Dự báo xuất khẩu cá tra nửa cuối năm 2024 (10-06-2024)

Theo Tạp chí Công Thương, tình hình xuất khẩu cá tra của Việt Nam sẽ sáng sủa trong nửa cuối năm nay.
Dự báo xuất khẩu cá tra nửa cuối năm 2024
Ảnh minh họa

Giá xuất khẩu cá tra của Việt Nam đang tiếp tục duy trì đà phục hồi tích cực. Tính đến cuối tháng 4/2024, giá xuất khẩu cá tra trung bình dù vẫn thấp so với cùng kỳ năm 2023 nhưng đã tăng so với thời điểm cuối năm 2023. Trong 5 tháng đầu năm, xuất khẩu cá tra tiếp tục duy trì đà phục hồi tích cực.

Theo dữ liệu của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP), tính đến tháng 4/2024, giá xuất khẩu cá tra tiếp tục có sự cải thiện, dù vẫn thấp hơn 10% so với cùng kỳ năm 2023, nhưng đã tăng 4% so với thời điểm cuối năm 2023, đạt trung bình 2,21 USD/kg. Tính chung 4 tháng đầu năm 2024, tổng sản lượng xuất khẩu cá tra của Việt Nam đạt 270 triệu USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2023; kim ngạch đạt 587 triệu USD, nhích tăng nhẹ 2% so với cùng kỳ năm 2023. Về sản lượng, xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ tăng tới 51%; sang khu vực Liên minh châu Âu (EU) tăng 2%; ngược lại, sang Trung Quốc giảm 5%.

Hiện nhiều tổ chức tài chính đánh giá hoạt động xuất khẩu cá tra sẽ duy trì triển vọng tích cực trong nửa cuối năm 2024 với loạt yếu tố hỗ trợ nhu cầu phục hồi. Trong đó, lạm phát tại nhiều thị trường lớn, truyền thống của cá tra Việt Nam đang được kiểm soát tốt, tạo động lực cho hoạt động tiêu dùng, lĩnh vực nhà hàng phục hồi. Đồng thời, triển vọng tăng trưởng của loạt nền kinh tế lớn đã được cải thiện. Theo báo cáo triển vọng kinh tế toàn cầu tháng 4/2024, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã nâng dự báo tăng trưởng năm 2024 của Mỹ lên mức 2,7% và của EU lên mức 0,8%.

Đáng chú ý, việc Mỹ và EU tiếp tục siết chặt nhập khẩu thuỷ hải sản từ Nga đang mở ra cơ hội lớn cho cá tra Việt Nam. Trong khi đó, nhu cầu cá tra tại Trung Quốc kỳ vọng sẽ được cải thiện khi các chính sách hỗ trợ nền kinh tế của nước này thẩm thấu. Ngoài ra, hoạt động xuất khẩu cá tra của Việt Nam kỳ vọng sẽ hưởng lợi từ kết quả kiểm tra an toàn thực phẩm và rà soát bán phá giá khả quan từ phía Mỹ. Cụ thể là, vào tháng 9/2023, kết quả sơ bộ đợt rà soát hành chính thuế chống bán phá giá lần thứ 19 (POR19) của Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đưa ra mức thuế sơ bộ giảm đáng kể.

Trước đó, vào tháng 8/2023, đợt thanh tra kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm của Cơ quan Kiểm dịch và An toàn Thực phẩm Mỹ (FSIS) đối với cá da trơn (cá tra, cá basa…) của Việt Nam cũng đạt được những kết quả tích cực. Điều này không chỉ khẳng định uy tín chất lượng cá da trơn của Việt Nam mà còn tạo động lực cho hoạt động xuất khẩu cá tra sang Mỹ.

Theo đánh giá mới đây của Bộ phận Nghiên cứu - Chứng khoán Tiên Phong Securities (TPS Research), ngoài việc nhu cầu phục hồi, động lực tăng giá cá tra xuất khẩu còn đến từ việc thiếu hụt nguồn cung cá nguyên liệu. Giá cá nguyên liệu thấp trong thời gian vừa qua đã khiến các hộ nuôi cá trì hoãn thả giống trong nửa đầu năm 2024. Trong khi đó, thời gian nuôi thường mất 6 - 8 tháng để cá đạt đủ trọng lượng thu hoạch (1,2 - 1,5 kg). Hơn nữa, giai đoạn cuối năm là cao điểm tiêu thụ các loại thuỷ hải sản với loạt dịp lễ hội tại các nước phương Tây.

