Thị trường thế giới khan hiếm cá thu, cá trích dẫn tới giá tăng (11-12-2024)

Theo thống kê của FAO, quý đầu tiên của năm 2024, Việt Nam đứng thứ 2 về nhập khẩu cá thu Na Uy. Cũng theo FAO, hạn ngạch đánh bắt cá thu và cá trích ở Bắc Đại Tây Dương năm 2024 đã bị cắt giảm. Cùng với đó, hạn ngạch đánh bắt cá trích Đại Tây Dương của Canada cũng bị cắt giảm. Dẫn tới nguồn cung khan hiếm và giá nhất định sẽ tăng cao. Đối với cá cơm và cá mòi ở Thái Bình Dương, tình hình có vẻ khả quan hơn.
Thị trường thế giới khan hiếm cá thu, cá trích dẫn tới giá tăng
Ảnh minh họa

Cá thu

Hạn ngạch đánh bắt cá thu Đại Tây Dương năm 2024 đã được Vương quốc Anh và Bắc Ireland, Na Uy và Quần đảo Faroe thống nhất là 739.386 tấn. Hạn ngạch này thực hiện theo khuyến nghị của Hội đồng quốc tế về khai thác biển (ICES). Trong đó, ba nước sẽ có tổng cộng 531.129 tấn (Na Uy: 229.210 tấn; Vương quốc Anh: 203.211 tấn; Quần đảo Faroe: 98.708 tấn), còn lại 208.257 tấn cho Liên minh châu Âu, Iceland và Greenland. Chính vì vậy, Liên minh châu Âu rất bức xúc với mức hạn ngạch nhỏ như vậy trong tổng hạn ngạch chung về khai thác cá thu Đại Tây Dương 2024.

Cá thu Na Uy có nguy cơ bị cạnh tranh mạnh mẽ ngay tại thị trường quan trọng nhất của mình là Nhật Bản. Lý do chính là vấn đề giá cả và thực tế là các đối thủ cạnh tranh của Na Uy (gồm: Liên minh châu Âu và Vương quốc Anh) đã đạt được các thỏa thuận thương mại tốt hơn với Nhật Bản so với Na Uy. Các điều kiện của các thỏa thuận thương mại này có nghĩa là các nhà nhập khẩu Nhật Bản chỉ phải trả 3,9% thuế nhập khẩu đối với hải sản từ Liên minh châu Âu và Vương quốc Anh, nhưng họ phải trả 7% đối với cá cắt khúc và 10% đối với cá phi lê từ Na Uy. Đương nhiên, mức thuế cao như vậy đã khiếncác nhà xuất khẩu Na Uy lo lắng về tác động của các thỏa thuận thương mại đó.

Hội đồng Hải sản Na Uy (NSC) đã dành nhiều thời gian và tiền bạc để xây dựng nhãn hàng “Cá thu Na Uy” thành một thương hiệu uy tín về chất lượng cao. Về phía các nhà xuất khẩu Anh cũng phải nỗ lực tiếp thị mạnh hơn nữa để đạt được sự công nhận tương tự như cá thu Na Uy tại Nhật Bản. Tuy nhiên, cuối cùng, vấn đề vẫn chỉ quy về việc ai là người tiếp thị giỏi nhất. Do đó, chính quyền Na Uy và Hội đồng Hải sản Na Uy đang phải đối mặt với hai nhiệm vụ: đàm phán một thỏa thuận thương mại với các điều khoản tốt hơn cho các nhà xuất khẩu Na Uy; và quảng bá hình ảnh “Cá thu Na Uy” mạnh hơn nữa để duy trì thị phần của mình.

