Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản: 40 năm đóng góp quan trọng cho ngành thủy sản (08-05-2024)

Sáng ngày 7/5, tại Hà Nội, Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản, Bộ Nông nghiệp và PTNT long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Viện. Tham dự Lễ kỷ niệm có các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và PTNT, lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ, cùng đại diện các Bộ, ngành, cán bộ của viện qua các thời kỳ.
Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản: 40 năm đóng góp quan trọng cho ngành thủy sản

Mở đầu Lễ kỷ niệm, TS Nguyễn Thanh Bình, Viện trưởng Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản đã báo cáo tóm tắt quá trình 40 năm hình thành và phát triển Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản nhằm ôn lại chặng đường xây dựng và phát triển trong 40 năm qua. Ngày 6/9/1983, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Nghị định số 95/HĐBT cho phép Bộ Thủy sản thành lập Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản. Ngày 7/5/1984, Bộ trưởng Bộ Thủy sản ban hành Quyết định số 311/TS-QĐ chính thức tách 2 bộ phận chủ yếu là Phòng Quy hoạch dài hạn thuộc Vụ Kế hoạch và Phòng Khảo sát xây dựng quy hoạch của Vụ Nuôi trồng thủy sản để thành lập Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản. Từ đây, Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản chính thức đi vào hoạt động với tư cách một cơ quan nghiên cứu độc lập trực thuộc Bộ.

Viện đã và đang được giao trọng trách quan trọng trong nghiên cứu, tư vấn kinh tế, chính sách, chiến lược, quy hoạch phát triển bền vững của ngành thủy sản. Với đội ngũ cán bộ nghiên cứu có trình độ chuyên môn và kinh nghiệm dày dạn, trong 40 năm qua, Viện đã hoàn thành hàng trăm công trình lớn nhỏ. Từ các dự án quy hoạch tổng thể toàn ngành với các vùng phát triển rộng lớn như: Đồng bằng sông Hồng, Đồng bằng sông Cửu Long, Duyên hải miền Trung, Trung du miền núi, Tây Nguyên, vùng triều,… Từ quy hoạch ngành quốc gia đến quy hoạch tỉnh, xây dựng các đề án, dự án phát triển thủy sản để tích hợp vào quy hoạch tỉnh, quy hoạch tổng thể quốc gia…

Cùng với công tác quy hoạch, Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản cũng xúc tiến nghiên cứu nhiều công trình để tham mưu cho Bộ trưởng và Nhà nước về các vấn đề kinh tế xã hội và quản lý như: Vấn đề kinh tế thủy sản, hợp tác xã, các thành phần kinh tế, vấn đề hiệu quả xã hội và phát triển nông thôn, vấn đề quản lý vĩ mô và quản lý cộng đồng; các vấn đề quản lý sản xuất đến các vấn đề kinh tế môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu (BĐKH) và vấn đề hội nhập kinh tế quốc tế, đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của các thị trường nhập khẩu, cam kết về lĩnh vực thủy sản tại các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên. Những vẫn đề nghiên cứu của Viện được mở rộng hơn theo từng nhiệm vụ riêng biệt và được đánh giá cao.

Từ những nỗ lực và đóng góp đó, trong 40 năm xây dựng và phát triển, Viện đã được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; nhiều Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Thủy sản và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT.

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến đánh giá cao sự đóng góp quan trọng của Viện cho ngành thủy sản trong 40 năm qua. Những thành quả đạt được đó giữ vị trí quan trọng trong xây dựng Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam. Vừa là cơ quan tham mưu chính sách phát triển kinh tế thủy sản trung và dài hạn, góp phần vào thành công của ngành thủy sản trong những năm gần đây, tập thể cán bộ viên chức của Viện đã có nhiều cố gắng trong nghiên cứu khoa học, hợp tác với các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước, bám sát thực tế, vận dụng đầy đủ, đúng đắn các chủ trương của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước trong xây dựng chiến lược phát triển ngành thủy sản.

Mặc dù phải đổi mặt với nhiều khó khăn, thách thức, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến mong muốn Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản tiếp tục phấn đấu, phát huy sức mạnh tập thể để xây dựng bộ máy tinh gọn, vững mạnh; đào tạo đội ngũ cán bộ kế thừa có trình độ chuyên môn cao để góp phần xây dựng ngành thủy sản ngày càng vững mạnh.

