Sản xuất
Sản lượng cá rô phi toàn cầu năm 2024 dự kiến sẽ đạt 7 triệu tấn, tăng nhẹ 4–5% so với năm trước. Trung Quốc, nhà sản xuất cá rô phi hàng đầu thế giới, đã chứng kiến tốc độ tăng trưởng của ngành hàng này, ổn định ở mức 2,4%. Trong khi đó, Liên minh chế biến và tiếp thị sản phẩm thủy sản Trung Quốc (CAPPMA) dự báo ngành cá rô phi của nước này sẽ có quỹ đạo tích cực trong năm 2024 nhờ nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng ở thị trường trong nước.
Tại các quốc gia khác của Châu Á: Chính phủ Indonesia vẫn tiếp tục đầu tư vào nuôi cá rô phi, lấy cảm hứng từ sự thành công của Trung Quốc trong việc cung cấp cá rô phi cho thị trường Hoa Kỳ. Trong thập kỷ qua, ngành công nghiệp cá rô phi tại Indonesia hàng năm đều trải qua tốc độ tăng trưởng kép rất ấn tượng với khoảng 10,4%.
Theo Peixe BR (Hiệp hội nghề cá Brazil), cá rô phi chiếm 55–57% sản lượng thủy sản của Brazil, khiến nước này trở thành nhà sản xuất cá rô phi lớn thứ tư trên toàn cầu. Mặc dù sản xuất và xuất khẩu cá rô phi đáng kể, nhưng trước đây Brazil vẫn phụ thuộc vào việc nhập khẩu phi lê cá rô phi đông lạnh từ Việt Nam, sau đó đã dừng lại. Ngành công nghiệp địa phương, nhận thức được nhu cầu phải duy trì khả năng cạnh tranh với các nguồn cá rô phi khác, thấy tiềm năng lớn trong việc sản xuất các sản phẩm phụ như da cá rô phi, cá xay và phi lê phủ bột sắn không chứa gluten, nhưng việc điều chỉnh cung - cầu có thể ảnh hưởng đến động lực giá.
Ở những nơi khác tại Mỹ Latinh: Ngành thủy sản Colombia đã phải đối mặt với những thách thức đáng kể trong quý đầu tiên của năm 2024. Các yếu tố như tình trạng thiếu nước do El Niño gây ra, dịch bệnh bùng phát và sức mua của người tiêu dùng giảm đã ảnh hưởng không nhỏ đến ngành nuôi trồng thủy sản của quốc gia này, đặc biệt là ở khu vực hồ chứa Betania, nơi đã chứng kiến tỷ lệ cá chết với mức cao kỷ lục.
Thị trường thương mại
Đầu năm 2024, giá cá rô phi ở các tỉnh miền Nam Trung Quốc (như Quảng Đông) đã tăng lên do sản lượng nuôi thấp. Mặc dù lượng cá giống thả nuôi tăng 50% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng mức cung nhìn chung vẫn thấp. Trong khi đó, xuất khẩu cá rô phi được dự đoán là sẽ phục hồi khi thị trường trong nước tiếp tục suy thoái kinh tế. Bờ Biển Ngà và Hoa Kỳ là những nước mua nhiều nhất mặt hàng cá rô phi của Trung Quốc, giá trị nhập khẩu tăng lần lượt 26% và 20% so với năm trước. Tại Liên minh châu Âu, lượng cá rô phi nhập khẩu từ Trung Quốc tăng đáng kể, trong đó các nước như Bỉ và Ý có giá trị tăng gấp 5 lần.
Thị trường cá rô phi tại Hoa Kỳ đang gặp phải tình trạng thiếu hụt nguồn cung (nhất là nhóm hàng rô phi phi lê tươi) do các vấn đề với một số nhà cung cấp. Theo Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia (NOAA), cá rô phi nhập khẩu vào Hoa Kỳ từ tháng 1 đến tháng 3 năm 2024 đạt 41.622 tấn, trị giá 167 triệu đô la, phản ánh mức giảm 6% về khối lượng và giảm 2% về giá trị. Điều này tiếp tục thể hiện xu hướng giảm như các năm trước, mặc dù mức độ giảm qua các năm nhỏ dần. Trung Quốc vẫn là nhà cung cấp chính cho thị trường Hoa Kỳ, tiếp theo là Colombia. Các nhà cung cấp đáng chú ý khác của Mỹ Latinh bao gồm Brazil, Costa Rica và Honduras.
Tại Mỹ Latinh, giá cá rô phi ở thị trường Colombia tăng nhẹ, làm giảm sức tiêu thụ và khả năng tiếp cận mặt hàng này. Đáng mừng là giá trị xuất khẩu cá rô phi tăng 115,5% trong quý đầu tiên của năm 2024 so với cùng kỳ năm trước. Colombia đã xuất khẩu 906 tấn sang Hoa Kỳ, tăng 5%. Tuy nhiên, những tác động tiềm tàng của La Niña như mưa lớn và lũ lụt có thể tác động tiêu cực đến giá cả trên khắp các khu vực.
|
Xuất khẩu cá rô phi của Brazil đã tụt hậu so với các quốc gia Mỹ Latinh khác. Những thay đổi gần đây cho thấy Brazil đang cạnh tranh mạnh mũ với Costa Rica để trở thành nước xuất khẩu phi lê cá rô phi tươi lớn thứ hai sang Hoa Kỳ, chỉ sau Colombia. Trong quý 1 năm 2024, hoạt động nuôi cá rô phi của Brazil dẫn đầu, chiếm 95% tổng lượng cá xuất khẩu và tạo ra 8,31 triệu đô la Mỹ. Khoảng 80% lượng cá rô phi xuất khẩu sang Hoa Kỳ dưới dạng phi lê tươi hoặc ướp lạnh với giá trị 5,64 triệu đô la Mỹ, trong khi loại cá đông lạnh nguyên con chiếm phần còn lại, về khối lượng là 776 tấn và về giá trị là 1,87 triệu đô la Mỹ (23%).
Giá cả
Đầu năm 2024, giá cá rô phi Trung Quốc tăng đột biến do tình trạng thiếu nguyên liệu thô, mặc dù tỷ lệ thả nuôi cao hơn. Tại tỉnh Quảng Đông, giá cá rô phi tươi sống (300–500 g) là 9,24 CNY (1,29 USD)/kg, tăng 45% so với cùng kỳ năm trước. Tại Hoa Kỳ, giá nhập khẩu cá rô phi nguyên con đông lạnh và phi lê cá rô phi ướp lạnh trong quý 1 năm 2024 lần lượt tăng 4% và 5%. Ở những nơi khác, giá cá rô phi Brazil vẫn ổn định mặc dù nhu cầu cao. Tại khu vực Grandes Lagos, Brazil, giá cá rô phi tươi sống là 9,62 BRL (1,97 USD)/kg, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước.
Dự báo
Nguồn cung cá rô phi tại Trung Quốc hiện đang phải đối mặt với chi phí đầu vào cao, dẫn đến giá tăng ở cả thị trường trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, dự kiến sẽ có sự phục hồi tích cực khi chi phí vật liệu giảm; giảm thiểu tác động dài hạn lên thị trường quốc tế. Trong khi đó, các nước Mỹ Latinh đang có sự tăng trưởng ổn định về thương mại bất chấp những thách thức về nguồn cung. Mặc dù nguồn cung cá rô phi toàn cầu đang khan hiếm nhưng với mức tiêu thụ ngày càng tăng cho thấy triển vọng tích cực của thị trường cá rô phi toàn cầu.
Ngọc Thúy (theo FAO)