Tiềm năng phát triển nghề nuôi nghêu nước sâu tại Việt Nam (17-03-2023)

Đây là nội dung rất được quan tâm tại “Lễ trao chứng nhận và ký liên kết chuỗi giá trị nghêu theo chứng nhận ASC” vừa được tổ chức tại tỉnh Trà Vinh.
Tiềm năng phát triển nghề nuôi nghêu nước sâu tại Việt Nam

Theo thống kê, Việt Nam có lợi thế đường bờ biển dài trên 3.260 km với nhiều bãi cát và vùng sinh cảnh thuận lợi cho nghêu phát triển, trở thành một trong những sản phẩm chiến lược quốc gia. Về xuất khẩu, Việt Nam hiện xuất khẩu nhuyễn thể hai mảnh vỏ đến 56 thị trường; Trong đó, 6 thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam là EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN và Trung Quốc.

Ông Đinh Xuân Lập – Phó Giám đốc Trung tâm Hợp tác quốc tế nuôi trồng và khai thác thuỷ sản bền vững (ICAFIS) cho biết, tại Việt Nam, đối tượng nghêu đã được phát triển từ lâu nhưng chủ yếu tập trung khai thác các bãi bán nhật triều (vì tiện theo dõi và thu hoạch). Tuy nhiên, hiện nay trên thế giới thì loại hình nuôi nghêu nước sâu được phát triển mạnh. Theo Tiến sỹ Lê Thanh Lựu (Giám đốc ICAFIS) “với công nghệ cơ giới hiện đại, thuận tiện cho việc thu hoạch và theo dõi thì NUÔI NGHÊU NƯỚC SÂU sẽ mở ra diện tích nuôi lớn cho nghề nuôi nghêu ở Việt Nam”.

Trong khuôn khổ Dự án “Phát triển bền vững và toàn diện chuỗi giá trị Nghêu tại Việt Nam – SCBV”, Trung tâm ICAFIS đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh thực hiện mô hình nuôi nghêu nước sâu; bước đầu tiến hành thử nghiệm tại Hợp tác xã nghêu Thành Đạt, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh, đã chứng minh nuôi nghêu nước sâu đem lại hiệu quả cao, nghêu tăng trưởng và phát triển tốt. ICAFIS muốn lan tỏa và giới thiệu kết quả thực hiện mô hình này tới nhiều người nuôi nghêu ở Việt Nam. Khảo sát sơ bộ của ICAFIS tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long cho thấy khu vực này có thể mở rộng diện tích nuôi nghêu “mô hình nước sâu” khoảng 35.000 ha.

Khả năng cạnh tranh của Nghêu Việt

Nói về khả năng cạnh tranh của Nghêu Việt, Trung tâm ICAFIS nhận định: Nghêu Việt Nam (nhất là dòng nghêu trắng Meretrix Lyrata) có sức cạnh tranh lớn trên thị trường thế giới vì chúng ta đã phát triển nuôi được ở hầu hết các tỉnh ven biển. Nghêu trắng Việt Nam có thể chế biến đa dạng sản phẩm hơn các dòng nghêu khác trên thế giới. Từ năm 2009, nghêu Bến Tre đạt được chứng nhận MSC đã giúp định vị sản phẩm Nghêu Việt giá trị cao trên trường quốc tế. Hơn nữa, Việt Nam cũng đang ngày càng nâng cao công nghệ sản xuất. Và mô hình nuôi nghêu nước sâu sẽ tạo cơ hội lớn để Việt Nam mở rộng diện tích, gia tăng sản lượng.

Từ năm 2020 đến nay, các vùng nuôi nghêu của Việt Nam (tại các tỉnh Nam Định, Ninh Bình, Trà Vinh) lần lượt chiếm các vị trí số 1 - 2 - 3 trên thế giới đạt được chứng nhận quốc tế ASC cho sản phẩm nghêu. Đây là xác nhận cấp quốc tế đối với thủy sản được nuôi có trách nhiệm, giảm thiểu tác động xấu đến môi trường, hệ sinh thái, cộng đồng dân cư và đảm bảo tốt các quy định về lao động. Chứng nhận ASC sẽ mở ra nhiều cơ hội lớn cho các hợp tác xã và các hộ nuôi nghêu, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế; đặc biệt là giúp mở rộng thị trường, thu hút được nhiều doanh nghiệp mua hàng, từ đó, người nuôi nghêu có thể chủ động đầu ra và nâng cao giá trị sản phẩm.

Nghêu là loài ăn lọc, là đối tượng nuôi rất nhạy cảm với môi trường, trong khi đó, môi trường lại biến đổi khó lường trước những biến đổi khí hậu. Hạn hán và độ mặn tăng cao sẽ làm nghêu thương phẩm chết hàng loạt (ở nhiều tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long có nơi thiệt hại đến 60-90%). Sáng kiến nuôi nghêu nước sâu tại Trà Vinh đã cho kết quả tốt. Cụ thể là, nghêu được thả vào bãi có nước sâu từ 0,5 – 1 m nên tránh được tình trạng nhiệt độ thay đổi đột ngột, mặt khác, nghêu dễ dàng thích ứng với sự thay đổi về độ mặn. Đầu tiên, người nuôi nghêu chọn bãi nước sâu thích hợp và chọn thời điểm thích hợp để thả giống. Đồng thời, chọn nghêu giống cỡ 300-500 con/kg, thả với mật độ 150-200 con/m2. Sau đó, theo dõi, chăm sóc khoảng 8 tháng là thu hoạch.

Để phát triển ngành hàng nghêu trắng ở Trà Vinh theo hướng lâu dài, tỉnh đã chuyển giao kỹ thuật sản xuất nghêu giống nhân tạo và ương giống cho hợp tác xã. Bên cạnh đó, tăng cường công tác quan trắc, cảnh báo môi trường nhằm xác định các vùng nuôi an toàn. Cùng với đó, tỉnh đã cải tiến hoạt động xúc tiến thương mại, nghiên cứu thị trường và hệ thống cung cấp thông tin thị trường. Các ban ngành thủy sản đã hỗ trợ tích cực thông tin thị trường (bao gồm giá cả, sản lượng và nhu cầu tiêu thụ sản phẩm) thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng. Đồng thời, tăng cường liên kết để các hợp tác xã và các hộ nuôi nghêu có nguồn cung cấp giống và tiêu thụ ổn định.

Ngọc Thúy – FICen

Ý kiến bạn đọc

Tin khác