Bạc Liêu: Đưa Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm đi vào hoạt động trong năm 2024 (23-02-2024)

Chiều ngày 22/2, đoàn công tác của  Bộ NN&PTNT do Thứ trưởng Bộ NN&PTNT - Phùng Đức Tiến làm trưởng đoàn đã làm việc với tỉnh Bạc Liêu về việc triển khai kế hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản (NTTS) và xây dựng vùng, cơ sở nuôi tôm công nghệ cao; vùng nuôi tôm an toàn dịch bệnh trên tôm nước lợ; kiểm tra IUU.
Bạc Liêu: Đưa Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm đi vào hoạt động trong năm 2024

Tiếp và làm việc với đoàn có các đồng chí Phạm Văn Thiều - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Huỳnh Chí Nguyện - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành tỉnh, Ban Quản lý Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu, UBND TP. Bạc Liêu, huyện Hòa Bình, các công ty, doanh nghiệp sản xuất tôm giống, nuôi tôm công nghệ cao.

Tại buổi làm việc, ông Lưu Hoàng Ly, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu cho biết, năm 2023, diện tích nuôi trồng thủy sản của tỉnh đạt trên 136 nghìn ha; trong đó, diện tích nuôi tôm đạt gần 133 nghìn ha. Sản lượng thủy sản xuất khẩu ước đạt 96.980,14 tấn, đạt 102% kế hoạch, tăng 17% so với năm trước. Giá trị kim ngạch xuất khẩu trong năm ước đạt 1,03 tỷ USD, đạt 100% kế hoạch, tăng 17%.

Bạc Liêu là một tỉnh ven biển thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long, thủy sản được tỉnh xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh (chiếm 60% trong cơ cấu sản phẩm nông nghiệp, gần 28% trong cơ cấu của tỉnh) với tổng diện tích nuôi tôm trên 143.000ha, chiếm trên 97% diện tích nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh.

Tỉnh Bạc Liêu có 3 mặt hàng xuất khẩu chính đó là tôm, gạo và muối. Trong đó, mặt hàng xuất khẩu chủ lực là tôm – chiếm trên 95% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Mục tiêu của tỉnh phấn đấu đến năm 2025 xuất khẩu tôm đạt 1,3 tỷ USD và đến năm 2030 đạt 1,7 tỷ USD.

Trong năm 2023, Ngành tôm Bạc Liêu đã phát huy vai trò nòng cốt trong việc góp phần cho toàn Ngành Nông nghiệp đạt mức tăng trưởng 4,89%, đưa tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh đạt 7,24% đứng thứ 5/13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL. Tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản 388.740 tấn, trong đó tổng sản lượng tôm nuôi đạt 247.143 tấn, chiếm 21,8% trên tổng sản lượng tôm nuôi của cả nước. Sản lượng thủy sản xuất khẩu đạt 96.980,14 tấn, bằng 102% kế hoạch, tăng 17% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu đạt 1 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ (Trong đó: Tôm đông lạnh xuất khẩu 93.612,85 tấn, đạt 973,62 triệu USD, tăng 101% kế hoạch, tăng 17% so với cùng kỳ).

Hướng đến tạo thương hiệu “Tôm sạch Bạc Liêu”

Bạc Liêu cũng là tỉnh đi đầu trong việc nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao và đến nay mô hình nuôi này đã phát triển mạnh cả về qui mô và công nghệ nuôi. Hiện nay, toàn tỉnh có 25 tổ chức và 832 cá nhân đầu tư nuôi tôm siêu thâm canh, trong năm 2023 diện tích thả nuôi 6.624ha, tăng 43,8% so với năm 2022 (tăng 2,9 lần so với năm 2020). Đây là mô hình nuôi được xác định là điểm nhấn và có vai trò dẫn dắt đối với sự phát triển của ngành tôm của tỉnh.

Với mục tiêu xây dựng Bạc Liêu sớm trở thành “Trung tâm công nghiệp tôm của cả nước” hướng đến tạo thương hiệu “Tôm sạch Bạc Liêu” và để nâng cao, phát triển chuỗi giá trị ngành tôm Bạc Liêu trong thời gian tới, tỉnh xác định các mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao là hướng phát triển chính.

