06 Quy hoạch vùng đã được Thủ tướng phê duyệt (05-06-2024)

Tháng 5/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 05 Quyết định phê duyệt Quy hoạch vùng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Cùng với một Quyết định đã ban hành trước đó, Việt Nam có 06 Quy hoạch vùng được phê duyệt cụ thể như sau:
06 Quy hoạch vùng đã được Thủ tướng phê duyệt
Ảnh minh họa

(1) Quyết định 287/QĐ-TTg ngày 28/2/2022 phê duyệt Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Vùng đồng bằng sông Cửu Long gồm 13 tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương (Cần Thơ, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau).

Về phương hướng phát triển: Trong giai đoạn 2021-2030, Vùng đồng bằng sông Cửu Long sẽ tập trung phát triển các sản phẩm chiến lược theo 03 trọng tâm: Thủy sản, trái cây và lúa gạo theo hướng tăng tỷ trọng thủy sản, trái cây; giảm tỷ trọng lúa gạo.

(2) Quyết định 368/QĐ-TTg ngày 04/5/2024 phê duyệt Quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Vùng đồng bằng sông Hồng gồm 11 tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương (Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình và Quảng Ninh).

Trong giai đoạn 2021-2030, Vùng đồng bằng sông Hồng sẽ phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng sinh thái, ứng dụng công nghệ cao, chủ yếu mở rộng diện tích nuôi thủy sản, đặc sản nội đồng trong đất liền và diện tích nuôi thủy sản trên biển, vùng đảo tại các khu vực phù hợp, tập trung vào các sản phẩm cá nước ngọt có giá trị hàng hóa cao và các hải sản có giá trị xuất khẩu, chế biến. Phát triển các vùng nuôi thủy sản nước ngọt tập trung ở các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Hải Dương, Hưng Yên, Ninh Bình. Ổn định diện tích nuôi thủy sản nước mặn, nước lợ vùng bờ ở các địa phương ven biển; mở rộng diện tích nuôi thủy sản sinh thái trên biển, vùng đảo ở Quảng Ninh, Hải Phòng.

(3) Quyết định 369/QĐ-TTg ngày 04/5/2024 phê duyệt Quy hoạch vùng trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Vùng trung du và miền núi phía Bắc gồm 14 tỉnh (Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Giang, Phú Thọ, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Sơn La, Điện Biên và Hoà Bình).

Trong giai đoạn 2021-2030, Vùng trung du và miền núi phía Bắc sẽ tập trung phát triển nuôi trồng thủy sản nước ngọt ở các tỉnh có diện tích mặt nước tự nhiên và chuyên dùng lớn (như Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Tuyên Quang, Yên Bái). Mở rộng nuôi thủy sản ở vùng lòng hồ các công trình thủy lợi, thủy điện.

(4) Quyết định 370/QĐ-TTg ngày 04/5/2024 phê duyệt Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Vùng Đông Nam Bộ gồm 6 tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương (Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước và Tây Ninh).

Trong giai đoạn 2021-2030, Vùng Đông Nam Bộ sẽ chú trọng nâng cao hiệu quả và tính bền vững của khai thác hải sản, chuyển đổi cơ cấu nghề khai thác phù hợp với điều kiện tự nhiên, nguồn lợi thủy sản. Đầu tư Trung tâm nghề cá lớn Bà Rịa - Vũng Tàu gắn với ngư trường Đông Nam Bộ; khu Trung tâm thủy sản Thành phố Hồ Chí Minh tại huyện Cần Giờ phục vụ cho chế biến sâu kết hợp cảng cá. Phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển thành một lĩnh vực sản xuất hàng hóa, khuyến khích phát triển nuôi trồng thủy sản quy mô công nghiệp ở các vùng biển có điều kiện thuận lợi, ưu tiên các vùng biển xa bờ.

(5) Quyết định 376/QĐ-TTg ngày 04/5/2024 phê duyệt Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung gồm 14 tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương (Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà, Ninh Thuận và Bình Thuận).

Trong giai đoạn 2021-2030, phát triển ngành Nông nghiệp của vùng theo hướng sinh thái, thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu. Cơ cấu lại ngành nông, lâm nghiệp, khai thác, nuôi trồng thủy, hải sản gắn với công nghiệp chế biến, bảo đảm bền vững và hiệu quả cao. Đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản công nghiệp và bán công nghiệp gắn với bảo vệ môi trường; tăng cường liên kết chuỗi nuôi trồng, chế biến nông sản và thủy sản giữa các địa phương. Khuyến khích phát triển nuôi trồng thủy sản ở vùng biển ven các hải đảo xa bở các tỉnh Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Phú Yên. Đặc biệt, tập trung các loại thủy sản có giá trị cao tại Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và các địa bàn khác có tiềm năng. Phát triển các dịch vụ hậu cần nghề cá kết hợp quốc phòng, an ninh tại các khu vực ngư trường trọng điểm và trên tuyến đảo xa bờ tập trung ở Khánh Hòa, Ninh Thuận, Đà Nẵng, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Bình Thuận, Bình Định và một số địa bàn có tiềm năng.

(6) Quyết định 377/QĐ-TTg ngày 04/5/2024 phê duyệt Quy hoạch vùng Tây Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Vùng Tây Nguyên gồm 5 tỉnh (Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng).

Trong giai đoạn 2021-2030, phát triển kinh tế nông nghiệp hiệu quả cao, sinh thái, hữu cơ, quy mô lớn gắn với vùng sản xuất nông nghiệp tập trung áp dụng công nghệ cao, phù hợp với điều kiện tự nhiên của từng tiểu vùng. Phát triển các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung; thủy sản nước lạnh (cá hồi, cá tầm).

Ngọc Thúy – FICen

Ý kiến bạn đọc

Tin khác