Nhiều cảng chưa triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc thủy sản điện tử (eCDT VN) (10-06-2024)

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đã yêu cầu khẩn trương triển khai đồng bộ hệ thống truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác điện tử (eCDT VN), hoàn thành trước tháng 9/2024, tuy nhiên tỉ lệ các cảng triển khai phần mềm còn rất thấp.
Nhiều cảng chưa triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc thủy sản điện tử (eCDT VN)
Ảnh minh họa

Trong nỗ lực gỡ bỏ cảnh báo "Thẻ vàng" của Ủy ban Châu Âu (EC) và khắc phục những tồn tại theo khuyến nghị của EC tại đợt thanh tra lần thứ 4 vào tháng 10/2023, Cục Thủy sản đã đẩy mạnh triển khai “Hệ thống truy xuất nguồn gốc thủy sản điện tử (eCDT VN)” từ đầu năm 2024. Đây là bước quan trọng để đánh giá kết quả thực hiện hai khuyến nghị lớn của EC: Triển khai cơ sở dữ liệu kiểm soát sản lượng, giúp các địa phương kiểm soát hiệu quả hơn đội tàu và sản lượng cập bến; và xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung để quản lý các giấy xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác và chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác.

Sau năm tháng triển khai, hệ thống đã đạt được một số kết quả nhất định nhưng nhìn chung vẫn còn nhiều hạn chế và chưa đáp ứng được kỳ vọng của EC.

Thực trạng triển khai

Cục Thủy sản đã triển khai một loạt hoạt động cụ thể để thực hiện hệ thống eCDT VN. Ngay trong tháng đầu năm 2024, Cục Thủy sản đã gửi Công văn số 24/TS-KTTS đến Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố ven biển về việc triển khai hệ thống eCDT VN; gửi Công văn số 53/TS-KTTS đến Bộ Tham mưu Bộ đội Biên phòng đề nghị Bộ đội Biên phòng các tỉnh, thành phố ven biển tham gia triển khai hệ thống; gửi Công văn số 156/TS-KTTS Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố ven biển đôn đốc việc triển khai hệ thống. Tới tháng 4 vừa qua, Cục tiếp tục gửi Công văn số 650/TS-KTTS đề nghị các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố ven biển khẩn trương triển khai hệ thống.

Để hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện, Cục Thủy sản đã tổ chức Hội thảo hướng dẫn trực tiếp tại Hà Nội; Hội thảo trực tuyến hướng dẫn chi tiết cho tất các địa phương ngày 21.2.2024; tổ chức 08 tập huấn trực tiếp cho ngư dân, cán bộ BQL cảng cá, Chi cục Thủy sản, Biên phòng tại các tỉnh gồm: Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Khánh Hóa, Đà Nẵng, Bà Rịa-Vũng Tàu và Nghệ An.

Thực hiện cấp tài khoản cho 05 đối tượng tham gia trong hệ thống liên quan đến chuỗi khai thác - chế biến – xuất khẩu thủy sản: tất cả tàu cá trên toàn quốc (80.573 tài khoản), 28 chi cục thủy sản các tỉnh thành phố ven biển với 140 tài khoản; 172 tài khoản đồn Biên phòng dọc theo 28 tỉnh, thành phố ven biển và 117 doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản.

Cục Thủy sản cũng phối hợp với Trung tâm nguyên cứu Bảo tồn sinh vật biển và Phát triển cộng đồng (MCD) triển khai chương trình Đại sứ Hải đăng để tuyển các tình nguyên viên trên cả nước; xây dựng chương trình truyền thông (clip hướng dẫn, thiết kế tờ rơi) để hỗ trợ, tuyên truyền cho ngư dân về hệ thống eCDT VN.

Về phía địa phương, các tỉnh cũng đã đồng loạt tổ chức triển khai hệ thống. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tổ chức hướng dẫn, tập huấn ngư dân sử dụng phần mềm. Bố trí nguồn nhân lực và trang bị tại các cảng cá để hỗ trợ ngư dân xuất nhập bến trên phần mềm. Phối hợp với các lực lượng liên quan khác như biên phòng và chính quyền địa phương để hướng dẫn và phổ biến đến chủ tàu, thuyền trưởng.

Tỉ lệ các cảng triển khai phần mềm rất thấp

Hiện tại, 56/83 cảng cá đã thực hiện cho tàu cá xuất bến trên hệ thống với 7.940 lượt tàu cá và 47/83 cảng cá đã thực hiện thủ tục nhập bến cho tàu cá với 4.356 lượt tàu cá. Những cảng thực hiện tốt gồm có: cảng Tam Quan, cảng Đề Ri, cảng Quy Nhơn (Bình Định), cảng Hòn Rớ, cảng Vĩnh Lương (Khánh Hóa), và một số cảng khác.

Chỉ có 15/51 cảng thực hiện cấp giấy biên nhận thủy sản với tổng cộng 177 giấy. Các cảng như Hòn Rớ, Tam Quan, Tắc Cậu, Quy Nhơn, Gành Hào, và một số cảng khác đã bắt đầu triển khai nhưng còn nhiều cảng khác chưa thực hiện.

Hiện chỉ có 6 đơn vị đã cấp giấy xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác với tổng cộng 13 giấy, bao gồm các cảng Gành Hào, Tắc Cậu, Hòn Rớ, Tam Quan, Bến Đá, và Thọ Quang.

Việc cấp giấy chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác chưa được thực hiện do số lượng giấy xác nhận nguyên liệu quá thấp và các doanh nghiệp chưa đề nghị cấp giấy chứng nhận trên hệ thống.

