Việt Nam: Sử dụng bền vững tài nguyên biển, phát triển kinh tế biển xanh (10-04-2023)

Ngày 03 tháng 4 năm 2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 48/NQ-CP nhằm định hướng sử dụng bền vững tài nguyên biển, bảo vệ môi trường, đảm bảo phát triển kinh tế biển xanh, đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển.
Việt Nam: Sử dụng bền vững tài nguyên biển, phát triển kinh tế biển xanh

Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ ưu tiên phát triển các lĩnh vực/ngành kinh tế biển chủ lực (trong đó có ngành Thủy sản). Theo Nghị quyết 48/NQ-CP, tài nguyên, môi trường biển đảo là nền tảng và nguồn lực quan trọng để phát triển đất nước, phải được khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển đảo dựa trên cơ sở kết quả điều tra cơ bản, khoa học công nghệ hiện đại, nguồn lực chất lượng cao và những tri thức tích lũy được từ cuộc sống của cộng đồng dân cư ven biển, đảm bảo phát triển kinh tế biển xanh.

Khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển đảo là quyền lợi, trách nhiệm của mọi cá nhân, tổ chức tham gia các hoạt động trên biển, tăng cường đối ngoại, hợp tác quốc tế về biển, góp phần duy trì môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển nhằm đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển.

Ưu tiên phát triển các ngành kinh tế biển chủ lực

Phấn đấu đến năm 2030, tài nguyên biển và hải đảo được khai thác hợp lý, sử dụng hiệu quả, công bằng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm an ninh, đối ngoại và hợp tác quốc tế; ô nhiễm môi trường biển được ngăn ngừa, kiểm soát, giảm thiểu đáng kể; đa dạng sinh học biển, ven biển và hải đảo được bảo vệ, duy trì và phục hồi; tác động của thiên tai được hạn chế xuống mức thấp nhất, chủ động ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Cụ thể, Việt Nam sẽ khai thác hợp lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên biển; phát triển nhanh và bền vững các ngành kinh tế biển (nhất là các lĩnh vực kinh tế biển chủ lực) theo thứ tự ưu tiên sau: (1) Du lịch và dịch vụ biển; (2) Kinh tế hàng hải; (3) Khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản biển khác; (4) Nuôi trồng và khai thác hải sản; (5) Công nghiệp ven biển; (6) Năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới; nâng cao đời sống và sinh kế cộng đồng.

Cùng với đó, kiểm soát, ngăn ngừa, giảm thiểu ô nhiễm môi trường biển; kiểm soát và quản lý hiệu quả các vấn đề về ô nhiễm xuyên biên giới, sự cố môi trường biển, ô nhiễm rác thải nhựa đại dương. Đến năm 2030, 100% khu kinh tế, khu công nghiệp và khu đô thị ven biển được quy hoạch, xây dựng theo hướng bền vững, sinh thái, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

Tăng diện tích bảo tồn biển đạt tối thiểu 6% diện tích vùng biển quốc gia

Bảo tồn đa dạng sinh học và nguồn lợi biển và hải đảo; điều tra, khảo sát, đánh giá đề xuất thành lập các khu bảo tồn mới (trên các vùng biển, ven biển và hải đảo); tăng cường công tác bảo tồn đa dạng sinh học ngoài khu bảo tồn; phục hồi các hệ sinh thái biển và ven biển. Đến năm 2030, tăng diện tích các khu bảo tồn biển, ven biển đạt tối thiểu 6% diện tích tự nhiên vùng biển quốc gia, 80% các khu vực biển có đa dạng sinh học cao, dịch vụ hệ sinh thái quan trọng được áp dụng chính sách bảo tồn hiệu quả, diện tích rừng ngập mặn ven biển được phục hồi (tối thiểu bằng mức năm 2000).

Đẩy mạnh điều tra, đánh giá và xác định mức độ dễ bị tổn thương, tính nguy cấp của các loài sinh vật biển đặc hữu, có giá trị khoa học và kinh tế để đưa ra các phương án, giải pháp bảo vệ, bảo tồn và phục hồi. Thiết lập, mở rộng và tăng cường năng lực quản lý các khu vực tập trung sinh sản, khu vực thủy sản còn non sinh sống và đường di cư của các loài thủy sản. Đến năm 2030, 100% các khu vực bảo vệ nguồn lợi thủy sản được xác định và quản lý hiệu quả. Ngăn ngừa, kiểm soát chặt chẽ và phòng trừ có hiệu quả các loài sinh vật ngoại lai xâm hại; kiểm soát chặt chẽ sự du nhập các giống, loài thủy sản ngoại lai và sự du nhập sinh vật ngoại lai qua hoạt động vận tải biển.

