Kinh tế thủy sản toàn cầu: Sản lượng đánh bắt phục hồi (02-01-2025)

Năm 2024, FAO ước tính sản lượng thủy sản khai thác và nuôi trồng trên toàn thế giới dự kiến ​​tăng 2,2% lên gần 192 triệu tấn, với khối lượng đánh bắt tự nhiên phục hồi 1,1% sau một năm sản lượng kém do tác động của El Niño đối với trữ lượng cá cơm Peru.
Kinh tế thủy sản toàn cầu: Sản lượng đánh bắt phục hồi
Ảnh minh họa

Hạn ngạch cá cơm năm 2024 của Peru đã được đặt cao hơn đáng kể so với năm trước ở mức hơn 5 triệu tấn. Ngoài việc thúc đẩy số liệu sản xuất chung, sản lượng đánh bắt tăng như vậy còn cải thiện đáng kể tính khả dụng của các thành phần thủy sản làm thức ăn chăn nuôi (cho dù trữ lượng dầu cá toàn cầu vẫn ở mức thấp). Tương tự như vậy, với sự gia tăng sản lượng lớn ở các quốc gia Châu Á (Trung Quốc, Ấn Độ và Việt Nam), sản lượng nuôi trồng thủy sản toàn cầu dự kiến ​​sẽ tăng 3,1%. Chi phí thức ăn dự kiến ​​sẽ giảm vào năm 2025, với dự báo về nguồn cung các thành phần thủy sản làm thức ăn chăn nuôi được cải thiện.

Mặc dù khối lượng thương mại toàn cầu tăng nhẹ 1,0%, nhưng giá trị của nó dự kiến ​​sẽ giảm 1,2%. Nhu cầu tại các thị trường lớn rất trì trệ, với Liên minh châu Âu, Trung Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản đều dự báo giá trị nhập khẩu giảm vào năm 2024. Niềm tin của người tiêu dùng vẫn mong manh và bất ổn kinh tế đã làm suy yếu mức tiêu thụ thực phẩm thủy sản. Với tỷ lệ lạm phát toàn cầu đang giảm, các ngân hàng trung ương đã giảm dần lãi suất, có khả năng đánh dấu sự kết thúc của một giai đoạn mà Quỹ Tiền tệ Quốc tế (the International Monetary Fund - IMF) gọi là "giai đoạn thắt chặt lớn" - giai đoạn chứng kiến ​​chi phí vay cao nhất kể từ những năm 1970 đến nay.

Bất chấp những diễn biến tích cực này đối với các nền kinh tế, mức tiêu thụ thủy sản tại các thị trường lớn đã chững lại phần nào và có khả năng tiếp tục phải đối mặt với những trở ngại khác. Năm 2024 đã chứng kiến ​​sự gián đoạn đáng kể đối với ngành thủy sản toàn cầu, vì người tiêu dùng lo ngại nạn lạm phát và chi phí tăng cao, dẫn tới giảm sút nhu cầu tiêu thụ hải sản. Điều này dẫn đến mức tăng trưởng tiêu dùng và thương mại thấp, với các báo cáo của ngành luôn chỉ ra rằng tình hình thị trường khó khăn, đặc biệt là ở các quốc gia như Na Uy, Nhật Bản, Liên bang Nga, Vương quốc Anh và Bắc Ireland, Đức và Hoa Kỳ.

Sau cuộc bầu cử Hoa Kỳ vào tháng 11/2024, Donald Trump chính thức nhậm chức tổng thống nhiệm kỳ thứ hai. Mặc dù còn quá sớm để nói chính xác tác động của chính quyền sẽ làm thay đổi thương mại thủy sản, nhưng có thể dễ dàng thấy là chính sách thương mại bảo hộ đã đóng vai trò quan trọng trong bài phát biểu vận động tranh cử của tổng thống đắc cử. Các đề xuất bao gồm mức thuế cơ sở phổ quát là 10% đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu vào Hoa Kỳ; mức thuế 60% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc; và kêu gọi một cái gọi là "đạo luật thương mại có đi có lại" sẽ áp dụng mức thuế tương đương đối với các quốc gia đánh thuế đối với hàng hóa của quốc gia này. Nhìn lại nhiệm kỳ trước của Donald Trump từ năm 2017 đến năm 2021, đã có sự gia tăng thuế quan và căng thẳng thương mại, bao gồm cả một cuộc xung đột thương mại đáng chú ý với Trung Quốc dẫn đến việc giảm thương mại thủy sản với Hoa Kỳ. Nếu các chính sách tương tự xuất hiện từ nhiệm kỳ thứ hai của Donald Trump, ngành thủy sản sẽ phải đối mặt với những biến động mới, làm gián đoạn và thay đổi chuỗi cung ứng thủy sản toàn cầu.

Mặc dù có rất nhiều nguyên nhân phức tạp, nhưng nhìn chung tác động của khí hậu thực sự rất nặng nề và kéo dài. Ví dụ như một đợt nắng nóng nghiêm trọng ở biển xảy ra trong năm 2017 đã làm suy giảm các loài thủy sản chủ lực chính như cá tuyết và cua, ảnh hưởng đến tính bền vững của các nghề cá này cũng như làm ảnh hưởng sinh kế của các cộng đồng dân cư ven biển sống phụ thuộc vào chúng. Thiệt hại trong ngành thủy sản Alaska ước tính là 1,8 tỷ đô la, với tổng thiệt hại là 4,3 tỷ đô la đối với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Hoa Kỳ.

Các hiện tượng khí hậu cực đoan trong thời gian gần đây đã gây ra những tác động lớn đối với ngành thủy sản. Cụ thể trước đó, vào năm 2023, nhiệt độ đại dương ấm hơn liên quan đến hiện tượng El Niño đã ảnh hưởng đến các hệ sinh thái biển, dẫn đến sản lượng đánh bắt giảm đối với một số loài thủy sản. Điều này đã khiến sản lượng đánh bắt toàn cầu giảm, tác động đến chuỗi cung ứng và góp phần làm gia tăng giá của nhiều loại hàng hóa. Trong khi đó, một báo cáo gần đây được công bố bởi Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Hoa Kỳ (the US National Oceanic and Atmospheric Administration - NOAA) đã nêu ra những vấn đề đáng kể đang gây khó khăn cho ngành thủy sản Alaska, cùng cộng hưởng và dẫn tới mức giảm 50% lợi nhuận trong giai đoạn 2021–2023.

Ngọc Thúy (theo FAO)

Ý kiến bạn đọc

Tin khác