Cụ thể, 6 tháng đầu năm 2024 được đánh dấu bằng việc giảm sản lượng cá hồi ở các nước sản xuất chính do những thách thức về mặt sinh học. Trong một số trường hợp còn có sự bất ổn vì các quy định mới. Triển vọng trong nửa cuối năm 2024 khá lạc quan với nhu cầu được cải thiện trên thị trường quốc tế.
Sản lượng toàn cầu
Các nhà phân tích trong ngành đồng ý rằng ngành cá hồi toàn cầu đang trải qua một trong những giai đoạn đầy thách thức nhất trong những năm gần đây, bao gồm các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn đang diễn ra và hiện tượng tảo nở hoa có thể tiếp tục hạn chế nguồn cung cá hồi. Tuy nhiên, theo Rabobank, ngành cá hồi vẫn là ngành nuôi trồng thủy sản đem lại lợi nhuận cao nhất do có giá tăng trong khi chi phí thức ăn giảm nhẹ. Tăng trưởng nhu cầu trong nửa cuối năm 2024 vẫn chưa chắc chắn, nhưng có lý do để thận trọng lạc quan khi các nền kinh tế phương Tây phục hồi và chi phí thức ăn tiếp tục giảm khi nguồn cung bột cá được cải thiện.
Cá hồi Đại Tây Dương
Tổng nguồn cung cá hồi Đại Tây Dương toàn cầu đạt khoảng 1.220.800 tấn trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 6 năm 2024, giảm 4% so với cùng kỳ năm trước. Con số này gấp 4 lần mức giảm đã được báo cáo trong năm 2023. Trong giai đoạn này, Na Uy và Chile ghi nhận sản lượng lần lượt là 610.700 tấn và 318.300 tấn, giảm 6% và 14,6% so với cùng kỳ năm trước.
Các loài cá hồi khác
Sản lượng cá hồi (Coho salmon) ở Chile trong nửa đầu năm 2024 đạt 60.100 tấn, giảm 2,8% so với cùng kỳ năm trước. Ngược lại, 40.300 tấn cá hồi (rainbow trout) đã được thu hoạch trong nước, tăng mạnh 53,7% so với cùng kỳ năm trước.
Cá hồi khai thác trong tự nhiên
Sau một năm giá cả thấp và nhu cầu tiêu thụ thấp, mùa cá hồi 2024 của Alaska đã chính thức mở cửa từ giữa tháng 5 với nghề cá hồi sockeye ở Copper River. Sở Thủy sản Alaska (Alaska Department of Fish and Game) dự báo sản lượng thu hoạch thương mại gần 136 triệu con cá hồi trong năm 2024, giảm đáng kể so với 232 triệu con cá hồi năm 2023, mặc dù điều này có thể được giải thích bằng sự khác biệt thông thường về sản lượng đánh bắt giữa các năm lẻ và năm chẵn. Đặc biệt, sẽ có một vụ thu hoạch cá hồi hồng nhỏ hơn nhiều; theo các nhà chức trách, sự không chắc chắn trong dự báo về sản lượng cá hồi hồng là do tuổi thọ ngắn của chúng và các yếu tố khác.
Với việc các công ty chế biến đóng cửa hoặc bị bán, cùng với giá thấp và thua lỗ ở một số thị trường, các nhà lập pháp đã nhất trí thành lập Nhóm công tác ngành thủy sản để giải quyết những thách thức này nhằm phục hồi ngành. Trong khi đó, mùa cá hồi Viễn Đông của Nga bắt đầu chậm, nhưng đã tăng tốc vào tháng 8, với trọng tâm là cung cấp các sản phẩm tươi sống cho thị trường trong nước. Cục Thủy sản Liên bang (Rosrybolovstvo) tuyên bố rằng cá hồi hồng tiếp tục chiếm ưu thế về sản lượng đánh bắt, chiếm 69% tổng sản lượng tính đến giữa tháng 8 (120.000 tấn trong tổng số 175.000 tấn). Viện Nghiên cứu Thủy sản và Hải dương học Nga (VNIRO) dự đoán tổng sản lượng đánh bắt trong mùa này sẽ đạt 345.600 tấn.
