Bảo vệ và khai thác thủy sản hiệu quả, bền vững, phù hợp với yêu cầu hội nhập quốc tế (23-02-2022)

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”.
Bảo vệ và khai thác thủy sản hiệu quả, bền vững, phù hợp với yêu cầu hội nhập quốc tế
Ảnh minh họa

Theo báo cáo của Bộ, sau 10 năm thực hiện “Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2020” (Quyết định 1690/QĐ-TTg ngày 16/9/2010) và 7 năm thực hiện “Quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản đến năm 2020, tầm nhìn 2030” (Quyết định 1445/QĐ-TTg ngày 16/8/2013), đến năm 2020, ngành Thủy sản đã đạt được những thành tựu vượt bậc: Tổng sản lượng thủy sản đạt 8,4 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 8,38 tỷ USD; tổng số tàu cá giảm xuống còn 94.572 chiếc. Kết quả đó đã góp phần bảo đảm an ninh lương thực, bảo vệ chủ quyền biển đảo và giải quyết việc làm cho khoảng 800.000 lao động trực tiếp trên biển và gần 4 triệu lao động dịch vụ hậu cần. Đời sống vật chất tinh thần của cộng đồng ngư dân được nâng cao góp phần quan trọng trong xóa đói giảm nghèo, an ninh dinh dưỡng và phát triển kinh tế.

Bên cạnh những thành tựu đạt được, bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản đang phải đối mặt với nhiều thách thức: Khai thác thuỷ sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU); sự suy giảm nguồn lợi thủy sản cả ở vùng biển và nội địa do tình trạng lạm thác (khai thác quá mức cho phép); cơ cấu nghề khai thác chưa phù hợp; số lượng tàu khai thác thủy sản lớn, đặc biệt tàu khai thác ở vùng biển ven bờ với ngư cụ gây hủy diệt nguồn lợi, khai thác không theo mùa vụ, tổn thất sau thu hoạch trong khai thác cao; trang thiết bị an toàn tàu cá chưa bảo đảm; cơ sở hạ tầng, dịch vụ hậu cần nghề cá chưa đồng bộ.

Trong giai đoạn 2010-2020, mặc dù công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đã được quan tâm thực hiện nhưng kết quả chưa đạt được mục tiêu đề ra. Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế khu vực đang đặt ra những cơ hội và thách thức mới đối với nghề cá trên biển. Phát triển thủy sản bền vững, có trách nhiệm là xu hướng tất yếu của quá trình hội nhập. Có thể thấy, ngành Thủy sản đang bước vào giai đoạn phát triển mới, trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp; tình hình an ninh, chính trị trên thế giới và trên biển Đông còn bất ổn; dịch bệnh COVID-19 toàn cầu, cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang tác động lớn đến định hướng phát triển bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản ở Việt Nam trong thời kỳ mới.

Luật Thủy sản 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật đã hình thành định hướng phát triển, tạo cơ sở pháp lý để phát triển ngành Thủy sản Việt Nam cũng như công tác bảo vệ, khai thác nguồn lợi thủy sản bền vững nói riêng, góp phần ổn định kinh tế - xã hội. Vì vậy, lập “Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” là cần thiết trong điều kiện hiện nay nhằm bảo vệ, bảo tồn, phục hồi và phát triển nguồn lợi thủy sản; khai thác thủy sản hiệu quả, bền vững, phù hợp với yêu cầu hội nhập quốc tế gắn với bảo vệ chủ quyền quốc gia và quốc phòng an ninh trên các vùng biển, hải đảo của Tổ quốc.

Thông qua các chỉ tiêu, chỉ số được xác định đối với từng thời kỳ quy hoạch, từng khu vực, từng loại hình thủy sản góp phần phát triển nghề cá bền vững trong tương lai phù hợp với sự phát triển kinh tế của đất nước, sự phát triển của các nước trong khu vực và trên thế giới. Do đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang lấy ý kiến của nhân dân đối với bản dự thảo này trên Cổng thông tin điện tử của Bộ tại địa chỉ sau: https://www.mard.gov.vn/VanBanLayYKien/Pages/lay-y-kien-du-thao-quy-hoach-bao-ve-va-khai-thac-nguon-loi-thuy-san-thoi--.aspx

Ngọc Thúy - FICen

Ý kiến bạn đọc

Tin khác