Bình Thuận: 6 nhiệm vụ trọng tâm phát triển thị trường nông lâm thủy sản (25-04-2024)

Mới đây, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Bình Thuận ban hành Kế hoạch số 1340/KH-UBND về đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm (ATTP), gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản (NLTS) năm 2024. Theo đó, năm 2024 UBND tỉnh Bình Thuận đưa ra 6 nhiệm vụ trọng tâm phát triển thị trường NLTS.
Bình Thuận: 6 nhiệm vụ trọng tâm phát triển thị trường nông lâm thủy sản
Ảnh minh họa

Theo Kế hoạch, UBND tỉnh Bình Thuận đưa ra chỉ số về ATTP trong năm 2024: tỷ lệ cơ sở sản xuất, kinh doanh NLTS được chứng nhận đủ điều kiện bảo đảm ATTP đạt 99,1%; tỷ lệ cơ sở sản xuất, kinh doanh NLTS nhỏ lẻ ký cam kết tuân thủ quy định ATTP đạt 93,0%; tỷ lệ mẫu thực phẩm NLTS được giám sát vi phạm các quy định ATTP giảm 10%; tỷ lệ cơ sở sơ chế, chế biến thực phẩm NLTS được chứng nhận HACCP, ISO 2200 hoặc tương đương tăng 10%; diện tích trồng trọt, diện tích nuôi thủy sản, số cơ sở chăn nuôi được chứng nhận thực hành nông nghiệp tốt - GAP (như VietGAP, GAHP và tương đương tăng 10%; lượng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học tăng 20%; số lượng chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn tăng 10% so với năm 2023,…

Diện tích nuôi trồng thủy sản hữu cơ đạt 0,5% tổng diện tích nuôi trồng thủy sản; số lượng sản phẩm NLTS được cấp chỉ dẫn địa lý tăng 10%; tốc độ tăng giá trị tăng thêm lĩnh vực công nghiệp chế biến nông sản đạt 7,5%; tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch của nông sản chủ lực giảm 1,0%/năm; số sản phẩm được phép xuất khẩu NLTS đi các thị trường có yêu cầu cấp phép tăng 10% so với năm 2023; tổng kim ngạch xuất khẩu NLTS đạt 261,30 triệu USD.

Để hoàn thành được các mục tiêu trên, UBND tỉnh đề ra 6 nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2024 gồm: (1) Rà soát, hoàn thiện cơ chế chính sách pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; (2) Ổn định tổ chức bộ máy; sắp xếp, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và tăng cường cơ sở hạ tầng kỹ thuật; (3) Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; (4) Phổ biến chính sách pháp luật, thông tin, truyền thông về chất lượng, an toàn thực phẩm NLTS, gia tăng chế biến và phát triển thị trường; (5) Triển khai công tác đảm bảo chất lượng, ATTP, gia tăng chế biến, phát triển thị trường đáp ứng yêu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; (6) Chủ động thanh tra, kiểm tra, giám sát, phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm cơ sở, sản phẩm vi phạm quy định về chất lượng, ATTP.

UBND tỉnh Bình Thuận giao nhiều đơn vị Sở, ngành, hiệp hội cùng thực hiện các nội dung của kế hoạch. Trong đó, giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan thường trực, giúp UBND tỉnh theo dõi, đôn đốc các Sở, ngành, địa phương liên quan triển khai thực hiện kế hoạch; chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, Sở Công thương, các tổ chức chính trị - xã hội và UBND huyện, thị xã, thành phố triển khai các nhiệm vụ theo kế hoạch hành động đảm bảo chất lượng, ATTP, gia tăng chế biến và phát triển thị trường NLTS trên địa bàn tỉnh.

UBND tỉnh cũng giao Sở Công Thương chủ trì phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức xúc tiến thương mại, kết nối sản xuất với tiêu thụ trong và ngoài tỉnh; quảng bá sản phẩm OCOP, sản phẩm chủ lực của tỉnh, sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn; vận động, hỗ trợ các doanh nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản tham gia các nội dung trong Chương trình xúc tiến thương mại, Chương trình khuyến công Quốc gia và địa phương và tạo điều kiện thuận lợi tham gia các hội chợ, triển lãm trong nước, khu vực và quốc tế cho từng mặt hàng, nhóm hàng cụ thể.

Công an tỉnh chủ động nắm tình hình, phát hiện hành vi vi phạm về chất lượng, ATTP; tiếp nhận, điều tra các vụ án, vụ việc; tiếp nhận tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố tổ chức, cá nhân vi phạm chất lượng vật tư nông nghiệp, chất lượng, ATTP theo quy định của pháp luật và thẩm quyền được phân công.

Báo Bình Thuận, Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Thuận tăng cường dung lượng, thời lượng phát sóng về về chất lượng vật tư nông nghiệp, ATTP nông lâm thủy sản và sản phẩm tham gia chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, sản phẩm OCOP. Phối hợp thông tin, truyền thông kịp thời về chất lượng, ATTP và thị trường NLTS tạo niềm tin cho người tiêu dùng và nâng cao uy tín nông sản của tỉnh.

UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai đầy đủ, kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật, các quyết định, văn bản chỉ đạo về công tác đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường NLTS tại địa phương; triển khai xây dựng các sản phẩm OCOP của địa phương, của tỉnh; triển khai xây dựng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng hữu cơ; phối hợp xây dựng mô hình chuỗi liên kết, mô hình chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn tại địa phương.

Thanh Thủy

Ý kiến bạn đọc

Tin khác