Bạch tuộc
Về nhập khẩu bạch tuộc: Nhật Bản -39,1%; Trung Quốc +4,8%; Việt Nam -18,1%; Mauritania -64,5%. Vào cuối tháng 6/2024, Maroc thông báo về việc tăng hạn ngạch bạch tuộc thêm 19% lên 17.200 tấn cho cả mùa. Hạn ngạch cho sản phẩm đông lạnh trên biển tăng 20% lên 9.828 tấn, trong khi hạn ngạch tàu kéo tăng lên 1.716 tấn và hạn ngạch khai thác thủ công tăng lên 4.056 tấn.
Trong những tháng đầu năm 2024, giá cả đã thấp hơn nhiều so với mức của cả năm 2023 và 2022. Tuy nhiên, với việc mùa bạch tuộc Mauritania kết thúc vào ngày 20 tháng 4 và kho lạnh tại các thị trường chính là Ý và Tây Ban Nha cạn kiệt, giá cả đã tăng trở lại. Nguồn cung bổ sung dự kiến có từ mùa bạch tuộc mới của năm nay (đã bắt đầu vào ngày 1 tháng 7) tại cả Morocco và Mauritania, trùng với thời kỳ tiêu thụ cao điểm của mùa hè, đặc biệt là trong tháng 8. Do đó, giá bạch tuộc vẫn ở mức cao.
Ngành bạch tuộc đang phải đối đầu với sự phát triển của các dòng sản phẩm mô phỏng hải sản thật. Một công ty ở Áo đã đưa ra một loại bạch tuộc tương tự làm từ nấm có tên là "The Kraken", mô phỏng cả hình dáng và cảm giác ăn giống như bạch tuộc thật, còn có cả xúc tu của bạch tuộc. Nó chứa nhiều protein, axit béo omega-3 và chất xơ. Tuy nhiên, vẫn chưa biết liệu sản phẩm này có thành công trên thị trường thế giới hay không.
Về thương mại bạch tuộc trong những tháng đầu năm: Lượng bạch tuộc nhập khẩu của Nhật Bản giảm mạnh từ 10.436 tấn trong ba tháng đầu năm 2023 xuống còn 6.353 tấn trong cùng kỳ năm 2024 (giảm 39,1%). Tuy nhiên, nhà cung cấp lớn nhất là Trung Quốc đã báo cáo mức tăng trưởng 4,8% trong các lô hàng đến Nhật Bản, trong khi các lô hàng từ Việt Nam và Mauritania lần lượt giảm 18,1% và 64,5%. Lượng bạch tuộc nhập khẩu vào Hàn Quốc đã giảm 8,6% trong giai đoạn này, từ 16.534 tấn vào năm 2023 xuống còn 15.119 tấn vào năm 2024.
Mực ống/ Mực nang
Mực ống Illex đánh bắt được ở Argentina tăng 73%. Theo báo cáo từ quốc gia này, mùa đánh bắt mực ống Illex ở vùng biển Argentina đã có khởi đầu tốt. Trong bốn tháng đầu năm 2024, các tàu của Argentina đã đánh bắt được 128.000 tấn mực, tăng 54.000 tấn, tương đương với tăng 73% so với cùng kỳ năm 2023. Nhu cầu trên thị trường quốc tế được báo cáo là khá tốt và giá tăng khoảng 1 đô la Mỹ/kg so với năm ngoái. Nghề đánh bắt này kéo dài đến ngày 31/8.
Bộ Sản xuất Peru (the Ministerio de la Produccion/Ministry of Production in Peru -PRODUCE) đã đặt hạn ngạch năm 2024 cho mực ống khổng lồ (Dosidicus gigas) là 499.683 tấn; nghĩa là đã giảm hạn ngạch 14% so với năm 2023. PRODUCE thậm chí còn có thể ra quyết định đóng cửa nghề đánh bắt mực ống khổng lồ nếu đã đạt hạn ngạch hoặc nếu gặp những bất lợi khi nhận được cảnh báo môi trường hoặc điều kiện sinh học không bảo đảm.
Những bất cập mà ngành thủy sản Peru đang gặp phải trong việc tìm kiếm mực ống khổng lồ có thể do hai yếu tố. Một là việc các tàu nước ngoài đánh bắt nguồn lợi này ngay bên ngoài (và đôi khi là cả bên trong) vùng biển của Peru trong nhiều năm liền. Lý do khác có thể là do các điều kiện môi trường bất lợi; ví dụ, nhiệt độ đại dương ấm hơn trong đợt El Niño năm ngoái đã ảnh hưởng tiêu cực đến nguồn lợi cá cơm và mực ống khổng lồ.
