Ngày 9/12/2023, Cục Thủy sản đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Khánh Hoà tổ chức Hội nghị Bàn giải pháp thực hiện “Đề án phát triển ngành chế biến thủy sản giai đoạn 2021-2030” (Quyết định 1408/QĐ-TTg ngày 16/8/2021 của Thủ tướng Chính phủ) và Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án (được phê duyệt tại Quyết định số 1527/QĐ-BNN-TCTS ngày 27/4/2022 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân và Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Khánh Hoà Lê Văn Hoan đồng chủ trì Hội nghị.
Đến tham dự Hội nghị, về phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có Cục Thủy sản; Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường; Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển nông thôn; Vụ Hợp tác quốc tế; Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường; Vụ Kế hoạch; Vụ Tài chính; Trung tâm Khuyến nông quốc gia…; và các Viện trực thuộc Bộ (Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I, II, III, Viện Nghiên cứu Hải sản).
Cùng đến tham dự Hội nghị còn có đại diện các sở, ban ngành liên quan: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn/ Chi cục Thủy sản/ Chi cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường; Sở Công Thương; Sở Khoa học và Công nghệ; Sở Tài nguyên và Môi trường; Trung tâm Khuyến nông; Ban Quản lý cảng cá… Ngoài ra, còn có đại biểu của một số cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam; các tổ chức, đơn vị như Trường Đại học Nha Trang; Hội, Hiệp hội thủy sản; tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ; các doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất và chế biến thủy sản; tổ chức, cá nhân, chuyên gia có liên quan; cơ quan truyền thông.
Mở đầu, bà Nguyễn Thị Phương Dung (Trưởng Phòng Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế, Cục Thủy sản) đã giới thiệu tổng quan về “Đề án phát triển ngành chế biến thủy sản giai đoạn 2021-2030” và kế hoạch triển khai thực hiện Đề án. Tiếp theo, Chi cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường khu vực Trung bộ đã có bài tham luận về quản lý chất lượng, chế biến và phát triển thị trường thúc đẩy ngành chế biến thủy sản đến năm 2030; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Khánh Hòa trình bày kết quả triển khai Đề án chế biến thủy sản của tỉnh Khánh Hoà.
Đặc biệt, Hội nghị đã nhận được rất nhiều ý kiến đóng góp cho việc tìm kiếm giải pháp phát triển các sản phẩm chủ lực (tôm nước lợ, cá ngừ, cá tra, nghêu) và các đối tượng thủy sản khác đáp ứng nhu cầu, quy định của các thị trường tiêu thụ thủy sản trên thế giới (rong biển, nhuyễn thể, hải sâm…). Trong đó, đáng chú ý là sáu bài tham luận hết sức tâm huyết sau:
(1) Một số vấn đề tồn tại của ngành chế biến thủy sản và giải pháp đối với một số đối tượng chủ lực (Trường Đại học Nha Trang); (2) Giải pháp thúc đẩy cá ngừ Việt Nam (Hiệp hội Cá ngừ); (3) Phát triển ngành công nghiệp nghêu bền vững (Công ty TNHH Thủy sản LENGER Việt Nam); (4) Một số nền tảng để xây dựng mô hình tập thể và chuỗi giá trị cho ngành rong biển ở Việt Nam (Công ty DBLP); (5) Định hướng và giải pháp nhằm phát triển sản phẩm rong biển đáp ứng nhu cầu và quy định của thị trường tiêu thụ (Công ty TNHH Trí Tín); (6) Hiện trạng, tiềm năng và phương hướng phát triển hải sâm cát tại Việt Nam (Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III).
Gắn kết để tạo hiệu quả
Tính đến thời điểm này, “Đề án phát triển ngành chế biến thủy sản giai đoạn 2021-2030” đã đạt được một số kết quả nhất định, tuy nhiên Hội nghị Bàn giải pháp thực hiện “Đề án phát triển ngành chế biến thủy sản giai đoạn 2021-2030” sẽ tập trung bàn kỹ hơn, sâu hơn những mục tiêu kế hoạch chưa đạt được. Nếu như trước đây, ngành Thủy sản Việt Nam luôn chú trọng đến tốc độ tăng trưởng sản lượng thì bây giờ chính là lúc cần chuyển biến nhận thức, tư duy sang hướng chú ý nhiều hơn đến giá trị.