Điều tra cơ bản, đáp ứng yêu cầu của hoạt động khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học biển và hải đảo, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa biển, phòng, chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu và nước biển dâng góp phần phát triển bền vững kinh tế biển. Đánh giá tiềm năng, giá trị các tài nguyên biển quan trọng.

Phân vùng sử dụng không gian biển

Ưu tiên bố trí không gian biển cho các hoạt động sau: Phát triển hệ thống cảng biển xanh; Phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển, khai thác thủy sản xa bờ, bảo tồn nguồn lợi thủy sản nhằm mục tiêu tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất thủy sản đạt 3-4%/năm; tổng sản lượng thủy sản sản xuất trong nước đạt 9,8 triệu tấn; trong đó sản lượng nuôi trồng thủy sản 7,0 triệu tấn, sản lượng khai thác thủy sản 2,8 triệu tấn; Phát triển năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới thân thiện môi trường; Hoàn thiện, nâng cao chất lượng hệ thống cảng các, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá, bảo đảm đủ công suất cho tàu cá thực hiện cập cảng, neo đậu.

Tăng cường áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định quốc tế về phát triển bền vững của các ngành kinh tế biển, bao gồm nội luật hóa và thực thi có hiệu quả các công ước, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, ngăn chặn hiệu quả khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo, không theo quy định (IUU). Thúc đẩy hoạt động đồng quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, chia sẻ trách nhiệm và quyền hưởng lợi trong khai thác, sử dụng tài nguyên biển; đào tạo, hỗ trợ chuyển đổi nghề, đa dạng hóa sinh kế cho cộng đồng ngư dân.

Ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, nước biển dâng

Tăng cường năng lực giám sát biến đổi khí hậu, dự báo, cảnh báo, hệ thống truyền tin cảnh báo sớm rủi ro trên biển và vùng ven biển để chủ động ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu; định kỳ cập nhật kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Đến năm 2030, hệ thống dự báo, cảnh báo thiên tai, tác động của biến đổi khí hậu được hiện đại hóa và được kết nối thông suốt. Phát triển mô hình cộng đồng ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu.

Ưu tiên thực hiện các dự án điều tra phát hiện tài nguyên mới; các dự án phục vụ cho các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên biển; bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, hệ sinh thái và nguồn lợi từ biển; các dự án điều tra có tính chu kỳ đối với các loại tài nguyên, môi trường có sự biến động mạnh như: tài nguyên sinh vật, nguồn lợi hải sản...

Nghiên cứu, chuyển giao, áp dụng các công nghệ tiên tiến, hiện đại, thân thiện môi trường trong khai thác, sử dụng tài nguyên, các công nghệ chế biến sâu làm tăng giá trị gia tăng của các sản phẩm khai thác, các công nghệ phục vụ phát triển các ngành kinh tế biển mới. Đặc biệt đẩy mạnh việc xây dựng và tổ chức thực hiện các dự án hợp tác quốc tế song phương, đa phương về lĩnh vực biển đảo.

Tuyên truyền, phổ biến kiến thức cho cộng đồng dân cư ven biển, trên các đảo về biến đổi khí hậu và kỹ năng thích nghi để sống chung với biến đổi khí hậu. Vận động ngư dân không sử dụng các biện pháp có tính hủy diệt, thiếu bền vững trong khai thác hải sản, không khai thác hải sản trong các vùng cấm, không đánh bắt các loài thủy sinh thuộc danh mục cấm khai thác và có trách nhiệm bảo vệ các loài thủy sinh thuộc danh mục ưu tiên bảo vệ.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được giao chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương có liên quan xây dựng, triển khai các chương trình, đề án, giải pháp thúc đẩy hoạt động thủy sản; nuôi trồng thủy sản trên biển, khai thác thủy sản bền vững; các công nghệ chế biến sâu sản phẩm thủy sản; bảo tồn biển, phục hồi, bảo vệ và phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản, hệ sinh thái biển, ven biển, ven đảo, đóng góp vào phát triển kinh tế biển Việt Nam.

Ngọc Thúy - FICen

Ý kiến bạn đọc

Tin khác