Đối với các tàu nước ngoài, rõ ràng là Peru đã rất bất bình. Bộ Sản xuất Peru đã thông báo rằng họ đang soạn thảo một nghị định khẩn cấp nhằm chống lại hoạt động đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) xảy ra tại vùng biển đặc quyền của mình và đề nghị hình phạt cho hành vi vi phạm các quy định về IUU sẽ phải nghiêm khắc hơn nữa. Quyết định này có thể được đưa ra sau các cuộc biểu tình gần đây của ngành công nghiệp Peru rằng hình phạt quá thấp; ví dụ, một tàu nước ngoài bị bắt khi đánh cá bên trong vùng biển Peru chỉ bị phạt số tiền tương đương với 65 đô la Mỹ. Nghị định dự thảo này cũng đề xuất tăng cường giám sát vùng biển Peru. Vì mục đích đó, hai tàu tuần tra mới sẽ được Peru mua và đưa vào sử dụng.
Về thương mại mực ống và mực nang trong những tháng đầu năm: Xuất khẩu mực ống của Argentina đang tăng. Nước này đã xuất khẩu 23.599 tấn mực Illex trị giá 60,8 triệu đô la vào tháng 4 năm 2024, tăng 214% về khối lượng và 251% về giá trị so với tháng 4 năm 2023.
Nhập khẩu mực ống và mực nang của Trung Quốc đã giảm 19,5% trong quý đầu tiên của năm 2024 so với cùng kỳ năm 2023. Cũng có một số thay đổi lớn giữa các nhà cung cấp cho thị trường này. Peru, là nhà cung cấp chính trong quý đầu tiên của năm 2023 với 27.588 tấn, nhưng chỉ xuất khẩu 4.612 tấn trong cùng kỳ năm 2024, giảm mạnh (-83%). Indonesia đã vượt lên vị trí đầu danh sách, ghi nhận mức tăng 70% trong các lô hàng đến Trung Quốc, đạt 30.769 tấn. Nhập khẩu từ Hoa Kỳ giảm gần 43% xuống còn 11.805 tấn, trong khi nhập khẩu từ Pakistan tăng vọt 44% lên 8.915 tấn so với cùng kỳ năm 2023.
Xuất khẩu mực ống và mực nang của Trung Quốc giảm khiêm tốn 5,6% từ 124.156 tấn năm 2023 xuống còn 117.159 tấn năm 2024. Các thị trường lớn nhất là Nhật Bản (23.101 tấn), Thái Lan (14.254 tấn) và Hàn Quốc (13.809 tấn).
Nhập khẩu mực ống và mực nang của Nhật Bản đã giảm 10% trong quý đầu tiên của năm 2024, chỉ đạt 28.281 tấn. Trong số đó, nhà cung cấp lớn nhất là Trung Quốc đã xuất khẩu cho thị trường Nhật Bản 19.092 tấn, tương đương với mức cùng kỳ năm 2023. Nhập khẩu từ Peru giảm đáng kể từ 5.351 tấn xuống còn 2.910 tấn; trong khi nguồn cung từ Argentina tăng lên, đạt 1.293 tấn, tăng 204% từ mức thấp 425 tấn của năm 2023.
Tây Ban Nha cũng chứng kiến lượng mực ống và mực nang nhập khẩu giảm, từ 69.213 tấn trong quý đầu tiên của năm 2023 xuống còn 53.509 tấn cùng kỳ năm 2024. Các nhà cung cấp lớn nhất là Quần đảo Falkland (Malvinas), Morocco và Peru.
Lượng nhập khẩu vào Hàn Quốc đã giảm 14,4% trong giai đoạn này, từ 38.552 tấn vào năm 2023 xuống còn 33.012 tấn vào năm 2024. Nhưng có một số thay đổi lớn giữa các nhà cung cấp. Peru đã vận chuyển giảm 42% trong quý đầu tiên của năm 2024 so với cùng kỳ năm 2023. Trái lại, Chile đã xuất khẩu sang Hàn Quốc nhiều hơn 85% và Argentina đã tăng lượng hàng của mình lên 153%.
Dự báo
Với nguồn cung mực ống có vẻ khả quan hơn năm ngoái, đặc biệt là ở Nam Mỹ, người ta có thể kỳ vọng giá sẽ giảm, mặc dù điều này đến nay vẫn chưa xảy ra. Nguyên nhân chủ yếu là do mùa hè là thời kỳ tiêu thụ mực ống chính trong năm, đặc biệt ở Nam Âu. Nguồn cung bạch tuộc cũng được dự đoán sẽ cải thiện, vì Morocco đã tăng hạn ngạch khai thác. Tuy nhiên, giá bạch tuộc không được kỳ vọng sẽ giảm do nhu cầu tăng trong những tháng mùa hè. Nhìn chung, triển vọng (trong dài hạn) khá lạc quan.
Ngọc Thúy (theo FAO)