Bình Thuận: Sản xuất thủy sản thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 (06-12-2021)

Để sản xuất thủy sản thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, tỉnh Bình Thuận sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn ngư dân, doanh nghiệp thu mua, chế biến thực hiện các quy định về an toàn phòng chống dịch trong hoạt động sản xuất. Đồng thời, nắm chắc nguồn cung hải sản và tổ chức tốt các kênh phân phối, tiêu thụ hải sản, không để ùn ứ, ách tắc.
Bình Thuận: Sản xuất thủy sản thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19
Ảnh minh họa

Theo Báo điện tử Đảng cộng sản Việt Nam, trong thời gian vừa qua, khi tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, việc áp dụng một số biện pháp phòng chống dịch đã tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất của ngư dân, doanh nghiệp sản xuất, chế biến thủy sản.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Thuận cho biết, trong thời gian áp dụng Chỉ thị số 16/CT-TTg, công tác kiểm soát tàu thuyền ra, vào cảng thực hiện chặt chẽ, gắn với các biện pháp phòng chống dịch, đồng thời, áp dụng biện pháp cấm tàu cá từ các địa phương vùng dịch vào cập cảng bốc dỡ sản phẩm, hoặc vào bốc dỡ sản phẩm phải cách ly tập trung thuyền viên theo quy định. Nhiều tàu cá từ các địa phương khác cũng không vào cảng cá đang áp dụng chỉ thị 16/CT-TTg để bốc dỡ sản phẩm do quy định khi quay lại địa phương phải cách ly. Do đó, số lượng tàu cá cập cảng, sản lượng qua cảng giảm mạnh.

Từ đầu quý III/2021 trở đi, hoạt động sản xuất, chế biến thủy sản gặp khó khăn khi dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp. Theo kết quả khảo sát của Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản của tỉnh, trong thời gian áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg, có khoảng 39% cơ sở sản xuất, chế biến thủy sản trên địa bàn đã tạm ngưng hoạt động do không đáp ứng được yêu cầu phòng chống dịch theo phương án "3 tại chỗ"; 16% cơ sở chỉ thực hiện thu mua, bảo quản nguyên liệu và 40% cơ sở còn lại hoạt động cầm chừng với năng suất từ 30-50%.

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, một số ngành nghề bị hạn chế hoạt động, tình hình vận chuyển tiêu thụ hải sản gặp khó khăn nên giá thu mua hải sản khai thác biến động giảm tùy theo mức độ ảnh hưởng của dịch tại các địa phương và tùy thuộc chủng loại sản phẩm (không xảy ra tình trạng giảm sâu đồng loạt). Trong thời gian áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg, giá bán tại cảng cá đã giảm từ 20-30% so với điều kiện bình thường. Riêng giá hải sản tươi sống giảm khá sâu do việc cung ứng hải sản chất lượng cao bị đình trệ. Bên cạnh đó, việc vận chuyển, lưu thông không thuận lợi, thời gian kéo dài làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm.

Hiện nay, giá bán các mặt hàng hải sản cơ bản đã ổn định trở lại, trừ một số loại hải sản tươi, sống, giá vẫn còn thấp so với điều kiện bình thường

Để sản xuất thủy sản đạt được hiệu quả, trong thời gian tới, tỉnh Bình Thuận sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn ngư dân, doanh nghiệp thu mua, chế biến thủy sản hiểu và thực hiện các quy định về an toàn phòng chống dịch trong hoạt động sản xuất. Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Chi cục Thủy sản phối hợp với các địa phương thường xuyên theo dõi, nắm vững tình hình hoạt động nghề cá, nhất là tình hình tàu cá nằm bờ, ngư dân dừng sản xuất… để phản ánh và có kiến nghị, đề xuất tỉnh và Trung ương có hình thức hỗ trợ kịp thời. Tiếp tục duy trì hoạt động hiệu quả của các Tổ công tác chuyên đề tiêu thụ hải sản để hỗ trợ bốc dỡ, tiêu thụ hải sản tại cảng; Tổ kiểm soát, phòng chống dịch liên ngành tại cảng cá để kiểm soát, phòng chống dịch đối với tàu cá khi xuất bến, cập bến.

Hướng dẫn ngư dân, doanh nghiệp và cơ sở sản xuất xây dựng kế hoạch sản xuất an toàn, thích ứng trong điều kiện phòng, chống dịch

Bình Thuận sẽ tổ chức nắm chắc nguồn cung hải sản và tổ chức tốt các kênh phân phối, tiêu thụ hải sản, không để ùn ứ, ách tắc. Cụ thể, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Thuận chỉ đạo Chi cục Thủy sản phối hợp các Ban Quản lý cảng cá và các địa phương theo dõi thường xuyên tình hình hoạt động khai thác hải sản trên địa bàn tỉnh về số lượng tàu cá, ngành nghề, sản lượng, chủng loại. Đồng thời, phối hợp các lực lượng chức năng nắm bắt số tàu cá ngoài tỉnh hoạt động, tập kết tiêu thụ hải sản trên địa bàn tỉnh để dự báo sản lượng hải sản khai thác trong tỉnh và sản lượng hải sản tập kết qua các cảng cá để chủ động trong khâu tiêu thụ.

Các Ban Quản lý cảng cá thực hiện tốt quy định về thông tin tàu cá cập cảng, giám sát sản lượng hải sản tiêu thụ tại các cảng cá, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng, thực hiện nghiêm quy định trong công tác phòng chống dịch COVID-19 tại cảng cá cho từng nhóm đối tượng tàu cập cảng.

Bên cạnh đó, thực hiện theo dõi kênh tiêu thụ trực tiếp tại các chợ, siêu thị và các hình thức cung ứng theo nhu cầu trong và ngoài tỉnh. Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản phối hợp với ngành Công Thương thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin thị trường thủy sản để cung cấp kịp thời cho doanh nghiệp về đầu ra và các hình thức hỗ trợ tiêu thụ phù hợp. Hỗ trợ, hướng dẫn các cơ sở, hộ sản xuất kinh doanh thủy sản tham gia các sàn thương mại điện tử, hướng dẫn đưa sản phẩm lên các sàn để tiêu thụ; tiếp tục kết nối với Tổ công tác 970 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để kết nối tiêu thụ hải sản cho ngư dân, doanh nghiệp sản xuất thủy sản trên địa bàn tỉnh.

Về nhiệm vụ dài hạn, Bình Thuận tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành Thủy sản theo hướng phát triển bền vững. Trong đó, ổn định đội tàu khai thác xa bờ, giảm dần tàu cá nhỏ hoạt động ven bờ, nâng cấp, cơ giới hóa và ứng dụng công nghệ trong hoạt động dịch vụ hậu cần nghề cá, nhất là công tác bốc dỡ hải sản tại cảng.

Ngọc Thúy - FICen

Ý kiến bạn đọc

Tin khác