Quảng Bình: Phát triển chế biến nông, lâm, thủy sản và muối đến năm 2030 (14-12-2022)

Nhằm đảm bảo ngành công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản và muối trên địa bàn có đủ năng lực chế biến đảm bảo đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp; xây dựng, phát triển thành công một số doanh nghiệp chế biến có quy mô lớn, hiện đại, có năng lực cạnh tranh. Ngày 15/11/2022, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 2163/KH-UBND phát triển chế biến nông, lâm, thủy sản và muối trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đến năm 2030.
Quảng Bình: Phát triển chế biến nông, lâm, thủy sản và muối đến năm 2030
Ảnh minh họa

Theo đó, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Quảng Bình, phấn đấu đến năm 2030, công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản và muối có đủ năng lực chế biến đảm bảo đầu ra cho sản xuất nông nghiệp; đạt trình độ công nghệ từ trung bình tiên tiến trở lên; sản phẩm đáp ứng tốt các yêu cầu của thị trường tiêu thụ, có khả năng cạnh tranh cao, chất lượng và an toàn thực phẩm. Đồng thời, tăng thu nhập, cải thiện đời sống của người dân, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ, cơ sở sản xuất kinh doanh, hợp tác xã, tổ hợp tác trên địa bàn.

Cụ thể, giai đoạn 2026-2030: Tốc độ tăng giá trị hàng nông, lâm, thủy sản và muối qua chế biến đạt 8 - 10%/năm; tổn thất sau thu hoạch các nông sản chủ lực giảm từ 0,5% đến 1,0 %/năm; Trên 70% số cơ sở chế biến các mặt hàng nông, lâm, thủy sản và muối xuất khẩu chủ lực đạt trình độ công nghệ sản xuất tiên tiến. 

Tỷ lệ cơ sở sơ chế, chế biến thực phẩm nông, lâm, thủy sản và muối được chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm hoặc ký cam kết tuân thủ quy định an toàn thực phẩm đạt và duy trì 100%; tỷ lệ cơ sở sơ chế, chế biến thực phẩm nông lâm, thủy sản và muối áp dụng HACCP, ISO 2200 tăng bình quân 15%/năm.

Mặt khác, phấn đấu 10-20% sản phẩm nông lâm, thủy sản và muối xây dựng được thương hiệu có uy tín, 30-40% sản phẩm truy xuất được nguồn gốc; tỷ lệ sản phẩm chế biến sâu tăng bình quân 15%/năm, tỷ trọng sản lượng sản phẩm chế biến sâu, có giá trị gia tăng cao đạt 30% trở lên; giá trị xuất khẩu đạt từ 90-110 triệu USD. Cùng đó, hình thành một số doanh nghiệp chế biến nông sản hiện đại, có tiềm lực kinh tế và trình độ quản lý hiệu quả; các cụm công nghiệp chế biến nông sản gắn với phát triển các vùng sản xuất nguyên liệu tập trung được cơ giới hóa đồng bộ và kết nối tiêu thụ nông sản.

Kế hoạch đưa ra 05 nội dung chính: (1) Phát triển chế biến theo nhóm sản phẩm, ưu tiên phát triển nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia, cấp tỉnh, sản phẩm OCOP và đặc sản địa phương; (2) Phát triển các cụm liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ; (3) Hỗ trợ cơ sở chế biến nông, lâm, thủy sản và muối, xây dựng cải tạo, nâng cấp nhà xưởng, trang thiết bị chế biến, bảo đảm an toàn thực phẩm; áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến HACCP, ISO 2200 (hoặc tương đương); (4) Xúc tiến thương mại, phát triển thị trường sản phẩm chế biến nông, lâm, thủy sản và muối; (5) Tuyên truyền, tập huấn, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản và muối.

Để thực hiện hiệu quả các mục tiêu và nội dung trên, UBND tỉnh Quảng Bình  giao Sở Nông nghiệp và PTNT: Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và địa phương tổ chức triển khai Kế hoạch này và các nội dung chiến lược phát triển cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông lâm thủy sản đến năm 2030; phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu lồng ghép các nội dung của Chiến lược vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện,..

Sở Kế hoạch và Đầu Tư: Tiếp tục triển khai hiệu quả các chính sách khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào chế biến nông, lâm, thủy sản và muối,..

Cục Quản lý thị trường: Kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, xử lý nghiêm các hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, các hành vi gian lận thương mại đối với mặt hàng nông, lâm, thủy sản và muối.

Sở Tài nguyên và Môi trường: Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương trong tham mưu bố trí, quy hoạch đất,  xây dựng kế hoạch quản lý, bảo vệ môi trường cho các cơ sở chế biến nông, lâm, thủy sản và muối trên địa bàn. 

Sở Khoa học và Công nghệ: hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu, xây dựng thương hiệu, đăng ký mã vạch sản phẩm chế biến nông, lâm, thủy sản và muối; khuyến khích các doanh nghiệp hợp tác liên kết đề xuất, xây dựng danh mục đề tài, dự án nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học và công nghệ trong chế biến

UBND các huyện, thành phố, thị xã: xây dựng các chương trình, đề án, dự án trọng điểm phát triển nông nghiệp phù hợp với đặc điểm và thế mạnh của từng địa phương; ưu tiên phát triển các sản phẩm chủ lực và các sản phẩm đặc sản của địa phương gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ, ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó, triển khai các giải pháp tăng cường liên kết vùng, hướng tới phát triển các cụm liên kết sản xuất - bảo quản, chế biến - tiêu thụ gắn với các vùng nguyên liệu tập trung, kết nối với cơ sở chế biến và hệ thống logistic, kênh phân phối, tiêu thụ,..

Thanh Thủy

Ý kiến bạn đọc

Tin khác