Vướng mắc và nguyên nhân

Việc triển khai hệ thống còn chậm và không đồng bộ, nhiều địa phương chưa tổ chức thực hiện cho tàu cá xuất bến và nhập bến trên hệ thống. Nhiều đồn biên phòng không thực hiện, không đăng nhập, không xác nhận cho tàu cá xuất bến, nhập bến. Dữ liệu trên hệ thống chưa được cập nhật đầy đủ, thiếu thông tin về giấy phép khai thác, giấy chứng nhận đăng ký tàu cá, giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm. Việc cập nhật thông tin lên hệ thống khi chụp ảnh nhật ký khai báo cập cảng bị chậm, mất nhiều thời gian.

Phần mềm mới chỉ chạy trên hệ điều hành Android, chưa chạy được trên iOS, gây khó khăn cho những người sử dụng iPhone. Ngư dân còn bỡ ngỡ khi mới tiếp cận với ứng dụng và gặp khó khăn trong thao tác trên điện thoại. Một bộ phận ngư dân vẫn sử dụng điện thoại nút bấm, không phải smartphone, nên không thể cài đặt ứng dụng. Một số tính năng của phần mềm còn thiếu, gây khó khăn trong quá trình triển khai.

Hệ thống sử dụng ứng dụng trên điện thoại đôi khi sóng không ổn định dẫn đến hệ thống bị treo, chậm ảnh hưởng đến thời gian làm thủ tục xuất, nhập bến của ngư dân. Trình độ của một bộ phận không nhỏ ngư dân còn hạn chế, ảnh hưởng nhiều đến việc cài đặt, thao tác trên điện thoại dẫn đến tâm lý ngại áp dụng.

Một lý do quá tải do đặc trưng nghề khai thác hải sản là tàu cá tập trung xuất bến, nhập bến trong khoảng thời gian ngắn, trong khi số lượng tàu cá lớn dẫn đến bước đầu không kịp thao tác do chưa quen với việc sử dụng app.  Hệ thống đường truyền dữ liệu, dung lượng máy chủ còn hạn chế ảnh hưởng đến tốc độ cập nhật thông tin lên hệ thống.

Hiện nay chưa có chế tài xử lý đối với những tổ chức, cá nhân không triển khai thực hiện trong khi đây chưa phải là quy định bắt buộc. Nhiều tổ chức, cá nhân chưa nhận thức đúng tầm quan trọng của việc áp dụng hệ thống eCDT VN, tư tưởng e ngại, chờ đợi nơi khác, đơn vị khác triển khai thành công mới áp dụng cho đơn vị mình. Một số địa phương chưa quan tâm đúng mức đến việc triển khai hệ thống eCDT VN, ngại thay đổi, sợ trách nhiệm khi triển khai hệ thống mới.

Về phía doanh nghiệp, nhiều công ty chưa mặn mà với việc thực hiện cấp Giấy xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác (giấy SC) và Giấy chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác (giấy CC) trên hệ thống do lo sợ ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của đơn vị. Tâm lý ngư dân không muốn thay đổi, chưa muốn áp dụng công nghệ thông tin, không muốn bỏ thêm kinh phí để thực hiện quy định của nhà nước.

Giải pháp khắc phục

Các cơ quan trưng ương cần rà soát, chỉnh sửa, nâng cấp để hoàn thiện hệ thống nhằm phù hợp với thực tế nghề cá hiện nay, dự kiến hoàn thành vào tháng 9/2024. Chỉnh sửa khung pháp lý để đưa hệ thống vào sử dụng bắt buộc thay cho việc sử dụng các bản giấy như hiện nay. Khẩn trương đưa hệ thống chạy trên hệ điều hành iOS để đảm bảo mọi điện thoại thông minh đều có thể cài đặt và sử dụng. Tiếp tục tổ chức tập huấn, hướng dẫn các địa phương tổ chức triển khai thực hiện.

Các Sở ban ngành Địa Phương cần đẩy mạnh hơn nữa việc tổ chức triển khai thực hiện áp dụng hệ thống eCDT VN, đảm bảo sự tham gia đồng bộ của các đối tượng liên quan: Ngư dân, chủ tàu, cảng cá, biên phòng, Chi cục Thủy sản, doanh nghiệp. Tăng cường các hoạt động tập huấn, hướng dẫn đồng bộ tại tất cả các địa phương để ngư dân tiếp cận và quen với việc sử dụng phần mềm. Cần có biện pháp quy định rõ trách nhiệm đối với những tổ chức, cá nhân không hoặc cố tình chậm trễ trong quá trình triển khai thực hiện. Tăng cường các hoạt động truyền thông trên báo, đài, truyền hình để các đối tượng liên quan hiểu được tầm quan trọng của việc áp dụng hệ thống eCDT VN trong việc thực hiện gỡ bỏ thẻ vàng. Sau đó, tổng hợp những khó khăn, vướng mắc kịp thời báo cáo Cục Thủy sản để kịp thời tháo gỡ.

Việc triển khai “Hệ thống truy xuất nguồn gốc thủy sản điện tử (eCDT VN)” là một bước tiến quan trọng trong nỗ lực gỡ bỏ cảnh báo "Thẻ vàng" của Ủy ban Châu Âu (EC) và nâng cao hiệu quả quản lý ngành thủy sản. Tuy nhiên, quá trình triển khai còn gặp nhiều khó khăn và hạn chế. Để khắc phục, cần có sự đồng bộ từ trung ương đến địa phương, nâng cấp hệ thống, tăng cường tập huấn và truyền thông, cũng như có các biện pháp xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân không thực hiện đúng quy định. Với những giải pháp đồng bộ và quyết liệt, hy vọng hệ thống eCDT VN sẽ sớm hoàn thiện và đi vào hoạt động hiệu quả, góp phần nâng cao uy tín của ngành thủy sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Hải Đăng

Ý kiến bạn đọc

Tin khác