Những điểm mới trong việc xử phạt sai phạm mua bán thức ăn thủy sản (04-05-2024)

Nghị định 38/2024/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản bắt đầu có hiệu lực thi hành từ ngày 20/5/2024, thay thế cho Nghị định 42/2019/NĐ-CP. Theo đó, sẽ có nhiều quy định mới trong xử phạt các sai phạm về sản xuất, nhập khẩu, mua bán thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản so với Nghị định 42/2019/NĐ-CP.
Những điểm mới trong việc xử phạt sai phạm mua bán thức ăn thủy sản
Ảnh minh họa

Cụ thể như sau: Bổ sung hành vi vi phạm mới về không báo cáo hoặc không thông báo hoạt động sản xuất, nhập khẩu (Khoản ii Mục 2). Mở rộng phạm vi xử phạt đối với hành vi sản xuất, mua bán, nhập khẩu sản phẩm có thành phần không thuộc danh mục được phép (Khoản iv Mục 2), thay vì chỉ xử phạt hành vi sản xuất, nhập khẩu như quy định cũ. Bổ sung quy định xử phạt đối với hành vi sản xuất, mua bán, nhập khẩu sản phẩm có chứa thành phần thuộc danh mục cấm sử dụng (Khoản v Mục 2). Bổ sung hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động sản xuất, mua bán từ 01 - 03 tháng đối với một số hành vi vi phạm nghiêm trọng (Khoản vi Mục 2). Quy định cụ thể hơn về biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi vi phạm (Khoản vii Mục 2), thay vì chỉ quy định chung như Nghị định 42/2019/NĐ-CP.

Quy định cụ thể về xử phạt vi phạm kể từ ngày 20/5/2024:

Một là, Phạt tiền đối với hành vi không ghi, lưu giữ hồ sơ sản xuất theo quy trình kiểm soát chất lượng sản phẩm, an toàn sinh học theo các mức phạt sau: Phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng đối với trường hợp vi phạm dưới 05 sản phẩm. Phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 7 triệu đồng đối với trường hợp vi phạm từ 05 sản phẩm đến dưới 10 sản phẩm. Phạt tiền từ 7 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với trường hợp vi phạm từ 10 sản phẩm đến dưới 15 sản phẩm. Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng đối với trường hợp vi phạm từ 15 sản phẩm trở lên.

Hai là, Phạt tiền đối với hành vi không báo cáo hoặc không thông báo hoạt động sản xuất, nhập khẩu theo quy định theo các mức phạt sau: Phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng đối với hành vi không báo cáo tình hình sản xuất, nhập khẩu theo quy định. Phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với hành vi không thông báo theo quy định khi sản xuất, nhập khẩu sản phẩm do cơ sở khác công bố.

Ba là, Phạt tiền đối với hành vi sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc, xuất xứ để sản xuất thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản theo các mức phạt sau: Phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với trường hợp vi phạm dưới 03 sản phẩm. Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng đối với trường hợp vi phạm từ 03 sản phẩm đến dưới 05 sản phẩm. Phạt tiền từ 15 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với trường hợp vi phạm từ 05 sản phẩm đến dưới 10 sản phẩm. Phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với trường hợp vi phạm từ 10 sản phẩm trở lên.

Bốn là, Phạt tiền từ 40 triệu đồng đến 50 triệu đồng đối với hành vi sản xuất, mua bán, nhập khẩu mỗi sản phẩm thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản có thành phần không thuộc Danh mục hóa chất, chế phẩm sinh học, vi sinh vật, nguyên liệu sản xuất thức ăn được phép sử dụng trong nuôi trồng thủy sản tại Việt Nam chưa được cấp phép theo quy định mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Năm là, Phạt tiền đối với hành vi sản xuất, mua bán, nhập khẩu mỗi sản phẩm thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản thức ăn thủy sản có chứa thành phần thuộc Danh mục hóa chất, chế phẩm sinh học, vi sinh vật cấm sử dụng mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự theo các mức phạt sau: Phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng đối với hành vi mua bán; Phạt tiền từ 40 triệu đồng đến 50 triệu đồng đối với hành vi sản xuất, nhập khẩu.

Trong một số trường hợp sẽ áp dụng hình thức xử phạt bổ sung: Đình chỉ hoạt động sản xuất, mua bán thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản.

Về biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc tiêu hủy thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản đối với hành vi vi phạm về sản xuất, mua bán. Buộc tái xuất thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản (trường hợp không thể tái xuất thì buộc tiêu hủy thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản) đối với hành vi vi phạm về nhập khẩu.

Lưu ý về mức phạt tiền đối với tổ chức: Căn cứ khoản 2 Điều 5 Nghị định 38/2024/NĐ-CP, mức phạt tiền quy định tại Chương II Nghị định 38/2024/NĐ-CP được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân, trường hợp tổ chức có hành vi vi phạm như của cá nhân thì mức phạt tiền bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Ngọc Thúy – FICen

Ý kiến bạn đọc

Tin khác