Riêng Scotland đang chiếm một thị phần tăng nhanh chóng tại thị trường cá thu Nhật Bản: Lượng cá thu Scotland nhập khẩu của Nhật Bản đã tăng vọt từ 1.074 tấn vào năm 2020 lên 15.316 tấn vào năm 2023. Trước đây, thị phần của Na Uy tại thị trường Nhật Bản là 90% nhưng hiện nay giảm còn 70% do có sự cạnh tranh từ Scotland và các nhà xuất khẩu khác. Tuy nhiên, Na Uy cũng không quá lo ngại vì vẫn còn một tin rất tốt từ thị trường châu Á khác. Cụ thể là, kết quả của một cuộc khảo sát gần đây cho thấy, có tới 70% cá thu được tiêu thụ tại Hàn Quốc đến từ Na Uy; hơn nữa, cá thu Na Uy hiện là loại hải sản phổ biến nhất tại Hàn Quốc, nơi lượng nhập khẩu đã tăng đáng kể trong 5 năm qua. Năm 2019, Hàn Quốc đã nhập khẩu khoảng 61.000 tấn cá thu Na Uy trị giá 3 tỷ NOK (300 triệu đô la Mỹ). Đến năm 2023, lượng nhập khẩu đã tăng lên 72.000 tấn trị giá 4,7 tỷ NOK (460 triệu đô la Mỹ).

Thương mại

Xuất khẩu cá thu Na Uy giảm 1/3 trong quý đầu tiên của năm 2024 so với cùng kỳ năm 2023, từ 68.533 tấn xuống còn 45.980 tấn. Trong lịch sử xuất khẩu mặt hàng này thì mức giảm lớn nhất đã được ghi nhận đối với các lô hàng xuất sang Nhật Bản, giảm 65% xuống chỉ còn 4.095 tấn. Các thị trường lớn nhất là Hàn Quốc (chiếm tỷ trọng 20%) và Việt Nam (10,7%). Nhập khẩu cá thu đông lạnh nguyên con của Trung Quốc tăng 36,9% lên 20.107 tấn. Nhà cung cấp chính, Na Uy, chiếm 14.244 tấn, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2023.

Cá trích

Các cơ quan quản lý nghề cá Canada đã một lần nữa giảm hạn ngạch cá trích tại các tỉnh Nova Scotia và New Brunswick. Tháng 7/2024, Bộ trưởng Bộ Thủy sản Canada đã thông báo rằng TAC cho nghề cá trích Tây Nam Nova/Vịnh Fundy sẽ được đặt ở mức 16.000 tấn mỗi năm cho giai đoạn 2024–2027.

So sánh theo chuỗi thời gian khoảng 10 năm liên tục sẽ thấy TAC năm 2018 là 42.500 tấn, giảm xuống còn 35.000 tấn mỗi năm trong giai đoạn 2019–2021, sau đó tiếp tục giảm xuống còn 23.450 tấn vào năm 2022 và 21.000 tấn vào năm 2023. Và bây giờ là 16.000 tấn mỗi năm trong giai đoạn 2024–2027.

Tuy nhiên, ngay cả khi áp dụng những đợt cắt giảm mạnh như vậy vẫn chưa đủ để tái tạo nguồn lợi thủy sản. Trong nửa đầu năm 2024, sản lượng cá trích khai thác ở Na Uy giảm, để thực hiện chính sách giảm hạn ngạch của quốc gia này, từ 388.000 tấn năm 2023 xuống còn 256.000 tấn năm 2024. Các nhà chế biến và xuất khẩu đã chuyển từ xuất khẩu cá trích cắt khúc đông lạnh sang sản xuất và xuất khẩu phi lê cá trích. Phi lê cá trích bỏ da - đông lạnh đã lập kỷ lục giá mới.

Thương mại

Theo Norges Sildesalgslag (Hiệp hội kinh doanh cá trích Na Uy), nhu cầu đối với cá trích Biển Bắc của Na Uy rất tốt. Giá cá trích đông lạnh tương đối ổn định (mặc dù thỉnh thoảng vẫn có biến động lên/xuống). Đến giữa tháng 5/2024, giá bắt đầu tăng mạnh. Na Uy ghi nhận mức giảm khiêm tốn 8,8% về khối lượng xuất khẩu cá trích (58.154 tấn) so với quý đầu tiên của năm trước. Đan Mạch là nước nhập khẩu lớn nhất, chiếm 38,6%, tiếp theo là Ba Lan 17,4%. Xuất khẩu cá trích đông lạnh nguyên con của Nga đã giảm 36,5%. Tổng khối lượng xuất khẩu đạt 33.963 tấn, trong đó có tới 18.398 tấn (54%) được xuất khẩu sang Trung Quốc.