Đây là thách thức lớn, cần sự đồng lòng chung tay của tất cả tập thể, cá nhân có liên quan đến lĩnh vực chế biến thủy sản nói riêng và toàn ngành thủy sản nói chung. Các khái niệm như “chế biến sâu”, “tăng tỷ trọng sản phẩm giá trị gia tăng”… đã được đề cập nhiều trong các văn bản quy phạm pháp luật cũng như được nhắc nhiều trong các cuộc họp, hội nghị, hội thảo… Nhưng số liệu thực tế phản ánh thực trạng sản xuất “chế biến sâu, tăng tỷ trọng sản phẩm giá trị gia tăng” đến nay vẫn chưa được thống kê. Trong khi những dữ liệu này sẽ giúp ích rất nhiều cho công tác chỉ đạo, điều hành. Vì vậy, việc thiếu hụt thông tin, số liệu, cũng chính là thách thức vô cùng lớn đối với cơ quan quản lý nhà nước.
Với mong muốn nắm bắt một cách toàn diện tất cả các nội dung bao trùm toàn bộ lĩnh vực chế biến thủy sản, Cục trưởng Trần Đình Luân hy vọng đại biểu đến tham dự Hội nghị sẽ chia sẻ tất cả kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn cũng như nói ra những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện “Đề án phát triển ngành chế biến thủy sản giai đoạn 2021-2030” và Kế hoạch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai thực hiện Đề án.
Theo đề xuất của bà Nguyễn Thị Phương Dung, hội nghị sẽ dành thời gian để lắng nghe nhiều hơn những thông tin về Cá Ngừ. Một đại biểu đến từ Hiệp hội Cá ngừ (VINATUNA) cho biết, đối tượng thủy sản này đang phải chịu gánh nặng lớn từ chiếc thẻ vàng của EU, trong khi hoạt động khai thác cá ngừ tại Việt Nam nói chung và tại Khánh Hòa nói riêng không vi phạm các quy định về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Indonesia đang là đối thủ cạnh tranh mạnh với Việt Nam, hiện nhiều nhà thu mua cá ngừ trên thế giới đã chuyển hướng sang thu mua cá ngừ của quốc gia này.
Lấy “doanh nghiệp thu mua” làm trung tâm
Đến dự hội nghị, một chuyên gia chế biến thủy sản cho biết, ngành chế biến thủy sản cần gắn kết để tạo ra hiệu quả. Các nhà nghiên cứu khoa học cần tập trung tìm kiếm các giải pháp khoa học đối với sản phẩm cá ngừ đại dương (ví dụ như chống biến màu và ôxy hóa lipit…). Ông Trương Đình Hòe (Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam – VASEP) thì nhận định, có Đề án thôi là chưa đủ, các định hướng cụ thể mới thực sự quan trọng; cùng với đó, các chương trình triển khai phải mang tính chất gốc rễ…
Theo Cục trưởng Cục Thủy sản, ngành chế biến đang có khoảng trống lớn giữa Cơ quan quản lý nhà nước – Nhà nghiên cứu khoa học – Nhà máy sản xuất cá ngừ. Để thu hẹp khoảng trống này, trong các cuộc họp tiếp theo, đề nghị các doanh nghiệp mua hàng tích cực bàn bạc, xem xét, đánh giá thị hiếu tiêu dùng. Trên cơ sở đó, ngành Thủy sản sẽ xác định những định hướng mới vững chắc hơn, hiệu quả hơn; thể hiện bước tiến thành công của Thủy sản Việt Nam trên con đường hội nhập kinh tế quốc tế.
Tại phiên bế mạc, Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân đã cảm ơn toàn thể đại biểu tham dự Hội nghị Bàn giải pháp thực hiện “Đề án phát triển ngành chế biến thủy sản giai đoạn 2021-2030” và đánh giá cao sự nhiệt tình phát biểu ý kiến, đưa ra những đề xuất, đóng góp quý báu mang tính xây dựng, vì mục tiêu chung “phát triển ngành chế biến thủy sản bền vững”. Và một lần nữa, Cục trưởng Cục Thủy sản lại khẳng đinh: Trong thời gian tới, sản lượng có thể không cần tăng nhưng giá trị nhất định phải tăng.
Ngọc Thúy - FICen