Xuất khẩu cá tra rộng cửa xuất khẩu

Mỹ và châu Âu là hai thị trường xuất khẩu cá tra trọng điểm của Việt Nam. Xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ và châu Âu được dự đoán sẽ tăng tốc và kỳ vọng được hưởng lợi trực tiếp khi cơ quan chức năng tại Mỹ và Liên minh châu Âu có các biện pháp hạn chế mới đối với thuỷ hải sản có nguồn gốc từ Nga và Trung Quốc.

Cụ thể trong tháng 12/2023, Bộ Tài chính Mỹ đã ban hành lệnh cấm nhập khẩu diện rộng đối với cá hồi, cá tuyết, cua, cá minh thái cũng như các loại cá và hải sản khác có nguồn gốc từ Nga. Kể từ khi cuộc xung đột Nga - Ukraine, Mỹ đã áp dụng nhiều biện pháp hạn chế nhập khẩu thuỷ sản từ Nga. Tuy nhiên, lệnh cấm mới nhất đã mở rộng đáng kể phạm vị áp dụng, nhắm vào cả các sản phẩm đã qua chế biến sử dụng nguyên vật liệu của Nga bất kể địa điểm xử lý cuối.

Về phía Hội đồng châu Âu (EC), cũng đã quyết định không cho phép các sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ Nga được hưởng ưu đãi miễn thuế trong giai đoạn 2024-2026. Cùng với đó, tháng 11/2023, Liên minh châu Âu cũng quyết định tăng cường kiểm soát việc nhập khẩu các sản phẩm cá từ Trung Quốc để kiểm soát hoạt động đánh bắt phi pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).

Hiện một số tổ chức và doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam kỳ vọng các động thái trên có thể tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các sản phẩm thuỷ sản của Việt Nam, đặc biệt là cá tra phi lê, tại thị trường Mỹ và châu Âu. Đây là hai thị trường xuất khẩu cá tra trọng điểm của Việt Nam. Trên thực tế, sản lượng xuất khẩu cá tra của Việt Nam sang châu Âu trong tháng 12/2023 đã tăng 3% so với cùng kỳ năm 2022 và 23% so với tháng 11/2023.

Nhu cầu tiêu thụ cá tra tại Mỹ dần phục hồi

Dữ liệu từ Cục Phân tích Kinh tế Mỹ (BEA) cho thấy chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ cho thực phẩm đã tăng nhẹ trong quý 4/2023. Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo đà tăng giá lương thực tại Mỹ sẽ tiếp tục chậm lại, chỉ còn tăng 1,3% trong năm 2024, so với mức tăng 2,7% trong năm 2023 và 10,4% trong năm 2022. Việc giá lương thực ổn định lại được kỳ vọng sẽ giúp thúc đẩy niềm tin của người tiêu dùng, từ đó củng cố đà hồi phục chi tiêu cho thực phẩm của người Mỹ trong năm 2024.

Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn hiện là doanh nghiệp đứng đầu ngành chế biến và xuất khẩu cá tra của Việt Nam, chiếm khoảng 15% tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra của cả nước. Thị trường Mỹ cũng là thị trường lớn nhất, chiếm 40% doanh thu xuất khẩu cá tra của doanh nghiệp này. Theo chia sẻ của đại diện Vĩnh Hoàn, mặc dù hoạt động bổ sung hàng của các đối tác ở Mỹ trong quý 4/2023 không mạnh chủ yếu do chi phí để bảo quản hàng tăng cao, lượng đơn hàng lớn hơn sẽ quay trở lại trong nửa cuối năm 2024.

Đáng chú ý, giá cá tra của Việt Nam còn được thúc đẩy từ việc thiếu hụt nguồn cung. Giá cá thấp kéo dài trong năm 2023 cùng với xuất khẩu hồi phục chậm đã khiến nhiều hộ nông dân hạn chế thả nuôi. Bên cạnh đó, dịch bệnh trên vật nuôi và thời tiết bất lợi tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long khiến tỷ lệ hao hụt cá giống tăng lên, tác động tiêu cực đến nguồn cung cá giống. Trong khi chu kỳ nuôi cá tra thường kéo dài từ 6 - 8 tháng.

Dự báo nguồn cung cá tra sẽ duy trì ở mức thấp trong cả năm 2024; giá có thể tiếp tục tăng. Với các yếu tố cung - cầu nêu trên, hãng chứng khoán FPT Securities (FPTS) dự báo giá cá tra xuất khẩu bình quân sang thị trường Mỹ trong năm 2024 sẽ tăng 10% so với năm 2023.

Ngọc Thúy - FICen

Ý kiến bạn đọc

Tin khác