Hiện nay, tỉnh đã xây dựng được 5 vùng nuôi tôm công nghệ cao với diện tích 3.900 ha: Nhà Mát (thành phố Bạc Liêu), Vĩnh Hậu, Vĩnh Hậu A, Vĩnh Thịnh (huyện Hòa Bình), Long Điền Tây (huyện Đông Hải). Các vùng nuôi theo các mô hình siêu thâm canh, thâm canh, bán thâm canh tập trung, ứng dụng công nghệ nuôi tiết kiệm nước, nuôi an toàn sinh học, giảm thiểu tối đa các tiêu cực từ việc xả thải, gây ô nhiễm môi trường và lây lan dịch bệnh.

Tỉnh đã và đang triển khai xây dựng Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu đến nay đang xây dựng cơ sở hạ tầng giai đoạn 2 dự kiến bàn giao đưa vào sử dụng giữa năm 2024; xây dựng khu nuôi an toàn sinh học theo chuẩn của Tổ chức Thú y thế giới, hoàn thành các điều kiện, thủ tục để sớm được chứng nhận, xuất khẩu tôm nguyên con sang Úc và các thị trường khác. Bên cạnh đó, trong năm 2023 Nhà máy Chế biến Thủy sản Việt Úc đã đi vào hoạt động (đây là mô hình đầu tiên trong cả nước ứng dụng công nghệ tự động, thực hiện quy trình khép kín từ khâu sản xuất con giống, nuôi và chế biến xuất khẩu) sẽ giúp cho tình hình xuất khẩu tôm của Bạc Liêu có nhiều khởi sắc hơn.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 45 nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu, với dây chuyền thiết bị hiện đại và công suất chế biến thiết kế khoảng 294.000 tấn/năm. Các sản phẩm tôm đã được chế biến đạt tiêu chuẩn và thâm nhập vào các thị trường khó tính như: Mỹ, Nhật Bản, EU, Trung Quốc, Hàn Quốc và nhiều thị trường khác trên thế giới.

Năm 2023, trên địa bàn tỉnh có 20 cơ sở sản xuất giống và 7 cơ sở nuôi tôm thương phẩm đăng ký xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh. Theo đó, giám sát dịch bệnh thủy sản được thực hiện hàng năm.

Tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu - Phạm Văn Thiều đã có các kiến nghị, đề xuất đến đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp về tăng cường nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng phục vụ phát triển ngành tôm cho tỉnh như về điện, thủy lợi, hạ tầng giao thông..; đồng thời, sớm triển khai dự án Hệ thống công trình điều tiết, bổ sung nước phục vụ vùng nuôi trồng thủy sản vùng phía Nam Quốc lộ 1A và liên vùng…

Phát biểu kết thúc hội nghị, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đánh giá rất cao việc phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Bạc Liêu trong năm 2023 vừa qua. Tỉnh Bạc Liêu đã hoàn thành đạt và vượt 18/21 chỉ tiêu kế hoạch năm 2023. Tăng trưởng đạt mức 7,24%, đứng thứ 5 trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long và thứ 24 cả nước. Kim ngạch xuất khẩu cán mốc 1 tỷ USD. Kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội ngày càng đồng bộ; góp phần rất lớn trong việc thúc đẩy giao thương và thu hút nhà đầu tư đến với tỉnh.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng: Để trở thành thủ phủ ngành tôm của cả nước, Bạc Liêu cần quan tâm vấn đề tôm giống, kiểm soát vận chuyển tôm giống nhằm nâng cao chất lượng tôm giống; kêu gọi đầu tư nhà máy thức ăn tôm, chế phẩm sinh học trong tôm nuôi để hướng đến nuôi tôm theo mô hình kinh tế tuần hoàn, khép kín. Bên cạnh đó, quan tâm vấn đề chế biến thủy sản, xây dựng thương hiệu tôm Bạc Liêu nói riêng, thương hiệu tôm Việt Nam nói chung. Một vấn đề quan trọng nữa là nguồn thủy sản của Bạc Liêu rất lớn, vì vậy tỉnh cần phải triển khai nuôi biển.

Thứ trưởng nhấn mạnh, trong thời gian tới, Bạc Liêu phải nỗ lực mạnh mẽ hơn nữa, khắc phục những khó khăn, vướng mắc để hướng đến trở thành tỉnh thủ phủ ngành tôm của vùng và của cả nước. Theo đó, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất nông thủy sản nhằm tăng năng suất, chất lượng để xây dựng thương hiệu cho từng mặt hàng. Đặc biệt là xây dựng và thực hiện tốt các chương trình giám sát dịch bệnh, vùng giám sát dịch bệnh trên địa bàn tỉnh.

Văn Thọ

Ý kiến bạn đọc

Tin khác