Nông nghiệp công nghệ cao - nền nông nghiệp ứng dụng hợp lý công nghệ mới, tiên tiến vào sản xuất, nâng cao hiệu quả, tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng nông sản, thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao của xã hội và bảo đảm sự phát triển nông nghiệp bền vững. Để phát triển công nghiệp bảo quản, chế biến nông lâm thủy sản ở Việt Nam theo kịp được xu hướng của thế giới, tất yếu phải phát triển theo hướng hiện đại nhằm nâng cao chất lượng, giá trị và an toàn thực phẩm.
Phát triển nông nghiệp công nghệ cao, đổi mới khoa học công nghệ được coi là một trong những giải pháp then chốt, trọng tâm. Ứng dụng khoa học công nghệ giải quyết các thách thức trong phát triển nông nghiệp bằng các ưu việt của các công nghệ như: Công nghệ sinh học, công nghệ cảm biến, tự động hóa, internet vạn vật… giúp sản xuất nông nghiệp tiết kiệm chi phí, tăng năng suất, hạ giá thành và nâng cao chất lượng nông sản, bảo vệ môi trường.
Mặt khác, nông nghiệp công nghệ cao giúp nông dân chủ động trong sản xuất, khắc phục được tính mùa vụ, giảm sự lệ thuộc vào thời tiết, khí hậu, đáp ứng nhu cầu thị trường về chất lượng nông sản. Vì vậy, nhiều địa phương đã tiến hành phát triển nông nghiệp công nghệ cao, quy mô lớn để thúc đẩy sản xuất; Trong đó có công nghệ chế biến nông lâm thủy sản.
Ngành chế biến phát triển chưa tương xứng với tiềm năng
Việt Nam là quốc gia đang phát triển, trong đó nền nông nghiệp vẫn giữ vai trò quan trọng. Nếu so sánh với quốc tế về trình độ và năng lực chế biến nông sản thì Việt Nam đạt mức trung bình. Hiện Việt Nam đã hình thành và phát triển hệ thống công nghiệp chế biến nông sản với trên 7.500 doanh nghiệp (quy mô sản xuất công nghiệp gắn với xuất khẩu) có năng lực chế biến trên 120 triệu tấn nguyên liệu nông sản mỗi năm. Sản phẩm nông sản được chế biến sâu đạt trên 32%. Ngoài ra, còn có hàng vạn cơ sở chế biến nông sản nhỏ, lẻ, hộ gia đình thực hiện sơ chế, chế biến, bảo quản để phục vụ tiêu dùng nội địa. Chế biến nông lâm thủy sản đã thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, phát triển sản xuất và hình thành vùng chuyên canh quy mô lớn, phát triển kinh tế khu vực nông thôn.
Tuy nhiên, sự phát triển của ngành chế biến nông lâm thủy sản chưa tương xứng với tiềm năng. Trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, đã bộc lộ nhiều tồn tại, như: công nghệ chế biến nông sản chỉ đạt ở mức trung bình (ngoại trừ một số tổ hợp chế biến nông lâm thủy sản hiện đại được đầu tư trong khoảng 4-5 năm lại đây); chủng loại sản phẩm chế biến chưa phong phú; sản phẩm chế biến sâu có giá trị gia tăng cao chiếm tỷ lệ vẫn thấp (10-40% tùy ngành hàng). Đóng góp của công nghiệp chế biến trong việc gia tăng giá trị cho các mặt hàng nông sản còn hạn chế, chưa tác động nhiều đến việc thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Chất lượng nguyên liệu và sản phẩm chế biến còn thấp, luôn tiềm ẩn nguy cơ không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; tổn thất sau thu hoạch còn cao (10-20% tùy ngành hàng).
Đồng thời, việc sử dụng các phế phụ phẩm để sản xuất các sản phẩm phụ, nâng cao hiệu quả sản xuất còn hạn chế, công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển; việc đầu tư vào chế biến nông sản còn khó khăn, nhiều rủi ro, lợi nhuận thấp; hiện nay đã hình thành một số tập đoàn lớn hiện đại nhưng số lượng còn ít như Doveco, TH, Nafood, Masan, Dabaco, Minh Phú... Kết quả điều tra, đánh giá trình độ và năng lực công nghệ một số ngành hàng nông sản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, các ngành hàng chế biến nông sản có trình độ, năng lực công nghệ đạt ở mức trung bình tiên tiến và trung bình.
Công nghệ trở thành động lực phát triển
Nếu so sánh với quốc tế về trình độ và năng lực chế biến nông sản thì Việt Nam đạt mức trung bình. Điều này cho thấy nhu cầu to lớn của các doanh doanh nghiệp chế biến nông sản đối với việc tiếp nhận công nghệ chế biến tiên tiến, nâng cao trình độ công nghệ, gia tăng giá trị sản phẩm hàng hóa. Để phát triển công nghiệp bảo quản, chế biến nông lâm thủy sản ở Việt Nam theo kịp xu hướng thế giới, tất yếu phải phát triển theo hướng hiện đại với mức tự động hóa cao, ứng dụng chuyển giao công nghệ phục vụ chế biến nông sản đáp ứng mục tiêu giảm tổn thất sau thu hoạch, nâng cao chất lượng, giá trị và an toàn thực phẩm.
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế hiện nay, tại Việt Nam nói riêng và các nước đang phát triển nói chung, công nghệ đang trở thành động lực phát triển kinh tế trong nước, cải thiện khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới, giúp doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu rộng vào hoạt động thương mại quốc tế, từ đó góp phần nâng cao mức sống của người dân. Để giúp ngành công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản phát triển ổn định và bền vững trong giai đoạn trước mắt cũng như lâu dài, Việt Nam cần cải thiện trình độ và năng lực công nghệ.
Trong thời gian qua, mặc dù Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách định hướng và khuyến khích phát triển công nghệ (nhất là các chính sách hỗ trợ phát triển và ứng dụng công nghệ) để đẩy mạnh cơ giới hoá nông nghiệp, chế biến, bảo quản nông sản nhưng hiệu quả nhìn chung chưa cao, chưa thực sự tạo bước đột phá cho ngành. Việc ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất để thực hiện chuỗi giá trị là xu thế tất yếu. Tuy nhiên, hoạt động này tốn kém nhiều kinh phí, đòi hỏi phải có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hình thành trục liên kết với các doanh nghiệp trong nước nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, phát triển công nghiệp chế biến tại Việt Nam.
Ngọc Thúy (theo dangcongsan.vn)