Thời gian qua, tỉnh Vĩnh Long đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong sản xuất nông nghiệp. Cơ sở hạ tầng nông thôn phát triển khá, tạo điều kiện thuận lợi để đầu tư phát triển (nhất là việc ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất). Các địa phương đã tích cực vận động, khuyến khích nông dân đưa máy móc vào sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản. Tỉnh đã xác định: Cơ giới hóa trong sản xuất là nội dung chủ yếu trong việc áp dụng KHCN, mang lại hiệu quả kinh tế lâu dài, tiết kiệm sức lao động, giảm chi phí, đem lại năng suất và chất lượng nông lâm thủy sản cao hơn.
Tuy nhiên, cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh còn một số hạn chế như: Trình độ cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp chỉ đạt mức trung bình và phát triển chưa toàn diện. Cơ giới hóa nông nghiệp vẫn chưa có sự đồng bộ trong các khâu sản xuất và trong các lĩnh vực, đặc biệt là cơ giới hóa nông nghiệp đồng bộ đạt tỷ lệ rất thấp. Mặc khác, cơ chế chính sách chưa đủ hấp dẫn đầu tư vào chế biến nông lâm thủy sản.
Nhằm định hướng và từng bước khắc phục những vấn đề trên, UBND tỉnh đã xác định phát triển nông nghiệp và chế biến nông lâm thủy sản theo hướng cơ giới hóa đồng bộ, theo chuỗi liên kết sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Đẩy mạnh sử dụng máy móc, thiết bị, công nghệ tiên tiến, công nghệ số, công nghệ thông minh trong các khâu sản xuất nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững. Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển cơ giới hóa nông nghiệp và công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản.
Ưu tiên phát triển doanh nghiệp quy mô lớn
Ưu tiên phát triển doanh nghiệp chế biến nông lâm thủy sản quy mô lớn, hiện đại, có trình độ và năng lực công nghệ tiên tiến kết hợp với phát triển các cơ sở sơ chế, bảo quản, chế biến quy mô vừa và nhỏ nhằm tạo sự đồng bộ, gắn kết, lan tỏa theo chuỗi. Đa dạng hóa sản phẩm, tăng tỷ trọng chế biến sâu; đẩy mạnh chế biến các sản phẩm nông lâm thủy sản chủ lực xuất khẩu và phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp.
Đảm bảo nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường tại các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung được cơ giới hóa. Đẩy mạnh áp dụng các loại máy, thiết bị, công nghệ trong sản xuất, nâng cao mức độ cơ giới hóa các khâu trong sản xuất nông nghiệp, tiến đến cơ giới hóa đồng bộ và tự động hóa.
Phát triển chế biến hiện đại, hiệu quả, bền vững
Thúc đẩy, khuyến khích đầu tư cơ sở chế biến, bảo quản và tiêu thụ các nông lâm thủy sản truyền thống của tỉnh (sản phẩm đặc sản địa phương) nhằm phát huy lợi thế của từng địa phương, tạo việc làm, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo, phát triển sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn. Toàn tỉnh phấn đấu đến năm 2025, cơ giới hóa sản xuất nuôi trồng thủy sản đạt trên 30%, đến năm 2030 đạt trên 50%.
Đồng thời, phát triển chế biến, bảo quản nông lâm thủy sản với các mục tiêu cụ thể sau: (1) Tốc độ tăng giá trị gia tăng công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản đạt trên 8%/năm vào năm 2025 và 10%/năm vào năm 2030; (2) Trên 70% số cơ sở chế biến, bảo quản nông lâm thủy sản chủ lực đạt trình độ và năng lực công nghệ trung bình tiên tiến trở lên; (3) Tổn thất sau thu hoạch các nông lâm thủy sản chủ lực giảm từ 0,5% đến 1%/năm; (4) Tỷ trọng giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản chủ lực đạt 50% là sản phẩm chế biến.
Định hướng đến 2030, tầm nhìn 2045: Phát triển cơ giới hóa đồng bộ trong nông nghiệp, ứng dụng công nghệ hiện đại, công nghệ thông minh, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và bảo vệ môi trường phù hợp với quy mô, trình độ sản xuất, lợi thế từng ngành hàng, vùng sản xuất nông nghiệp với các tổ chức sản xuất có quy mô lớn theo chuỗi giá trị nông lâm thủy sản.
Tăng khả năng cạnh tranh cho mặt hàng nông sản
Khuyến khích đầu tư mới và mở rộng cơ sở chế biến, bảo quản đảm bảo đủ năng lực chế biến, bảo quản đối với những ngành hàng chủ lực, gắn với vùng sản xuất nguyên liệu tập trung. Sử dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ thân thiện với môi trường, hiện đại hóa trang thiết bị bảo quản, chế biến nông lâm thủy sản để đa dạng hóa sản phẩm chế biến, giảm tổn thất sau thu hoạch, hạ giá thành; tăng cường chế biến sâu tạo ra giá trị gia tăng cao, tăng khả năng cạnh tranh nông lâm thủy sản; kiểm soát được chất lượng, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Để thực hiện được mục tiêu đã đề ra, tỉnh Vĩnh Long sẽ tiến hành rà soát, bổ sung hoàn thiện các cơ chế, chính sách phù hợp với địa phương về cơ điện nông nghiệp, các quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật, nghiên cứu hoàn thiện quy định để quản lý về cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông lâm thủy sản. Áp dụng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về máy, thiết bị, công nghệ phục vụ sản xuất nông nghiệp, năng lực chế biến nông lâm thủy sản; hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về truy xuất nguồn gốc cho các ngành hàng nông lâm thủy sản.
