Dự án Cải thiện Nghề khai thác cá ngừ vây vàng góp phần xây dựng tương lai bền vững cho nghề cá Việt Nam (01-12-2022)

Dự án Cải thiện Nghề khai thác cá ngừ vây vàng tại Việt Nam (FIP) đã đạt được nhiều tiến độ tích cực trong 12 tháng qua, đáng chú ý bao gồm kế hoạch cải thiện nghề cá cụ thể từ Tổng cục Thủy sản, thể hiện rõ sự cam kết cho nghề cá của Chính phủ Việt Nam. Dựa trên tiến độ này, Dự án FIP đặt mục tiêu bắt đầu quá trình đánh giá toàn diện theo tiêu chuẩn chứng nhận sinh thái của Hội đồng Quản lý Hàng hải (MSC) vào năm 2023.
Dự án Cải thiện Nghề khai thác cá ngừ vây vàng góp phần xây dựng tương lai bền vững cho nghề cá Việt Nam

Xây dựng từ kinh nghiệm của các dự án nâng cao kỹ năng bảo vệ động vật quý hiếm trong khai thác hải sản trước đây, Dự án FIP được Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam), Hiệp hội Cá ngừ Việt Nam (VinaTuna) và đối tác doanh nghiệp khởi động vào năm 2014. Có 10 doanh nghiệp nhập khẩu thủy sản quốc tế đóng góp cho Dự án FIP, bao gồm các công ty Sea Delight, Anova Food, Beaver Street, Binca, Coral Sea Fishing, Hilo Fish, Norpac, Seattle Fish, Western United Fish, Arista Industries, Northern Wind; và 26 doanh nghiệp chế biến cá ngừ địa phương trực tiếp tham gia các hoạt động thực tiễn của Dự án FIP. Dự án tập trung tại 03 ngư trường khai thác cá ngừ vây vàng quan trọng của cả nước: Khánh Hòa, Phú Yên và Bình Định. Tổng sản lượng cá ngừ của đội tàu tham gia dự án FIP ước tính 4.000 tấn/năm.

Trong hành trình tiến đến chứng nhận MSC, Dự án FIP đã đẩy mạnh nhiều mục tiêu về quản lý cá ngừ: giảm thiểu đánh bắt không chủ đích các loài quý hiếm nhưr ùa biển và cá mập, hỗ trợ xây dựng các quy định quản lý khai thác và điểm tham chiếu giới hạn (phối hợp với Dự án quản lý nghề cá ngừ trong vùng biển Tây Thái Bình Dương và Đông Á-WPEA), cải thiện khả năng truy xuất nguồn gốc, bao gồm thí điểm truy xuất nguồn gốc điện tử v.v. Các mục tiêu này được đẩy mạnh nhằm thỏa mãn 03 Nguyên tắc chính và 28 chỉ số cụ thể của MSC quay quanh các yêu cầu về Trữ lượng bền vững, Hệ sinh thái không bị tác động, và Khung quản lý hiệu quả cho nghề cá.

Sau thời gian cùng đội tàu câu tay triển khai ngoài khơi, Dự án FIP nhận thấy nền tảng đã vững chắc để bắt đầu quá trình đánh giá toàn diện theo MSC. Tuy vẫn còn nhiều khía cạnh cần cải thiện nhằm đảm bảo các chỉ số MSC vượt mức "Thỏa mãn nhưng có điều kiện," tình hình của nghề câu cá ngừ vây vàng nhìn chung khá khả quan. Phản ánh tiến độ này, trang FisheryProgress.org (kênh dữ liệu trực tuyến giúp các doanh nghiệp nhập khẩu thủy sản ưu tiên lựa chọn sản phẩm từ nghề cá thực hiện FIP hoặc có chứng nhận MSC) đã nâng số điểm cho Dự án FIP từ cấp “C” lên cấp “A” (Tiến bộ Cao cấp.)

Sau một loạt các cuộc tham vấn với các Bên tham gia FIP trong và ngoài nước cũng như các đối tác trong chuỗi cung ứng, Dự án FIP sẽ trao đổi với một số Cơ quan có thẩm quyền đánh giá MSC (gọi tắt là CAB) để bắt đầu đánh giá toàn diện MSC từ 2023. VinaTuna được đề xuất là Nhóm Khách hàng (đại diện cho nhóm bao gồm các công ty trong nước và quốc tế) cho chứng nhận MSC.

Tổng cục Thủy sản Việt Nam tiếp tục là đối tác đồng hành cốt yếu của Dự án FIP. Tổng cục Thủy sản đã công nhận các đề xuất của Dự án FIP là một trong nhiều bước cần thực hiện nhằm liên tục cải thiện hoạt động khai thác cá ngừ, đóng góp vào ưu tiên đảm bảo một tương lai bền vững cho nghề cá Việt Nam. Thực hiện vai trò của mình trong khu vực, Tổng cục Thủy sản sẽ tiếp tục tham gia vào các nỗ lực của tổ chức quản lý nghề cá trong khu vực: Ủy ban Nghề cá Tây và Trung Thái Bình Dương (WCPFC), để cùng đạt thỏa thuận về các biện pháp quản lý cần có đối với các loài cá ngừ, giải quyết các mối đe dọa đến nguồn tài nguyên thiên nhiên trong khu vực.

Trong lúc tiến hành đánh giá MSC, Dự án FIP sẽ tiếp tục triển khai các cải thiện thực tế trên mặt nước. Mở rộng Chương trình giám sát dựa vào thuyền viên (COPPA) – thuyền viên thu thập dữ liệu ngay trên boong tàu về các loài động vật biển quý hiểm do VinaTuna và công ty Sea Delight phối hợp phát triển – vẫn là một ưu tiên. Ngoài ra, các chuyên gia tư vấn từ Dự án FIP tiếp tục cung cấp thông tin kỹ thuật hỗ trợ Tổng cục Thủy sản xây dựng Chiến lược khai thác cá ngừ quốc gia và Kế hoạch quản lý cá ngừ sửa đổi, trong phạm vi dự án WPEA với sự hỗ trợ của WCPFC.

Tất cả các nỗ lực trên sẽ giúp nghề câu cá ngừ vây vàng Việt Nam thỏa mãn tiêu chuẩn quốc tế, nâng cao giá trị sản phẩm và lợi ích kinh tế cho ngư dân, hỗ trợ xây dựng một tương lai bền vững cho nguồn lợi thủy sản tự nhiên quốc gia.

Vương Trọng Bình

Ý kiến bạn đọc

Tin khác