Dự kiến nguồn cung toàn cầu sẽ phục hồi, chủ yếu nhờ Na Uy và Scotland
Na Uy
Nửa đầu năm chứng kiến sản lượng cá hồi Na Uy giảm đáng kể do những thách thức về mặt sinh học như nhiễm khuẩn và nhiệt độ nước thấp bất thường. Sẽ có khoảng 40% nguồn cung bị ảnh hưởng trong vài tuần. Việc sử dụng nhiều hơn các biện pháp xử lý rận biển đã làm giảm trọng lượng thu hoạch trung bình, dẫn đến giảm số lượng cá hồi hảo hạng và đẩy giá lên cao. Ngoài ra, giá trung bình mà người nuôi cá thu được cũng thấp hơn nhiều. Bất chấp những thách thức này, ngành này đang bắt đầu phục hồi, đặc biệt là khi nhiệt độ nước biển ở Na Uy đang ấm lên. Dự kiến nguồn cung cá hồi sẽ phục hồi và giá sẽ điều chỉnh.
Scotland
Với dự kiến sẽ có những điều chỉnh tài chính và áp dụng các hạn chế đối với chi tiêu công, Salmon Scotland, tổ chức tập hợp các nhà sản xuất và công ty từ khắp chuỗi cung ứng cá hồi Scotland, đã kêu gọi Chính phủ ưu tiên tăng trưởng và tạo việc làm; và giảm bớt tình trạng quan liêu "cản trở nền kinh tế xanh của Scotland". Mặc dù Chính phủ thừa nhận vai trò của cá hồi Scotland trong nền kinh tế, tổ chức này cảnh báo rằng cải cách quy định chậm chạp đang kìm hãm tăng trưởng bền vững và tác động đến doanh thu cần thiết để hỗ trợ các dịch vụ công. Nhu cầu tăng nguồn tài trợ để đẩy nhanh quá trình phê duyệt các trang trại cá hồi và các dự án quan trọng khác nhằm thúc đẩy nền kinh tế đã được nêu bật.
Canada
Canada đã có sự phục hồi đáng kể về sản xuất trong năm 2024. Tuy nhiên vẫn có sự thiếu thống nhất ở ngành này với Bộ Thủy sản và Đại dương Canada (the Department of Fisheries and Oceans Canada - DFO) về kế hoạch chuyển đổi từ nuôi cá lồng - lưới mở (open net-pen salmon aquaculture) ở British Columbia sang các hình thức nuôi trong đất liền và lồng kín (land-based and closedcage operations) vào năm 2029.
Theo các phương tiện truyền thông thì những người sản xuất cá hồi ở các khu vực này chưa nắm được thông tin chi tiết về kế hoạch chuyển đổi nên dường như thiếu sự chắc chắn về việc lập kế hoạch, gây tác động đến chuỗi giá trị cá hồi.
Chile
Các nhà điều hành trong ngành tuyên bố rằng các quy định phức tạp và nghiêm ngặt đang hạn chế sự phát triển của ngành hàng cá hồi, ảnh hưởng đến các khoản đầu tư và dự báo. Ngoài ra, Dự luật Nuôi trồng thủy sản mới sẽ được trình vào giữa năm 2025 tiếp tục tạo ra sự biến động, một số nhà sản xuất bày tỏ sự không hài lòng khi họ không có cơ hội tham gia vào quá trình này.
Do sự thay đổi trong sở thích của thị trường đối với sản phẩm tươi sống, khả năng cạnh tranh của ngành cá hồi Chile đã bị ảnh hưởng so với các quốc gia khác như Na Uy, nơi không gặp vấn đề gì khi cung cấp sản phẩm tươi sống cho thị trường chính của mình là Châu Âu bằng đường bộ. Trong khi đó, Rabobank tuyên bố rằng nguồn cung của Chile đã giảm trong nửa đầu năm 2024 do các vấn đề sinh học và các hạn chế về quy định. Báo cáo chỉ ra những tổn thất do tảo nở hoa có hại, kết hợp với các điều chỉnh đối với một số công ty đã vượt quá giới hạn hợp pháp về tổng sản lượng trên mỗi nhượng bộ. La Niña sẽ mang lại vùng nước mát hơn, dự kiến sẽ làm giảm bớt những thách thức sinh học hiện tại và cũng có thể dẫn đến sự gia tăng nguồn cung trong nửa cuối 2024. Mặt khác, sự không chắc chắn về các quy định sẽ tiếp tục vì các công ty thận trọng về việc vượt quá hạn ngạch sản xuất.
Ngọc Thúy (theo FAO)