Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), thành tựu này không đến dễ dàng khi ngành Thủy sản nước ta phải đối mặt với nhiều thách thức trong năm vừa qua. Lạm phát toàn cầu đã đẩy chi phí sản xuất tăng cao, trong khi nguyên liệu xuất khẩu trở nên khan hiếm, và áp lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế ngày càng gay gắt. Đặc biệt, tác động của biến đổi khí hậu, thể hiện rõ qua thiệt hại nặng nề từ cơn bão số 3 Yagi, đã gây khó khăn lớn cho hoạt động nuôi trồng và khai thác thủy sản của nước ta. Dẫu vậy, nhờ sự nỗ lực không ngừng của các doanh nghiệp và ngư dân, sự hỗ trợ của chính phủ và các chính sách thích ứng kịp thời, ngành Thủy sản vẫn đạt được mục tiêu xuất khẩu 10 tỷ USD, tăng gần 13% so với năm 2023. Thành công này không chỉ khẳng định vị thế của ngành Thủy sản Việt Nam trên thị trường quốc tế mà còn là động lực để ngành tiếp tục phát triển bền vững, ứng phó linh hoạt với các thách thức trong tương lai.
Mặc dù đang đứng trước nhiều cơ hội phát triển mạnh mẽ, nhưng ngành thủy sản Việt Nam cũng phải đối mặt với không ít thách thức để duy trì tốc độ tăng trưởng hai chữ số nhằm hiện thực hóa các mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển đến năm 2030. Từ năm 2017 đến nay, giá trị xuất khẩu thủy sản của nước ta luôn đạt từ 8-10 tỷ USD mỗi năm, góp phần đáng kể vào kim ngạch xuất khẩu quốc gia. Tuy nhiên, Chiến lược đến năm 2030 đặt ra mục tiêu đầy tham vọng cho ngành Thủy sản: giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản phải đạt từ 14-16 tỷ USD, đồng nghĩa với việc ngành phải duy trì tốc độ tăng trưởng hàng năm từ 10-15%. Đây là một nhiệm vụ không hề dễ dàng trong bối cảnh thị trường tiêu thụ thủy sản toàn cầu được dự báo chỉ tăng trưởng khoảng 5-6%/năm trong thời gian tới.
Trong năm 2025, ngành Thủy sản Việt Nam tiếp tục đối mặt với những thách thức lớn, đòi hỏi sự nỗ lực và quyết tâm mạnh mẽ để vượt qua. Biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng phức tạp, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái biển và nguồn lợi thủy sản, cũng như gây ra các hệ lụy nghiêm trọng như hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh… ảnh hưởng tới hoạt động nuôi trồng và khai thác thủy hải sản. Cùng với đó, tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng làm suy giảm chất lượng nguồn nước và hệ sinh thái biển cũng ảnh hưởng lớn tới sự phát triển của ngành. Ngoài ra, các rào cản thị trường ngày càng tinh vi và phức tạp, từ tiêu chuẩn chất lượng đến yêu cầu về nguồn gốc xuất xứ, đang tạo áp lực lớn lên các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản. Đặc biệt, thẻ vàng của Ủy ban châu Âu (EC) đối với hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) mà Việt Nam bị cảnh báo từ năm 2017 vẫn là một trở ngại lớn cho xuất khẩu thủy sản của nước ta vào các thị trường quan trọng. Việc giải quyết vấn đề này không chỉ là yêu cầu cấp bách để mở rộng thị trường xuất khẩu mà còn là nền tảng để hướng tới phát triển bền vững cho ngành Thủy sản. Những thách thức này đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và ngư dân nhằm xây dựng giải pháp hiệu quả và lâu dài.
|
Để đạt được mục tiêu duy trì tốc độ tăng trưởng giá trị xuất khẩu hai con số, ngành Thủy sản cần tập trung vào việc duy trì và mở rộng thị phần trên thị trường quốc tế, bên cạnh việc duy trì các thị trường truyền thống như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, EU…, cần tiếp tục nghiên cứu mở rộng các thị trường mới, đồng thời chú trọng phát triển các sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Điều này không chỉ giúp nâng cao giá trị xuất khẩu mà còn tạo điều kiện để ngành khẳng định vị thế trên bản đồ thủy sản toàn cầu. Bên cạnh đó, việc xây dựng các mô hình tăng trưởng mới, phù hợp với điều kiện kinh tế và môi trường thay đổi, cũng là yêu cầu cấp thiết. Trong đó, nuôi trồng thủy sản được xem là mũi nhọn chiến lược, đặc biệt là phát triển các đối tượng nuôi chủ lực có giá trị kinh tế cao. Đây là nguồn cung nguyên liệu chính, đóng vai trò sống còn đối với hoạt động sản xuất và xuất khẩu thủy sản, đồng thời là tiền đề quan trọng để đảm bảo sự tăng trưởng bền vững của ngành.
Ngoài ra, việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và chế biến thủy sản cũng cần được đẩy mạnh nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Các doanh nghiệp trong ngành cần đầu tư vào nghiên cứu, đổi mới sáng tạo để tạo ra các sản phẩm phù hợp với xu hướng tiêu dùng hiện đại, đáp ứng yêu cầu khắt khe của các thị trường lớn như EU, Mỹ, và Nhật Bản. Cùng với đó, các chính sách hỗ trợ từ nhà nước, đặc biệt là trong việc kiểm soát chất lượng, xây dựng thương hiệu và phát triển hạ tầng logistics, sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy ngành thủy sản phát triển bền vững.
Như vậy, để thực hiện được các mục tiêu nêu ra trong Chiến lược phát triển Thủy sản đến năm 2030, trong thời gian tới, ngành Thủy sản cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Việc nâng cao giá trị gia tăng, phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững, và duy trì tốc độ tăng trưởng cao sẽ là những thách thức lớn, nhưng cũng là cơ hội để Việt Nam khẳng định vị thế của mình trong bức tranh thủy sản toàn cầu.
Hương Trà