Kế hoạch đề ra mục tiêu cụ thể đến năm 2025 là diện tích mặt nước để nuôi trồng thủy sản đạt 2.400 ha; sản lượng đạt 13.500 tấn. Sản lượng sản phẩm thủy sản qua sơ chế, chế biến đạt 300 tấn/năm; phát triển 12 cơ sở sơ chế, chế biến sản phẩm thủy sản; phát triển 15 sản phẩm thủy sản OCOP; 100% các sản phẩm thủy sản qua sơ chế, chế biến của tỉnh có bao bì, nhãn mác, tem, mã… truy xuất nguồn gốc, có chất lượng cao và đảm bảo yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm.
Phấn đấu đến năm 2030, diện tích mặt nước để nuôi trồng thủy sản đạt 2.650 ha, sản lượng đạt 16.500 tấn. Sản lượng sản phẩm thủy sản qua sơ chế, chế biến đạt 400 tấn/năm; phát triển đạt 15 cơ sở sơ chế, chế biến sản phẩm thủy sản; phát triển đạt 20 sản phẩm thủy sản OCOP; 100% các sản phẩm thủy sản qua sơ chế, chế biến của tỉnh có bao bì, nhãn mác, tem, mã… truy xuất nguồn gốc, có chất lượng cao và đảm bảo yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Kế hoạch tập trung thực hiện 03 nội dung chính, bao gồm:
Phát triển nguồn nguyên liệu phục vụ ngành chế biến thủy sản: Trong đó ưu tiên tập trung phát triển hiệu quả các đối tượng thủy sản truyền thống và các loài thủy sản có giá trị kinh tế cao gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu. Khai thác tiềm năng lợi thế mặt nước tại các địa phương phát triển nuôi trồng thủy sản trong ao hồ, nước lạnh, lồng bè; khuyến khích phát triển các mô hình nuôi trồng thủy sản áp dụng công nghệ mới, tiên tiến giảm giá thành sản xuất, thân thiện với môi trường; các mô hình nuôi hữu cơ, nuôi sinh thái theo tiêu chuẩn VietGAP.
Phát triển cơ sở sơ chế, chế biến thủy sản: Hình thành và phát triển các trang trại, Tổ hợp tác, hợp tác xã liên kết nuôi trồng thủy sản gắn với sơ chế, chế biến các sản phẩm thủy sản đặc sản và lợi thế của tỉnh.
Xây dựng nhãn hiệu, phát triển thương hiệu và thị trường tiêu thụ sản phẩm thủy sản: Hỗ trợ các cơ sở sơ chế, chế biến thủy sản cấp chứng nhận, đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, tem truy xuất nguồn gốc, quảng bá xúc tiến thương mại phát triển thương hiệu; đối với các sản phẩm truyền thống phát triển tiêu thụ theo hình thức như chợ truyền thống, cửa hàng nhỏ…và mở rộng ra các tỉnh/thành mới, đối với các sản phẩm đặc sản phát triển tiêu thụ thông qua các hệ thống siêu thị, sàn giao dịch điện tử, nhà phân phối và thông qua các tour du lịch.
Theo Đề án, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là đầu mối tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân tỉnh theo dõi, tham mưu chỉ đạo, tổng hợp tình hình thực hiện Kế hoạch này. Tham mưu tổ chức sơ kết 05 năm và tổng kết 10 năm về kết quả thực hiện Kế hoạch theo giai đoạn; chủ trì phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được phân công.
Các Sở: Công Thương, Khoa học và Công nghệ, Du lịch, Tài chính phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ cụ thể được phân công; xây dựng Kế hoạch khuyến nông về hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến trong sơ chế, chế biến thủy sản cho các tổ hợp tác, hợp tác xã và các cơ sở chế biến thủy sản, trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt; nghiên cứu sản xuất bảo tồn một số giống thủy sản đặc sản và đưa vào nuôi thương phẩm; lồng ghép quảng bá, giới thiệu sản phẩm thủy sản đặc trưng của địa phương trng các Kế hoạch phát triển du lịch, Chương trình, sự kiện du lịch hàng năm của tỉnh.
Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với các Sở, ngành liên quan tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ của Kế hoạch; quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu thủy sản, quy hoạch sử dụng đất đầu tư phát triển nuôi trồng thủy sản và phát triển chế biến thủy sản phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Bên cạnh đó, lồng ghép các chương trình, dự án hỗ trợ các doanh nghiệp, các Tổ hợp tác và hợp tác xã đầu tư liên kết sản xuất, sơ chế, chế biến các sản phẩm thủy sản đặc sản của địa phương; phối hợp với Sở Du lịch và các Sở, ngành liên quan tổ chức quảng bá các sản phẩm thủy sản đặc sản của địa phương lồng ghép với các chương trình, các tua du lịch nông nghiệp, nông thôn và du lịch cộng đồng.
Ánh Nguyệt