Chương trình đã xác định mục tiêu chính là nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác khuyến nông nhằm hỗ trợ thúc đẩy sự phát triển của các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp để tăng thu nhập, thích ứng với các điều kiện sinh thái, khí hậu và thị trường, chuyển biến nhận thức của người dân sau khi triển khai Chương trình khuyến nông 2023-2025. Góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng phát triển sản xuất hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng, an toàn thực phẩm đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Đồng thời, thúc đẩy tiến trình cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới. Tăng cường khả năng chống chịu thiên tai, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, ổn định kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường. Huy động nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài tham gia chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp.
Trong thời gian tới, Trà Vinh sẽ tổ chức tập huấn, thông tin tuyên truyền cho 318 lớp với khoảng 9.540 lượt người tham dự; 09 lớp ToT (Training of Trainers) cho cán bộ và cộng tác viên khuyến nông; 45 cuộc hội thảo nhân rộng mô hình; in và cấp phát 90.000 tờ bướm hướng dẫn kỹ thuật tuyên truyền đến người sản xuất; kết hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Trà Vinh xây dựng và thực hiện 30 chuyên mục khuyến nông; thực hiện 45 cuộc tọa đàm khuyến nông lưu động; đặc biệt là, tư vấn về chính sách pháp luật liên quan quan đến nông nghiệp, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm, các tiến bộ kỹ thuật và công nghệ; xây dựng các mô hình trình diễn (trong đó có 03 mô hình thủy sản trình diễn áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất).
Chương trình khuyến nông thủy sản
Cụ thể, phát triển lĩnh vực thủy sản theo hướng nuôi tập trung, công nghiệp, công nghệ hiện đại, áp dụng công nghệ cải tiến, nuôi hữu cơ. Tăng quy mô sản xuất, chất lượng sản phẩm. Cơ cấu tổ chức sản xuất mang tính hợp lý, đạt hiệu quả kinh tế cao... Hướng đến việc kết nối, tiêu thụ sản phẩm, nhằm nâng cao sản lượng, giá trị, bảo đảm lợi ích cho cộng đồng. Góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp trong nông thôn, tạo ra nguồn hàng hóa có giá trị cao, phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu; đồng thời, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái. Xây dựng 03 mô hình trình diễn: (i) Mô hình ứng dụng số hóa trong nuôi tôm thẻ chân trắng 2 giai đoạn kết hợp xử lý môi trường bằng hầm Biogas; (ii) Mô hình nuôi lươn thương phẩm theo quy trình lọc tuần hoàn; (iii) Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh lót bạt bờ, sử dụng chế phẩm sinh học kết hợp siphong đáy.
Về giải pháp, tỉnh Trà Vinh sẽ đẩy mạnh công tác tập huấn, thông tin tuyên truyền để nâng cao nhận thức và thay đổi tư duy về phát triển nông nghiệp hàng hóa theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh sản phẩm. Tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái, hữu cơ; áp dụng cơ giới hóa đồng bộ ở một số lĩnh vực sản xuất. Đổi mới nội dung và phương pháp hoạt động để nâng cao hiệu quả hoạt động công tác khuyến nông. Nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật và tăng cường bồi dưỡng, nâng cao năng lực cán bộ làm công tác khuyến nông các cấp. Đặc biệt, huy động tối đa các nguồn lực của tổ chức, cá nhân tham gia Chương trình; đẩy mạnh xã hội hóa công tác khuyến nông.
Bên cạnh việc giao nhiệm vụ cho các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Khoa học và Công nghệ; các sở, ban, ngành có liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố, UBND tỉnh Trà Vinh cũng đã chỉ đạo Sở Công Thương hỗ trợ xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, quảng bá các sản phẩm nông sản, thủy sản chất lượng, an toàn thực phẩm; triển khai thực hiện hiệu quả “Chương trình khuyến nông tỉnh Trà Vinh, giai đoạn 2023-2025”.
Ngọc Thúy – FICen