Trên cơ sở đó, Thứ trưởng yêu cầu, trong thời gian tới, lĩnh vực thủy sản, ngành nông nghiệp tiếp tục đối diện với những thách thức. Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản tiến tới sẽ là đơn vị tự chủ cũng sẽ đối diện với nhiều khó khăn. Tuy nhiên, không vì thế mà tập thể Viện nản lòng, không tiếp tục cố gắng, vươn lên. Thay vào đó, cần tập trung xây dựng định hướng, chiến lược phát triển cụ thể của mình ở từng giai đoạn; xác định rõ vai trò, vị trí quan trọng của mình trong lĩnh vực thủy sản nói riêng và ngành nông nghiệp nói chung.

Trong không khí trang trọng và ấm áp, Viện Kinh tế và Quy hoạch thuỷ sản vinh dự được đón nhận bức trướng "Đoàn kết - Sáng tạo - Đổi mới - Phát triển" của Bộ Nông nghiệp và PTNT. Đây không chỉ là sự ghi nhận của Bộ đối với những đóng góp của Viện mà còn là minh chứng cho sự cố gắng, nỗ lực, phấn đấu không mệt mỏi của các thế hệ lãnh đạo, cán bộ viên chức, người lao động. Bên cạnh đó, một số tập thể, cá nhân xuất sắc cũng được trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT.

Tại Lễ kỷ niệm, TS. Nguyễn Thanh Bình, Viện trưởng Viện Kinh tế và Quy hoạch thuỷ sản bày tỏ lòng cảm ơn chân thành, sự tri ân sâu sắc đến các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và PTNT, lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ cùng đại diện các Bộ, ngành, tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ và toàn thể lãnh đạo, cán bộ viên chức, người lao động của Viện qua các thời kỳ. Viện ghi nhận và tiếp thu các ý kiến chỉ đạo, góp ý. Viện sẽ cố gắng, nỗ lực, quyết tâm, tiếp tục có những đóng góp quan trọng, ngày càng khẳng định vị trí, vai trò trong nghiên cứu chính sách, chiến lược, kinh tế và quy hoạch đối với sự phát triển của ngành thuỷ sản, thể hiện sự kỳ vọng của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và PTNT và nhân dân đối với Viện Kinh tế và Quy hoạch thuỷ sản.

Cũng nhân dịp kỷ niệm 40 năm thành lập, xây dựng và phát triển Viện (07/5/1984-07/5/2024), trong hai ngày 6-7/5, Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản đã tổ chức Hội thảo khoa học toàn quốc “Kinh tế và chính sách phát triển thủy sản trong mối quan hệ với tăng trưởng xanh” với 2 chủ đề chính: Kinh tế, chính sách; quy hoạch, định hướng phát triển thủy sản; Bảo vệ, khai thác nguồn lợi và phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững. Mục tiêu của hội thảo nhằm: Trao đổi, trình bày ý tưởng sáng tạo trong đổi mới tư duy kinh tế thủy sản; chia sẻ các công trình nghiên cứu, các sản phẩm khoa học mới, triển vọng nhằm nâng cao công tác quản lý của ngành, nâng cao giá trị gia tăng và tính bền vững của ngành thủy sản trong bối cảnh hội nhập quốc tế và BĐKH.

Trong khuôn khổ Hội thảo, Viện phối hợp với Trung tâm Nghề cá Thế giới và Tổ chức CARE Quốc tế tổ chức 01 sự kiện bên lề có sự tham gia của một số đối tác quốc tế với chủ đề “Thực phẩm thủy sản xanh trong chiến lược ứng phó biến BĐKH” với mục tiêu tạo diễn đàn trao đổi thông tin và kết quả nghiên cứu về phát triển bền vững ngành thủy sản Việt Nam trong bối cảnh biến đổi khí hậu, xác định cơ hội hợp tác, các biện pháp, chính sách liên ngành thích ứng, giảm thiểu tác động của BĐKH và kết nối mạng lưới chuyên gia liên quan đến BĐKH. Kết quả của sự kiện này sẽ góp phần vào thực hiện Chiến lược phát triển ngành Thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, hỗ trợ nâng cao quản lý ngành, nâng cao giá trị gia tăng và tính bền vững của ngành Thủy sản trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và ứng phó BĐKH.

Hội thảo khoa học toàn quốc “Kinh tế và chính sách phát triển thủy sản trong mối quan hệ với tăng trưởng xanh” đã đem lại rất nhiều ý nghĩa thiết thực khi bối cảnh đang đặt ra những thách thức, yêu cầu đổi mới về phát triển ngành thủy sản theo hướng tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, trong đó bao gồm việc tiếp tục hoàn thiện khung thể chế, chính sách, đẩy mạnh nghiên cứu kinh tế thủy sản và đổi mới các mô hình sản xuất trong bối cảnh  ứng phó với BĐKH và hội nhập quốc tế.

Thanh Thủy

Ý kiến bạn đọc

Tin khác