Triển khai các chính sách về phát triển hợp tác xã ưu tiên hỗ trợ hình thành và phát triển các tổ chức cung cấp dịch vụ cơ giới hóa ở nông thôn, tăng tỷ lệ áp dụng cơ giới hóa trong hoạt động nông lâm thủy sản. Đẩy mạnh triển khai các chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và các chính sách tín dụng hỗ trợ để phát triển cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông lâm thủy sản. Đặc biệt, đề xuất sửa đổi chính sách ưu đãi về thuế đối với lĩnh vực chế biến nông lâm thủy sản và máy móc, thiết bị, công nghệ phục vụ nông nghiệp.
Doanh nghiệp giữ vai trò là “trụ cột”
Vĩnh Long sẽ tổ chức lại các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung theo hướng phát triển sản phẩm chủ lực được cơ giới hóa đồng bộ, phù hợp với lợi thế của từng vùng, đảm bảo cung cấp đủ nguồn nguyên liệu và kết nối với các doanh nghiệp chế biến và tiêu thụ nông lâm thủy sản. Nâng cao năng lực và vai trò của các tổ chức hợp tác của nông dân, đẩy mạnh tập trung đất đai, tăng quy mô tạo điều kiện thuận lợi áp dụng cơ giới hóa và phát triển chế biến nông lâm thủy sản.
Cùng với đó, phát triển các tổ chức hợp tác, trung tâm nghiên cứu, chuyển giao KHCN và kinh doanh dịch vụ cơ giới nông nghiệp; đẩy mạnh hợp tác, liên kết trong sản xuất, chế biến tiêu thụ nông lâm thủy sản, trong đó doanh nghiệp giữ vai trò là “trụ cột” của chuỗi giá trị. Phát triển các cụm liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ nông lâm thủy sản được cơ giới hóa đồng bộ tại các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung; chú trọng phát triển các doanh nghiệp chế biến - bảo quản có đủ năng lực về vốn, công nghệ và thị trường tiêu thụ để dẫn dắt chuỗi giá trị nông lâm thủy sản, vận hành một cách thông suốt, hiệu quả.
Tăng cường đầu tư, nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KHCN phục vụ phát triển cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông lâm thủy sản. Đẩy mạnh xã hội hóa công tác nghiên cứu KHCN, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào đầu tư phát triển cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông lâm thủy sản.
Mặt khác, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Tập huấn và bồi dưỡng nghiệp vụ, nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ quản lý trong lĩnh vực cơ điện nông nghiệp và chế biến nông lâm thủy sản về KHCN, kỹ năng thương mại, phát triển thị trường. Khuyến khích các doanh nghiệp chủ động đào tạo nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ kỹ thuật, công nhân lành nghề đáp ứng yêu cầu vận hành công nghệ tiên tiến, hiện đại.
Hợp tác và hội nhập kinh tế quốc tế
Trong thời gian tới, tỉnh Vĩnh Long sẽ tích cực chia sẻ thông tin, trao đổi kinh nghiệm, ứng dụng và chuyển giao công nghệ tiên tiến với các quốc gia, tổ chức quốc tế, các chuyên gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông lâm thủy sản. Triển khai thực hiện các nội dung thỏa thuận về lĩnh vực nông nghiệp của các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết tăng cường áp dụng quy trình công nghệ, hệ thống quản trị tiên tiến và hiện đại của thế giới nhằm đổi mới và nâng cao trình độ công nghệ và năng lực phù hợp với điều kiện trong tỉnh.
Xây dựng và tổ chức chương trình xúc tiến thương mại cho các sản phẩm; hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất theo chương trình khuyến công quốc gia và địa phương trong đầu tư máy móc, thiết bị mở rộng sản xuất kinh doanh lĩnh vực cơ giới hóa nông nghiệp và công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản. Tăng cường ứng dụng KHCN trong chế biến đặc sản nông lâm thủy sản để tạo ra các sản phẩm chất lượng đáp ứng thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu.
Tỉnh cũng sẽ ưu tiên nguồn ngân sách nhà nước, vốn doanh nghiệp, tài trợ quốc tế và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác theo quy định pháp luật. Đẩy mạnh việc huy động các nguồn lực tài chính từ các tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia thực hiện Chiến lược theo quy định pháp luật; lồng ghép trong các chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình, dự án khác có liên quan.
Ngọc Thúy - FICen