Phát triển bền vững và nâng cao chuỗi giá trị rong biển (22-02-2022)

Đó là mục tiêu trong đề xuất dự án "Chân trời Xanh: Bảo vệ Đại dương thông qua nuôi trồng rong biển bền vững” được Tổng cục Thủy sản phối hợp cùng với Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên Việt Nam (WWF) đang nghiên cứu triển khai tại Việt Nam
Phát triển bền vững và nâng cao chuỗi giá trị rong biển
Ảnh minh họa

Theo đó, từ tháng 7/2021 đến tháng 1/2022, Tổng cục Thủy sản cùng với Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên Việt Nam (WWF) đã xây dựng đề xuất dự án "Chân trời Xanh: Bảo vệ Đại dương thông qua nuôi trồng rong biển bền vững”.

Dự án dự kiến sẽ được triển khai thực hiện trong vòng 4 năm tại hai nước Philipin và Việt Nam, với mục tiêu tạo ra chuỗi giá trị rong biển bền vững mới để cung cấp các dịch vụ hệ sinh thái và mang lại các lợi ích kinh tế xã hội. Kinh phí dự kiến để thực hiện Dự án trên khoảng 6 triệu USD.

Dự án được xây dựng thành 04 hợp phần chính: (1) Nâng cao năng lực cấp vùng cho sản xuất rong biển; (2)  Tạo điều kiện môi trường để phát triển cho ngành sản xuất rong biển tại Việt Nam và Philipin;(3) Chuỗi giá trị rong biển (sản xuất + chế biến); (4) Hệ thống hóa kiến thức và Truyền thông.

Vừa qua, tại thành phố Nha Trang (Khánh Hòa), Tổng cục Thủy sản phối hợp WWF-Việt Nam tổ chức hội thảo chia sẻ và xin ý kiến góp ý về đề xuất hoàn thiện dự án “Xây dựng dự án chuỗi rong biển biển bền vững tại Việt Nam”.

Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, hiện diện tích tiềm năng trồng rong sụn cả nước khoảng 900 nghìn ha (tương đương 600 - 700 nghìn tấn rong khô/năm). Trong số hơn 800 loài rong biển, 90 loài có giá trị kinh tế. Năm 2020, diện tích trồng rong biển đạt khoảng 15.000 ha, sản lượng 135.000 tấn. Trong đó, lợi nhuận rong nho khoảng 150 triệu/ha và rong sụn khoảng 60 triệu/ha.

Theo khảo sát, tại Việt Nam có 20 loài rong biển chứa agar, trong đó có 7 loài rong biển phổ biến có giá trị kinh tế cao như: Rong nho (Caulerpa lentillifer); rong câu chỉ vàng (Gracilaria tenuistipitat); rong câu thắt (Gracilaria firma); rong câu cước (Gracilariopsis bailinae); rong sụn (Kappaphycus alvarezii); rong bắp sú (Kappaphycus striatus) và rong sụn gai (ucheuma denticulatum).

Về chế biến rong biển, hiện Việt Nam có 40% sản phẩm rong tươi chế biến thành rong trắng làm thực phẩm và bán trên cả nước. Gần đây, rong biển ở Việt Nam được sử dụng để sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng như: snack, thực phẩm chức năng, thực phẩm phụ gia, bánh kẹo… và ngày càng có nhiều doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực chế biến rong biển và tiếp thị các sản phẩm rong biển.

Với tiềm năng lợi thế rất lớn về rong biển, nếu biết tận dụng và có chiến lược phát triển sẽ mang lại nguồn thu lớn từ sản xuất chế biến các sản phẩm từ rong biển. Chính vì vậy để đạt được hiệu quả cao từ dự án, các đại biểu cũng đã góp ý cho dự án, theo đó để phát triển chuỗi rong nho cần có các cơ sở giống chất lượng để cung ứng giống cho người nuôi; cùng với đó đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất để nâng cao sản lượng, chất lượng rong sụn. Đẩy mạnh áp dụng hệ thống chứng nhận để kiểm tra chất lượng rong nuôi trồng, đảm bảo an toàn sinh học, an toàn môi trường sinh thái. Cũng như cho cho vay ưu đãi, có chính sách hỗ trợ khuyến khích các hộ nuôi rong biển quy mô nhỏ liên kết thành chuỗi bền vững.

Cũng tại Hội thảo, các đại biểu cho rằng dự án được triển khai sẽ đảm bảo 2 mục tiêu, đó là bảo vệ, bảo tồn nguồn lợi và nâng cao đời sống người dân ven biển. Ngoài ra, chúng ta có thể phát triển sản phẩm gắn với du lịch nông thôn, du lịch làng nghề... Phát triển nghề rong biển còn khai thác được tiềm năng lợi thế với chi phí thấp nhất, hiệu quả kinh tế cao nhất và bảo vệ môi trường, bảo vệ hệ sinh thái đa dạng sinh học.

Văn Thọ

Ý kiến bạn đọc

Tin khác