Số hóa cơ sở dữ liệu là gốc trong chuyển đổi số nông nghiệp (15-05-2024)

Chiều 14/5/2024, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị chuyên đề “Thúc đẩy số hóa ngành nông nghiệp” kết nối trực tuyến đến điểm cầu trụ sở UBND thuộc 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Số hóa cơ sở dữ liệu là gốc trong chuyển đổi số nông nghiệp

Tại điểm cầu Trụ sở Bộ NN&PTNT, tham dự hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan, Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp công nghệ thông tin.

Đây là hội nghị đầu tiên được tổ chức theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Kế hoạch hoạt động năm 2024 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, phù hợp với chủ đề chuyển đổi số quốc gia năm 2024 là "Phát triển kinh tế số với 4 trụ cột công nghiệp công nghệ thông tin, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số - Động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững".

Hội nghị nhằm đánh giá thực trạng, các điểm nghẽn về tình hình số hóa, ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực nông nghiệp; trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, mô hình thực tiễn trong chuyển đổi số ngành nông nghiệp; chỉ ra những giải pháp nhằm tháo gỡ các vướng mắc, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, ứng dụng số hóa nhanh và hiệu quả hơn nữa trong lĩnh vực nông nghiệp.

Nông nghiệp luôn là nền tảng vững chắc, trụ cột kinh tế đóng vai trò không thể thiếu trong việc đảm bảo an ninh lương thực và là nguồn cung cấp các sản phẩm thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân.

Trong những năm gần đây, ngành nông nghiệp đã chủ động triển khai mạnh mẽ chuyển đổi số, nhất là ứng dụng công nghệ số vào thực tiễn, như trí tuệ nhân tạo, quản trị dữ liệu, IoT, tự động hóa... vào hoạt động sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản đã giúp tăng năng suất lao động, nâng cao hiệu quả, đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường và nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản Việt Nam.

Tuy nhiên, công cuộc số hóa trong lĩnh vực nông nghiệp từ Trung ương đến địa phương còn gặp không ít rào cản và thách thức, như tỷ trọng kinh tế số trong ngành nông nghiệp còn thấp nhiều so với mục tiêu Chính phủ đặt ra đến năm 2025 là 10%.

Ngành nông nghiệp là một trong những ngành có nhiều dữ liệu nhất, nhưng tỉ lệ thu thập còn ít; chuyển đổi số còn mới mẻ với cả người đứng đầu các địa phương và đặc biệt là người nông dân.

Đặc biệt, hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam phải đáp ứng yêu cầu khắt khe về truy suất nguồn gốc của các nước nhập khẩu.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, trong bối cảnh toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ, những năm gần đây, ngành Nông nghiệp đã chủ động triển khai mạnh mẽ chuyển đổi số.

Trong đó, ứng dụng công nghệ số vào thực tiễn như trí tuệ nhân tạo, quản trị dữ liệu, IoT, tự động hóa... vào hoạt động sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản đã giúp tăng năng suất lao động, nâng cao hiệu quả, đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường và nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản Việt Nam.

Thời gian vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông để “giải mã” những khái niệm chuyên ngành chuyển đổi số trong nông nghiệp, phân biệt giữa công nghệ thông tin với chuyển đổi số, những giải pháp căn bản và cụ thể cho chuyển đổi số ngành nông nghiệp...

Ông Nguyễn Quốc Toản, Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết trong dịch vụ công trực tuyến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, một tập hợp các dịch vụ công đã được tích hợp lên cùng một nền tảng công nghệ chung để giải quyết các thủ tục hành chính nhanh gọn.

Về phát triển dữ liệu, thường xuyên cập nhật và vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành về trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản, thủy lợi, phòng chống thiên tai...

Trong lĩnh vực Thủy lợi, đã triển khai xây dựng nền tảng chuyển đổi số trong chỉ đạo, điều hành cấp nước cho dân sinh, sản xuất và đảm bảo an toàn đập, hồ chứa nước thủy lợi.

Đối với lĩnh vực trồng trọt, một số doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ dân sản xuất đã áp dụng hệ thống tưới tự động, tưới nhỏ giọt, tự động điều chỉnh nhiệt độ trong nhà kính, nhà màng… góp phần tiết kiệm chi phí nhân công, nguồn nước, tăng năng suất cây trồng.

