Tuy nhiên, các chuyên gia dự báo sản lượng tôm toàn cầu sẽ phục hồi vào cuối năm 2024 và ổn định vào năm 2025. Sản lượng tôm nước lợ của Việt Nam đã vượt 1,1 triệu tấn trong ba quý đầu năm 2024, với doanh thu xuất khẩu đạt 2,8 tỷ USD, tiến tới hoàn thành mục tiêu doanh thu xuất khẩu đạt 4 tỷ USD trong năm 2024.
Trong tháng 10, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) ban hành các quyết định cuối cùng trong các cuộc điều tra chống bán phá giá (AD) và thuế chống trợ cấp (CVD) liên quan đến xuất khẩu tôm từ Ecuador, Indonesia, Ấn Độ và Việt Nam cũng sẽ tác động mạnh tới xuất khẩu tôm của nước ta vào thị trường Hoa Kỳ.
Đối với thuế chống bán phá giá, một trong những nhà xuất khẩu tôm lớn nhất của Ecuador là Songa đã nhận được mức thuế bán phá giá 0%, trong khi một nhà xuất khẩu lớn khác là Santa Priscila được áp dụng mức thuế 0,48%, đủ điều kiện được miễn thuế. Do đó, Santa Priscila sẽ không phải chịu bất kỳ hình phạt nào hoặc phải ký quỹ bằng tiền mặt đối với hàng xuất khẩu của mình.
Đối với Indonesia, PT Bahari Makmur Sejati cũng được áp dụng mức thuế bán phá giá bằng 0%. Tuy nhiên, PT First Marine và các nhà xuất khẩu khác của Indonesia phải chịu mức thuế 3,9% do Hoa Kỳ đánh giá các công ty này đã bán tôm dưới mức giá hợp lý của thị trường. Tuy nhiên, mức thuế này vẫn thấp hơn nhiều so với mức thuế công bố trong phán quyết sơ bộ được nêu ra trước đó.
Cuộc điều tra của DOC bắt đầu vào năm ngoái theo đề xuất của Hiệp hội chế biến tôm Hoa Kỳ (ASPA) nhằm ủng hộ các nhà sản xuất tôm đánh bắt tự nhiên của Hoa Kỳ. ASPA đã tìm cách áp thuế đối với sản phẩm tôm nước ấm đông lạnh nhập khẩu từ một số quốc gia xuất khẩu tôm lớn vào Hoa Kỳ, cáo buộc các đối thủ này cạnh tranh không lành mạnh.
Ngoài thuế chống bán phá giá, DOC đã điều tra xem các nhà xuất khẩu có được hưởng lợi từ trợ cấp của chính phủ hay không, điều này có thể dẫn đến thuế chống trợ cấp được áp lên các sản phẩm tôm xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ. Trong khi Indonesia tránh được hình phạt CVD, tòa án đã kết luận các nhà xuất khẩu từ Ecuador, Ấn Độ và Việt Nam đã được hưởng lợi từ trợ cấp. Đáng chú ý, mức thuế chống trợ cấp chung của Ecuador đã giảm đáng kể, từ 13,47% xuống còn 3,78%. Trong khi đó, Ấn Độ chứng kiến mức thuế CVD tăng nhẹ, từ 5,28% lên 5,77%. Các doanh nghiệp Việt Nam chịu mức thuế chống bán phá giá thấp hơn các đối thủ còn lại, ở mức 2,84% (trừ Công ty TNHH Thông Thuận phải chịu mức 221,82%).
Những phán quyết này sẽ có tác động sâu rộng đến thị trường tôm toàn cầu. Việc giảm thuế có thể sẽ làm giá tôm giảm, đồng thời giúp các nhà xuất khẩu như Ecuador phần nào được giải tỏa, xoa dịu mối lo ngại về nhu cầu từ thị trường Hoa Kỳ. Phán quyết này diễn ra sau thời kỳ nhu cầu tiêu dùng ảm đạm và lượng tôm nhập khẩu từ Hoa Kỳ giảm, một phần là do các nhà nhập khẩu tăng cường hoạt động mua trước khi áp thuế và lượng tôm nhập khẩu từ Trung Quốc giảm.
Với việc Hoa Kỳ áp thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp cao hơn đối với sản phẩm tôm từ Ecuador, Ấn Độ và Indonesia vào cuối tháng 12 năm 2024, ngành tôm Việt Nam có cơ hội tận dụng được lợi thế này trong thời gian tới. Đây là cơ hội để ngành tôm bứt phá trong những tháng cuối năm để đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 4 tỷ USD.
Bên cạnh đó, cuộc khủng hoảng năng lượng đang diễn ra tại Ecuador cũng khiến ngành nuôi tôm của nước này phải chịu thiệt hại nặng nề. Phòng Thương mại Nuôi trồng Thủy sản Quốc gia (CNA) đã cảnh báo tình trạng cắt điện có kế hoạch có thể dẫn đến tổn thất 75 triệu USD mỗi tháng cho ngành xuất khẩu tôm. Các đợt cắt điện diễn ra trong bối cảnh hạn hán tại Ecuador khiến cho các đập thủy điện, nơi cung cấp phần lớn điện năng cho cả nước rơi vào tình trạng thiếu nước. Việc cắt điện đã ảnh hưởng đến toàn bộ chuỗi sản xuất tôm, từ nhà máy thức ăn chăn nuôi đến nhà máy chế biến và đóng gói, khiến ngành tôm rơi vào tình thế nguy cấp. Việc thiếu thức ăn trong nuôi tôm không chỉ ảnh hưởng đến sản lượng hiện tại mà còn buộc người nuôi tôm phải giảm mật độ thả giống, do đó, sản lượng tôm phục vụ cho mùa lễ hội cuối năm được dự báo sẽ thấp hơn so với các năm trước.
Hương Trà