Các thị trường lớn tích cực nhập khẩu nông sản của Việt Nam (07-06-2024)

Theo Tạp chí Công Thương (Bộ Công Thương), giá xuất khẩu bình quân nhiều mặt hàng và nhu cầu của các thị trường lớn đều tăng khá; đưa tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 5 tháng đầu năm nay vượt con số 24 tỷ USD, tăng mạnh 21% so cùng kỳ trước.
Các thị trường lớn tích cực nhập khẩu nông sản của Việt Nam
Ảnh minh họa

Tính chung 5 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 24,14 tỷ USD; nhập khẩu 17,61 tỷ USD; xuất siêu 6,53 tỷ USD, tăng 64,5%. Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản tiếp tục là 3 thị trường xuất khẩu lớn nhất của nông lâm thủy sản Việt Nam.

Tháng 5/2024 kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 5,06 tỷ USD, tăng 11,2% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, nông sản chính 2,73 tỷ USD (tăng 14,3%), lâm sản 1,35 tỷ USD (tăng 17,9%). Riêng thủy sản 780 triệu USD (giảm 3,5%) và đầu vào sản xuất 153 triệu USD (giảm 6,9%). Trong 5 tháng, hầu hết các nhóm hàng đều tăng nên tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản tăng 21% so với cùng kỳ năm trước, đạt 24,14 tỷ USD. Đóng góp vào kết quả này có: Nông sản 13,11 tỷ USD, tăng 27,7%; lâm sản 6,58 tỷ USD, tăng 22,7%; thủy sản 3,5 tỷ USD, tăng 3,6%. Trong 5 tháng đầu năm, xuất khẩu của hầu hết các mặt hàng nông lâm thủy sản chủ lực đều cao hơn cùng kỳ năm trước, như: Gỗ và sản phẩm gỗ 6,14 tỷ USD (tăng 23,6%); Gạo 2,65 tỷ USD (tăng 38,2% với lượng 4,15 triệu tấn, tăng 14,7%); Tôm 1,3 tỷ USD (tăng 7,5%).

Xét theo thị trường, giá trị xuất khẩu vào các thị trường đều tăng. Trong đó xuất khẩu sang Châu Á đạt 11,31 tỷ USD (tăng 17,5%); Châu Mỹ 5,4 tỷ USD (tăng 23,1%); Châu Âu 3,2 tỷ USD (tăng 39,4%); Châu Phi 459 triệu USD (tăng 26,1%) và Châu Đại Dương 341 triệu USD (tăng 24,8%). Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản tiếp tục là 3 thị trường xuất khẩu lớn nhất. Trong đó: giá trị xuất khẩu sang Mỹ chiếm 20,6%, tăng 23,9%; Trung Quốc chiếm 19,2%, tăng 8,6% và Nhật Bản chiếm 6,7%, tăng 6,6%.

Về nhập khẩu, kim ngạch nhập khẩu nông lâm thủy sản trong 5 tháng năm 2024 đạt 17,61 tỷ USD, tăng 10,1% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, nông sản 10,9 tỷ USD, tăng 10,1%; lâm sản 1.041 triệu USD, tăng 17,1%; thủy sản 992 triệu USD, giảm 5,6%. Giá trị nhập khẩu nông lâm thủy sản từ châu Á 5,47 tỷ USD, tăng 11,8%; châu Mỹ 4,5 tỷ USD, tăng 54,8%; châu Đại Dương 726 triệu USD, giảm 35,8%; châu Âu 769 triệu USD, giảm 48,3% và Châu Phi 273 triệu USD, giảm 46,2%.

Tận dụng các FTA, đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm chủ lực

Dự báo, các thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản lớn của Việt Nam đang dần tăng trưởng trở lại như: Trung Quốc, Nhật Bản, khu vực châu Á, Mỹ... Tuy nhiên, kinh tế thế giới tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức cả cung và cầu hàng nông sản, vật tư; các cuộc xung đột quân sự gia tăng và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt... làm đứt gãy chuỗi cung ứng và tăng chi phí vận chuyển. Nhiều quốc gia thực thi chính sách bảo hộ hàng hóa sản xuất trong nước; đẩy mạnh sản xuất nông sản để chủ động nguồn cung, ứng phó với tác động tiêu cực của El Nino, La Nina.

Trong nước, thời tiết diễn biến bất thường, xâm nhập mặn tại các tỉnh Nam Bộ, đặc biệt là Đồng bằng sông Cửu Long, nguy cơ cháy rừng tăng cao, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục phối hợp với Bộ Công Thương và các Bộ, ngành, cơ quan liên quan xử lý các vấn đề thị trường nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu nông sản, thủy sản; triển khai các Đề án thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản sang các thị trường: Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, EU; mở cửa các thị trường mới, còn nhiều tiềm năng như: các nước Hồi giáo Halal, Trung Đông, Châu Phi...

Đặc biệt tận dụng các Hiệp định Thương mại tự do (FTA), nhất là Hiệp định CPTPP, EVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông lâm thủy sản chủ lực, hỗ trợ doanh nghiệp ký kết đơn hàng xuất khẩu mới. Phối hợp hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam ở nước ngoài. Đồng thời, tổ chức các hoạt động phổ biến thông tin, quy định thị trường và thị hiếu tiêu dùng, hỗ trợ kết nối tiêu thụ thông qua hệ thống tham tán thương mại, nông nghiệp tại các thị trường, các chuỗi phân phối bán lẻ trong nước, các sàn thương mại điện tử…

Ngọc Thúy – FICen

Ý kiến bạn đọc

Tin khác