Trong chăn nuôi, một số trang trại đã áp dụng hệ thống cảm biến điều khiển tiểu khí hậu chuồng nuôi, cho ăn và cấp nước uống tự động; quản lý, theo dõi chăn nuôi, xuất xứ động vật nuôi bằng phần mềm… Công nghệ IoT, Blockchain, tin sinh học đã được ứng dụng tại trang trại chăn nuôi quy mô vừa và lớn.

Với ngành thủy sản, đã ứng dụng hệ thống giám sát hành trình, phần mềm Vnfishbase trong khai thác thủy sản để quản lý tàu cá và hỗ trợ ngư dân trong quá trình khai thác trên biển. Công nghệ IoT đã được ứng dụng trong đo lường, theo dõi, giám sát chất lượng nước tự động 24/24; đo độ mặn của sông, cho biết thời điểm xâm nhập mặn.

Về tiêu thụ nông sản, đã có trên 600 HTX nông nghiệp tham gia sàn giao dịch sanocop.vn kết nối tiêu thụ xuất khẩu tới các thị trường Nhật Bản, Anh, Pháp, Hà Lan, Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc… Đến nay, đã có hàng trăm mặt hàng nông sản của Việt Nam được chào bán trên những sàn Thương mại điện tử có uy tín và đạt doanh số bán hàng khá cao.

Thống kê từ các địa phương cho thấy, đến hết tháng 4/2024 đã có hơn 2 triệu hộ sản xuất nông nghiệp tại các tỉnh, thành được đào tạo kỹ năng số, gần 50.000 sản phẩm nông sản được đưa lên sàn thương mại điện tử và hàng nghìn giao dịch điện tử đã được thực hiện cho thấy hiệu quả bước đầu của công cuộc chuyển đổi số nông nghiệp.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam chia sẻ: chuyển đổi số có thể giúp doanh nghiệp thủy sản giảm chi phí từ 7-25%. Từ yêu cầu của khách hàng, đơn vị chứng nhận các tiêu chuẩn…, nếu doanh nghiệp ứng dụng số thì khi thực hiện các việc này sẽ giảm bớt khó khăn đi rất nhiều.

Tại cuộc họp, các địa phương kiến nghị Chính phủ sớm phê duyệt Đề án chuyển đổi số ngành nông nghiệp; Bộ NN&PTNT sớm ban hành cấu trúc dữ liệu ngành nông nghiệp và cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp số tham gia thúc đẩy chuyển đổi số ngành nông nghiệp; xây dựng bản đồ số về vùng cây trồng để phục vụ việc quản lý thổ nhưỡng, đất đai.

Bộ NN&PTNT cũng cần hướng dẫn các địa phương thực hiện hiệu quả các nội dung trong Đề án 06 trong lĩnh vực nông nghiệp; tăng cường tập huấn cho các địa phương nâng cao trình độ tiếp cận công nghệ thông tin, kỹ năng quảng bá trên các sàn thương mại điện tử, các địa phương kiến nghị.

Các doanh công nghệ số mong muốn được tạo điều kiện tiếp cận các dự án chuyển đổi số của nhà nước, trong đó có lĩnh vực kiểm kê và quản lý phát thải khí nhà kính.

Chia sẻ về giải pháp, ông Dương Trọng Hải, đại diện VNPT cho rằng, để ứng dụng, phát triển nông nghiệp số không phải là vấn đề đầu tư cho doanh nghiệp công nghệ mà đầu tư cho doanh nghiệp nông nghiệp đầu tàu sẵn sàng số hóa. Doanh nghiệp này sẽ dẫn dắt hợp tác xã, nông dân chuyển đổi số, khi đó sẽ tạo thành thị trường số.

“Chuyển đổi số không phải là công nghệ mà là dữ liệu số, chuyên môn hóa. Chính sách cần hỗ trợ vào doanh nghiệp đầu chuỗi. Hiện đang có khoảng 20.000 hợp tác xã nông nghiệp, VNPT sẵn sàng chia sẻ khó khăn với các hợp tác xã”, ông Dương Trọng Hải cho hay.

Ghi nhận những giá trị mà chuyển đổi số mang lại, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho biết, chuyển đổi số có thể giúp doanh nghiệp thủy sản giảm chi phí từ 7 - 25%. Từ yêu cầu của khách hàng, đơn vị chứng nhận các tiêu chuẩn…, nếu doanh nghiệp ứng dụng số thì khi thực hiện các việc này sẽ giảm bớt khó khăn đi rất nhiều.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp gặp phải các khó khăn, vướng mắc.

