Kiên Giang: Định hướng phát triển ngành hàng Tôm - 2022 (10-03-2022)

Năm 2021, nhiều biến động bất lợi liên quan đến dịch bệnh Covid-19 gây ảnh hưởng lớn tới ngành hàng tôm. Tuy nhiên, ngành tôm Kiên Giang đã khắc phục mọi khó khăn, đạt được kết quả đáng khích lệ. Bước sang năm 2022, ngành tôm Kiên Giang tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được.
Kiên Giang: Định hướng phát triển ngành hàng Tôm - 2022
Ảnh minh họa

Kết quả năm 2021: Diện tích thả nuôi tôm nước lợ 137.415 ha, đạt 101,04% kế hoạch, tăng 2,37% so với cùng kỳ; sản lượng 104.694 tấn, đạt 106,83% kế hoạch, tăng 13,19% so với cùng kỳ. Trong đó: Tôm công nghiệp – bán công nghiệp diện tích 3.856 ha, đạt 96,4% kế hoạch, tăng 4,64% so với cùng kỳ; sản lượng 36.378 tấn, đạt 103,94% kế hoạch, tăng 17,35% so với cùng kỳ. Tôm-lúa diện tích thả nuôi 104.320 ha, đạt 99,83% kế hoạch, tăng 1,79% so với cùng kỳ; sản lượng 54.961 tấn, đạt 105,69% kế hoạch, tăng 8,62% so với cùng kỳ. Tôm quảng canh cải tiến diện tích 29.329 ha, đạt 108,29% kế hoạch, tăng 4,19% so với cùng kỳ; sản lượng 13.355 tấn, đạt 121,41% kế hoạch, tăng 22,64% so với cùng kỳ. Toàn tỉnh có 10 doanh nghiệp nuôi tôm công nghiệp, tổng diện tích thả nuôi 593 ha, đạt 89,3% kế hoạch; sản lượng thu hoạch 9.952 tấn, đạt 75,2% kế hoạch.

Tình hình nuôi tôm nước lợ 2021 cơ bản ổn định, kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi, mức thiệt hại thấp hơn so với cùng kỳ, phần lớn diện tích thả nuôi tôm đều đạt năng suất theo kế hoạch đề ra. Bên cạnh các kết quả đạt được, nuôi tôm nước lợ cũng đối mặt với nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 như chuỗi cung ứng sản xuất bị gián đoạn, giá cước vận chuyển và giá cả vật tư đầu vào tăng cao, giá tôm nguyên liệu có thời điểm giảm mạnh làm ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả sản xuất. Mặt khác, công tác quản lý chất lượng, giá cả vật tư đầu vào còn nhiều hạn chế; giống tôm nước lợ sản xuất tại chỗ cung cấp phục vụ người nuôi chưa đáp ứng yêu cầu; chưa hình thành chuỗi liên kết trong sản xuất nuôi tôm nước lợ; công tác dự báo tình hình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chưa chặt chẽ. Ngoài ra, việc áp dụng, chứng nhận các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, ASC,... còn chậm; công tác cấp giấy xác nhận đối tượng thủy sản nuôi chủ lực còn nhiều vướng mắc, chậm tiến độ. 

Phấn đấu thực hiện hiệu quả nhiệm vụ 2022

Năm 2022, ngành Nông nghiệp tỉnh Kiên Giang đã tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế của năm 2021, xây dựng kế hoạch phát triển nuôi tôm nước lợ với tổng diện tích 140.630 ha, sản lượng 108.500 tấn. Trong đó, diện tích nuôi tôm Tôm công nghiệp – bán công nghiệp 4.200 ha, sản lượng 39.250 tấn; diện tích nuôi tôm-lúa 107.600 ha, sản lượng 58.000 tấn; diện tích nuôi tôm quảng canh cải tiến 28.830 ha, sản lượng 11.250 tấn. Dự kiến năm 2022, tình hình dịch bệnh Covid-19 từng bước được kiểm soát, các hoạt động sản xuất nuôi trồng thủy sản trở lại trạng thái bình thường mới, giá tôm nguyên liệu tăng, chuỗi cung ứng sản xuất thủy sản được phục hồi, thị trường tiêu thụ ổn định. Vì vậy, để phấn đấu đạt các chỉ tiêu đề ra, Sở Nông ngiệp và PTNT tỉnh Kiên Giang cũng đã đưa ra một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Cụ thể như sau:

Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về cơ cấu mùa vụ, lịch thời vụ sản xuất, hướng dẫn quy trình sản xuất, thu hoạch, phòng chống và khắc phục dịch bệnh trên tôm nuôi. Tập trung tháo gỡ, giải quyết những khó khăn vướng mắc trong nuôi tôm nước lợ; đẩy mạnh phát triển nuôi tôm công nghiệp, xử lý hiệu quả vấn đề môi trường, dịch bệnh và tình trạng thiếu nhân công lao động ở các doanh nghiệp khi hoạt động sản xuất bình trường trở lại. Thực hiện tốt công tác dự báo tình hình sản xuất và kết nối tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn tỉnh.

Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong nuôi tôm công nghiệp, khuyến khích áp dụng tiêu chuẩn VietGAP và các tiêu chuẩn quốc tế (GlobalGAP, BAP, ASC,...) theo yêu cầu của thị trường; đẩy nhanh tiến độ cấp giấy xác nhận đối tượng thủy sản nuôi chủ lực, truy xuất nguồn gốc sản phẩm nuôi, vùng nuôi. Đầu tư hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng phục vụ phát triển nuôi tôm nước lợ thích ứng với biến đổi khí hậu và an toàn dịch bệnh. Triển khai có hiệu quả các chính sách phát triển nuôi trồng thủy sản, nhất là chính sách phát triển thủy sản ứng dụng công nghệ cao. Đặc biệt, đẩy mạnh phát triển hình thức sản xuất theo chuỗi liên kết từ sản phẩm vật tư đầu vào đến nuôi trồng, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Ngọc Thúy (theo Sở NN&PTNT Kiên Giang)

Ý kiến bạn đọc

Tin khác