Giá cả nhìn chung tăng, mặc dù thực tế thì mùa hè cũng là thời kỳ sản xuất chính của nhuyễn thể hai mảnh vỏ ở Bán cầu Bắc. Theo FAO, khi mùa đông đến gần, nhu cầu có khả năng giảm, đây là đặc điểm thông thường vào thời điểm này trong năm. Ngoài Hàu ra thì các loài nhuyễn thể khác không phải là thực phẩm được ưa thích trong dịp lễ Tết (như Giáng sinh hoặc các lễ hội cuối năm ở các nước phương Tây). Hoạt động buôn bán nhuyễn thể ổn định như mức của năm trước, cho thấy thị trường đã phục hồi với nhiều mô hình mới được thiết lập.
Vẹm
Hoạt động buôn bán Vẹm trên thế giới vẫn ổn định trong nửa đầu năm khi so sánh với cùng kỳ năm trước, với lượng xuất khẩu đạt 171.000 tấn. Chile tiếp tục là nước xuất khẩu Vẹm lớn nhất thế giới; 6 tháng đầu năm 2024 đã xuất khẩu 55.000 tấn, được vận chuyển chủ yếu đến Tây Ban Nha và Pháp. Vương quốc Hà Lan đứng thứ hai, mặc dù xuất khẩu tăng 50% lên 21.000 tấn. Năm trước đó (2023), sản lượng Vẹm của Hà Lan bị ảnh hưởng do lượng mưa thấp tác động đến môi trường biển nơi Vẹm được nuôi.
Đối với nhập khẩu, Pháp và Ý là những nước nhập khẩu chính, tiếp theo là Hoa Kỳ. Tuy nhiên, cả ba nước đều báo cáo lượng nhập khẩu giảm trong quý đầu tiên của năm. Tây Ban Nha, nước nhập khẩu lớn thứ tư, báo cáo lượng nhập khẩu Vẹm cao hơn, chủ yếu dành cho ngành đóng hộp.
Năm 2024, sản lượng Vẹm của Pháp đã chứng kiến một số xu hướng tích cực. Đồng thời, thị trường tăng trưởng ổn định, nhờ nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng đối với các lựa chọn hải sản bền vững. Vẹm được ưa chuộng do hàm lượng protein và omega-3 cao; chúng được sử dụng theo nhiều cách khác nhau, từ tiêu thụ trực tiếp đến thực phẩm chế biến và thậm chí là thức ăn chăn nuôi. Thị trường Vẹm của Pháp cũng được hưởng lợi từ sự thay đổi theo hướng ăn uống lành mạnh hơn và nhận thức rõ ràng hơn về lợi ích dinh dưỡng của loài này. Nhìn chung, triển vọng của ngành Vẹm Pháp rất lạc quan, với kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng trong những năm tới.
Hàu
Pháp, quốc gia sản xuất Hàu lớn nhất châu Âu, đã phải đối mặt với một số thách thức vào năm 2024. Trước đó, nmột đợt bùng phát norovirus vào tháng 12 năm 2023 đã dẫn đến lệnh cấm tạm thời việc mua bán Hàu từ Vịnh Arcachon và các khu vực khác; nỗi lo ngại về ô nhiễm này đã ảnh hưởng đến lòng tin của người tiêu dùng; dẫn đến nhu cầu tiêu thụ và doanh số giảm. Ngoài ra, biến đổi khí hậu cũng tác động đến việc nuôi Hàu, với nhiệt độ nước biển tăng cao khiến Hàu dễ nhiễm bệnh hơn. Để ứng phó, một số khu vực đã phải điều chỉnh các hoạt động sản xuất của mình. Bất chấp những thách thức này, Pháp vẫn tiếp tục là nước sản xuất Hàu chất lượng cao (ở các khu vực như Marennes-Oleron).
Nửa đầu năm 2024 đã chứng kiến 41.000 tấn Hàu được giao dịch trên toàn cầu, tương đương với cùng kỳ năm trước. Xu hướng tương tự cũng được thấy ở Pháp, quốc gia vẫn là nhà sản xuất và kinh doanh hàng đầu của Hàu trên toàn thế giới; 7.300 tấn đã được xuất khẩu từ nước này trong nửa đầu năm 2024, tương tự như khối lượng trong giai đoạn cùng kỳ năm trước. Ngược lại, Hàn Quốc, quốc gia đã xuất khẩu 7.300 tấn trong nửa đầu năm 2023 thì lại chứng kiến mức giảm 12% về xuất khẩu. Hoa Kỳ là nước nhập khẩu chính của Hàu, đã ghi nhận mức nhập khẩu ổn định là 7.500 tấn. Đối với Ý, tình hình kinh tế cải thiện ở quốc gia này đã khiến lượng nhập khẩu Hàu đạt 4.500 tấn, tăng 12%.
