Hà Nội: Phát triển cơ sở chế biến thực phẩm nông lâm thủy sản (13-06-2022)

Hiện nay, thành phố Hà Nội có trên 250 doanh nghiệp chế biến nông lâm thủy sản, nhưng đa số cơ sở chế biến thực phẩm nông lâm thủy sản là cơ sở vừa và nhỏ, chưa xứng với tiềm năng phát triển công nghiệp chế biến của Thủ đô. Mục tiêu đến năm 2030, phát triển công nghiệp chế biến nông sản thành phố Hà Nội có sức cạnh tranh cao, đáp ứng yêu cầu thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Hà Nội: Phát triển cơ sở chế biến thực phẩm nông lâm thủy sản
Ảnh minh họa

Mới đây, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội cho biết, Thành phố hiện có trên 250 doanh nghiệp chế biến nông lâm thủy sản, sản phẩm nông sản được chế biến sâu với chủng loại phong phú, đa dạng. Ngoài ra, thành phố còn có hàng nghìn cơ sở chế biến nông sản nhỏ lẻ, hộ gia đình thực hiện sơ chế, chế biến, bảo quản để phục vụ tiêu dùng tại địa phương. Với dân số đông, thị trường lớn, tiềm năng lợi thế riêng có, các doanh nghiệp chế biến của Hà Nội đang mua số lượng lớn nông sản của nhiều tỉnh, thành phố để chế biến, tiêu thụ trên thị trường Hà Nội, các tỉnh và xuất khẩu.

Theo thống kê, sản lượng sản phẩm nông sản chế biến của các doanh nghiệp Hà Nội bình quân mỗi tháng trên 1.000 tấn, trong khi nhu cầu tiêu dùng trong tháng của thành phố là 5.165 tấn. Như vậy nguồn cung thực phẩm nông lâm thủy sản chế biến trên địa bàn thành phố mới chỉ đáp ứng được khoảng 19% nhu cầu tiêu dùng của người dân thành phố; Lượng thực phẩm chế biến cần cung cấp từ bên ngoài tới 81%. Ngoài ra, kết quả khảo sát, thống kê cho thấy 98,5% cơ sở chế biến nông lâm thủy sản có quy mô vừa và nhỏ. Các doanh nghiệp tham gia chế biến 3 sản phẩm chủ lực là thịt (42,6%), thủy sản (26,7%), rau quả (33,7%), trong khi các Hợp tác xã và hộ gia đình chủ yếu tập trung vào hai sản phẩm chính là thịt và rau quả. Về công nghệ, trang thiết bị, trình độ của các cơ sở chế biến nông sản của Thành phố nhìn chung ở mức khá.

Về hệ thống bảo quản, các cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản thành phố đang duy trì hoạt động 113 kho lạnh. Trong đó, 7 kho lớn làm dịch vụ cho thuê kho với diện tích 29.200 m2 và 106 kho lạnh do các doanh nghiệp tự trang bị để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản của cơ sở với tổng diện tích 5.330 m2. Đây là những kho hàng giúp các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn, tiết kiệm chi phí trong quá trình phân phối và lưu thông hàng hóa, rút ngắn giai đoạn sản xuất, sản phẩm nhanh chóng có mặt trên thị trường.

Trong thời gian qua, các cấp chính quyền, doanh nghiệp, người dân cũng đã từng bước nhận thức đúng và đầy đủ về tầm quan trọng của công tác chế biến và phát triển thị trường nông sản. Từ đó triển khai kịp thời các kế hoạch, chỉ đạo có tính chiến lược lâu dài, góp phần nâng cao hiệu quả công tác chế biến và phát triển thị trường nông sản. Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các tỉnh, giữa các đơn vị thuộc Thành phố, Chi cục thuộc Sở và UBND quận, huyện và các cơ quan liên quan về quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm, chế biến và phát triển thị trường nông sản được thực hiện thường xuyên, chặt chẽ. Việc hình thành các vùng sản xuất tập trung, các chuỗi sản xuất tiêu thụ nông sản có sản lượng tương đối ổn định, đáp ứng tốt nguồn nguyên liệu phục vụ hoạt động chế biến nông sản.

Tuy nhiên, ngành chế biến thực phẩm nông lâm thủy sản trên địa bàn Thành phố còn manh mún, nhỏ lẻ chưa xứng với tiềm năng phát triển công nghiệp chế biến của Thủ đô.

Vì vậy, theo ông Tạ Văn Tường, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hà Nội, trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp Hà Nội sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị thực hiện rà soát, quy hoạch cơ sở chế biến nông sản, kết nối với vùng nguyên liệu tập trung và hạ tầng thương mại của thành phố. Đồng thời đầu tư, hỗ trợ cơ sở hạ tầng, trang thiết bị máy móc, công nghệ cho hoạt động chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường; xây dựng và hoàn thiện hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử, cấp mã vùng đối với nông sản (trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản); hỗ trợ ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số vào hoạt động của cơ sở chế biến (quản lý, truy xuất nguồn gốc, thương mại).

Trong chiến lược, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Thành phố luôn xác định phát triển ngành bảo quản, chế biến nông lâm thủy sản là một trong những giải pháp căn cơ, toàn diện. Tại Kế hoạch số 193/KH-UBND ngày 30/8/2019 của UBND Thành phố Hà Nội về cơ cấu lại lĩnh vực chế biến nông sản gắn với phát triển thị trường đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 cũng đã đưa ra mục tiêu phát triển công nghiệp chế biến nông sản thành phố Hà Nội đến năm 2030 có sức cạnh tranh cao, đáp ứng các yêu cầu của thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, với trình độ công nghệ từ trung bình, tiên tiến trở lên, góp phần tăng nhanh giá trị gia tăng sản phẩm nông lâm thủy sản Thủ đô.

Ngọc Thúy (Chinhphu.vn)

Ý kiến bạn đọc

Tin khác