Một là, hiện tại chưa có các quy định riêng về dữ liệu ở mức Luật, các quy định về dữ liệu còn lồng trong các văn bản, quy định hướng dẫn về ứng dụng công nghệ thông tin. Dữ liệu của cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Bộ còn rời rạc, cục bộ, khép kín trong phạm vi của đơn vị. Các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Bộ chưa chủ động, tự nguyện mở dữ liệu để khai thác, sử dụng do lo ngại về tính đầy đủ, chính xác của dữ liệu.

Hai là, Nhân lực làm công tác chuyển đổi số còn hạn chế, thiếu kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm về chuyển đổi số. Ba là, thiếu sự đồng bộ trong việc triển khai thực hiện về: Cơ sở hạ tầng nền tảng; phần mềm nền tảng, dùng chung; cơ sở dữ iệu liên thông, chia sẻ, tích hợp...

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp kiến nghị Quốc hội nghiên cứu sớm sửa đổi Luật Công nghệ thông tin; ban hành Luật Dữ liệu, Luật Chuyển đổi số để bảo đảm hành trang pháp lý đồng bộ cho chuyển đổi số. Đối với Chính phủ, về ngắn hạn cần sớm xây dựng, hướng dẫn phương án triển khai thử nghiệm có kiểm soát nhằm tạo khung pháp lý cho phép các chương trình, dự án đầu tư, phát triển ứng dụng các công nghệ số mới trong từng ngành, lĩnh vực chưa được quy định bởi pháp luật.

Song song với quá trình ban hành các Luật của Quốc hội, dề nghị Chính phủ nghiên cứu xây dựng các Nghị định, Thông tư, văn bản hướng dẫn về Chính phủ điện tử, chuyển đổi số bảo đảm sự đồng bộ, kịp thời để áp dụng hiệu quả trong thực tiễn.

Khẩn trương định danh tàu cá phục vụ quản lý, chống đánh bắt cá bất hợp pháp

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang ghi nhận, biểu dương nỗ lực của ngành nông nghiệp trong chuyển đổi số, đạt được những kết quả bước đầu đáng khích lệ, góp phần vào những kỳ tích mà ngành nông nghiệp đạt được trong thời gian vừa qua.

Phó Thủ tướng cũng nêu rõ thể chế cho phát triển nông nghiệp nói chung và cho chuyển đổi số trong nông nghiệp còn những điểm nghẽn cần tháo gỡ; hạ tầng số trong nông nghiệp còn yếu; tỉ lệ dịch vụ công toàn trình mới đạt 16% trong khi mục tiêu của Chính phủ là 80%; tỉ lệ dữ liệu được thống kê và kết nối được chưa cao; còn thiếu hụt nhân lực chuyển đổi số, tỉ trọng đóng góp kinh tế số trong GDP còn khiêm tốn.

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Nông nghiệp&PTNT tập trung thúc đẩy chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính để tạo thuận lợi cho người nông dân và doanh nghiệp. Đặc biệt, đối với nông dân thì thủ tục hành chính càng phải đơn giản hơn.

Bộ cần hợp nhất Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ thành Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tập trung duy nhất của bộ; kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia theo đúng lộ trình; kết nối, chia sẻ dữ liệu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bảo đảm an toàn, an ninh hệ thống; định danh được hệ thống tàu cá phục vụ quản lý, chống đánh bắt cá bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định.

Đối với việc xây dựng cơ sở dữ liệu, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ NN&PTNT tập trung xây dựng, chuẩn hóa dữ liệu ngành sao cho chuẩn xác, đầy đặn, cập nhật kịp thời, đặc biệt phải dễ hiểu, dễ ứng dụng; phát triển hạ tầng số, các nền tảng số trong lĩnh vực nông nghiệp.

Do lĩnh vực quản lý rộng, lượng dữ liệu lớn, Bộ cần xác định thứ tự ưu tiên khi xây dựng các cơ sở dữ liệu và triển khai tới bờ tới bến, tới nơi tới chốn, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị các doanh nghiệp công nghệ số, như VNPT, Viettel, FPT… tích cực tham gia hỗ trợ ngành nông nghiệp chuyển đổi số.

Đối với các kiến nghị của địa phương, doanh nghiệp, Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ NN&PTNT và Bộ TT&TT ghi nhận, giải quyết, và báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền.

Văn Thọ

Ý kiến bạn đọc

Tin khác