Một khi Việt Nam được Hoa Kỳ công nhận là nền kinh tế thị trường, hàng hoá Việt Nam sẽ được Hoa Kỳ giảm các loại thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp nếu có. Trong đó, với ngành tôm và cá tra của Việt Nam kỳ vọng sẽ được giảm dần mức thuế theo thời gian, từ đó nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường Hoa Kỳ. Khi các rào cản thuế quan được tháo gỡ hoặc nới lỏng thì hàng thủy sản Việt Nam sẽ lấy lại lợi thế cạnh tranh về giá tại thị trường Mỹ, đồng thời giúp người tiêu dùng Mỹ tiếp cận nhiều hơn với nguồn thủy sản chất lượng và giá tốt của Việt Nam.

Hiện các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đang có nhiều cơ hội so với các đối thủ cạnh tranh như: Ecuador, Ấn Độ. Đặc biệt, cơ hội cho các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu tôm. Cụ thể, trong bối cảnh Ecuador phải đối mặt với những thách thức đáng kể tại Trung Quốc, do hải quan Trung Quốc tăng cường kiểm tra và từ chối dán nhãn sulfite, thuế chống trợ cấp mới ở Mỹ...

Còn đối với Ấn Độ, một đối thủ cạnh tranh trực tiếp về tôm xuất khẩu thì đang phải đối mặt nguy cơ bị cấm nhập khẩu vào Hoa Kỳ. Lý do được phía Hoa Kỳ đưa ra sau khi một nhà máy sản xuất và xuất khẩu tôm lớn của nước này trở thành tâm điểm của một loạt cáo buộc liên quan đến các tài liệu giả mạo, cố tình vận chuyển tôm dương tính với kháng sinh sang Hoa Kỳ và ngược đãi công nhân.

Cùng với những cơ hội trên, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong những năm trở lại đây đã tập trung các giải pháp tập trung đầu tư công nghệ sản xuất để nâng cao giá trị gia tăng trong các sản phẩm, do đó Việt Nam đang lại có lợi thế về trình độ chế biến thủy sản giá trị gia tăng, tay nghề của người lao động cao.

Văn Thọ

Ý kiến bạn đọc

Tin khác