Cá cơm

Ngành đánh bắt cá cơm của Peru bắt đầu năm 2024 với mức giảm mạnh về sản lượng đánh bắt chủ yếu do thời tiết xấu, nhưng sau đó đã tăng trở lại khi thời tiết cải thiện. Trong hai tháng đầu năm 2024, sản lượng đánh bắt đạt 346.400 tấn, giảm 64,2% so với năm ngoái. Đến đầu tháng 6, khu vực Trung-Bắc đã vượt qua mốc 2 triệu tấn (tuy nhiên, sản lượng đánh bắt để tiêu thụ trực tiếp cho con người lại giảm đáng kể). Tổng hạn ngạch cho cả mùa 2024 này là 2,47 triệu tấn.

Cá cơm châu Á “ikan bilis”

Trong khi phần lớn cá cơm Mỹ Latinh (chủ yếu là Peru) được chế biến thành bột cá, thì gần 100% sản lượng đánh bắt cá cơm ở Đông Nam Á, thường được gọi là “ikan bilis”, được đưa vào ngành thương mại thực phẩm thủy sản khô với giá rất cao.

Cá cơm tươi ở Đông Nam Á (Indonesia, Malaysia và Thái Lan) thường được chế biến trên tàu (trần sơ/hấp chín/sấy khô) trước khi được chuyển trên khay tre đến cầu tàu và ngay lập tức được bảo quản trong phòng lạnh. Sau đó, cá được chế biến lại thành dạng còn đầu, không đầu và tách xương, đóng gói để bán lẻ và phục vụ cho kênh dịch vụ thực phẩm.

Trong khi đó, các sản phẩm cá cơm khô rất phổ biến ở châu Á, đặc biệt là Malaysia, Singapore và Indonesia, nơi chúng được coi là món ăn vặt có giá trị cao hoặc được sử dụng như một sản phẩm ẩm thực hấp dẫn trong ngành thương mại dịch vụ ăn uống và bán lẻ. Giá bán buôn cá cơm khô ở Đông Nam Á dao động từ 6,5 đến 9,0 đô la Mỹ một kg tùy thuộc vào chủng loại và kích cỡ cá. Trong hoạt động bán lẻ, giá cá cơm khô ướp muối dao động từ 10,0 đến 26,0 đô la Mỹ/kg tùy thuộc vào dạng sản phẩm và chất lượng sản phẩm. Chúng thường được bán ở dạng chế biến sẵn và ăn liền như chiên giòn.

Về sản lượng cá mòi Thái Bình Dương, trong khi Liên bang Nga đã cập cảng 60.500 tấn (tính đến ngày 10 tháng 6) tăng 83% so với cùng kỳ năm ngoái, thì Nhật Bản đã chứng kiến ​​sản lượng cập cảng giảm 24%. Năm 2024, tổng sản lượng cá mòi Thái Bình Dương dự kiến ​​đạt 579.000 tấn (so với 544.000 tấn vào năm 2023). Đây là mức cao nhất kể từ năm 1991 đến nay.

Dự báo

Nguồn cung cá thu và cá trích khan hiếm do hạn ngạch bị cắt giảm ở cả hai bờ Đại Tây Dương và giá sẽ tăng. Đối với cá cơm và cá mòi, triển vọng tươi sáng hơn. Sau một khởi đầu chậm chạp, sản lượng cá cơm Peru đã tăng nhanh chóng và mức hạn ngạch 2,5 triệu tấn được kỳ vọng sẽ hoàn thành. Tuy nhiên, năm 2024, sản lượng cá cơm dùng để phục vụ cho kênh tiêu thụ của con người đã giảm, vì vậy giá tiêu dùng có thể vẫn giữ nguyên. Trong khi đó, Liên bang Nga đang kỳ vọng vào một mùa đánh bắt cá mòi Thái Bình Dương đạt kỷ lục mới.

Ngọc Thúy (theo FAO)

Ý kiến bạn đọc

Tin khác