Sò điệp
Mặt hàng này phần lớn thuộc về các nhà sản xuất châu Á, thương mại Sò điệp thế giới trong nửa đầu năm 2024 đạt 83.000 tấn, giảm 18% so với cùng kỳ năm trước. Sự sụt giảm này là do nguồn cung từ nhà xuất khẩu chính là Nhật Bản giảm. Xuất khẩu của Trung Quốc đạt 18.000 tấn, tương đương với mức cùng kỳ năm trước. Trong 6 tháng đầu năm 2024, tổng lượng Sò điệp xuất khẩu từ Nhật Bản đạt 33.000 tấn, giảm so với mức 58.000 tấn trong nửa đầu năm trước. Các điểm đến chính gồm có: Việt Nam, Thái Lan và Hàn Quốc.
Tuy nhiên gần đây, sản lượng Sò điệp nuôi và khối lượng xuất khẩu của Nhật Bản khá tốt. Tổng sản lượng đạt bình quân 500.000 tấn/năm. Hokkaido và Aomori là những vùng sản xuất chính, nổi tiếng với Sò điệp chất lượng cao. Phương pháp "treo" nuôi Sò điệp thường được sử dụng ở những vùng này. Sản phẩm đã tạo dựng được tên tuổi trên thị trường thế giới và được bán với giá rất cao, đặc biệt là ở Bắc Mỹ. Một số Sò điệp của Nhật Bản còn được chuyển đến Việt Nam để tái chế.
Trong nửa đầu năm 2024, nhập khẩu toàn cầu có xu hướng giảm (cũng tương tự như hoạt động xuất khẩu). Khoảng 76.700 tấn đã được đưa vào thương mại quốc tế, giảm 20.000 tấn so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, Hoa Kỳ, quốc gia nhập khẩu chính, đã báo cáo mức tăng 8% về nhập khẩu. Hàn Quốc và Tây Ban Nha là 2 quốc gia nhập khẩu Sò điệp chính thứ 2 và thứ 3.
Ngao
Hàng năm, trên thế giới, sản lượng Ngao đạt khoảng 3 triệu tấn. Với sản lượng 50.000 tấn, Ý đứng đầu châu Âu và thứ hai trên thế giới, sau Trung Quốc. Điều này xảy ra bất chấp sự sụt giảm đáng kể về sản lượng của Ý do sự xâm chiếm của loài cua xanh ăn thịt hàu non, vẹm, sò huyết và các loài nhuyễn thể hai mảnh vỏ khác. Trên thực tế, bắt đầu từ mùa xuân năm 2023 cho đến nay, cả ở Veneto và Emilia, sản lượng Ngao bằng không. Theo Liên đoàn ngư dân Scardovari, ngành hàng Ngao sẽ không thể đạt được mức sản lượng thông thường từ 5.000 đến 5.500 tấn.
Năm 2024, nhiệt độ khắc nghiệt ở Biển Adriatic đã tác động mạnh đến loài cua xanh, được cho là địch hại dẫn đến tỷ lệ chết rất cao ở các loài ngao nuôi. Ngành sản xuất Ngao đã xây dựng các chiến lược để giảm thiểu tác động của những thách thức về biến đổi khí hậu, đảm bảo nguồn cung Ngao liên tục và ổn định trên thị trường thế giới. Nhờ đó, hoạt động thương mại Ngao toàn cầu khá ổn định trong sáu tháng đầu năm 2024, ở mức 137.000 tấn. T
rung Quốc là nước sản xuất và xuất khẩu Ngao chính trên thế giới, chiếm khoảng một nửa tổng lượng xuất khẩu. Khoảng 65.000 tấn Ngao đã được Trung Quốc xuất khẩu trong giai đoạn đánh giá, tăng 8.000 tấn so với cùng kỳ năm trước. Hàn Quốc và Nhật Bản là hai thị trường chính của Ngao xuất khẩu từ Trung Quốc, với lượng nhập khẩu phục hồi từ mức thấp được báo cáo vào năm trước đó. Bất chấp những khó khăn trên thị trường thủy sản thế giới, thị trường Ngao tại Ý vẫn rất sôi động, được thúc đẩy bởi nhu cầu của người tiêu dùng đối với loài hải sản bền vững.
Dự báo
Nuôi trồng nhuyễn thể hai mảnh vỏ chịu ảnh hưởng lớn của biến đổi khí hậu. Nguồn cung có khả năng tiếp tục giảm, đặc biệt là ở Ý. FAO cho biết sản lượng giảm, trong khi nhu cầu tiêu thụ cao, sẽ đẩy giá tăng lên ở tất cả các thị trường chính trên thế giới.
Ngọc Thúy (theo FAO)