Bến Tre: Kết quả phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2020 (05-08-2020)

Ngày 30 tháng 7 năm 2020, Văn phòng Chính phủ đã thông báo Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bến Tre về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2020) để Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre và các Bộ/ Cơ quan liên quan thực hiện.
Bến Tre: Kết quả phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2020
Ảnh minh họa

Trước đó, ngày 9 tháng 7 năm 2020, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Bến Tre về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2020 và một số kiến nghị của Tỉnh. Tham dự buổi làm việc có Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng và lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Văn phòng Chính phủ, Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Khoa học và Công nghệ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Bến Tre là tỉnh có nhiều lợi thế, cần phát huy phát triển

Trong giai đoạn 2016-2020, kinh tế của Tỉnh bình quân tăng 7,2%/năm, thu ngân sách tăng bình quân 13,2%/năm, xuất khẩu tăng 16,3%/năm; nông nghiệp phát triển tương đối khá; kinh tế biển được chú trọng, xây dựng nông thôn mới được quan tâm đầu tư và vượt kế hoạch về số xã đạt chuẩn nông thôn mới; nhiều dự án năng lượng sạch được quan tâm đầu tư. Trong 06 tháng đầu năm 2020, Bến Tre đã có nhiều nỗ lực, cố gắng, khắc phục khó khăn thực hiện mục tiêu kép; vừa quyết liệt phòng, chống dịch Covid-19, vừa thực hiện các giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; tổ chức vận động hỗ trợ tốt cho người dân khắc phục hậu quả hạn mặn, phục hồi phát triển sản xuất và bảo đảm đời sống người dân.

Nhìn chung, các lĩnh vực văn hóa, giáo dục và đào tạo đã được quan tâm đầu tư, an sinh xã hội được bảo đảm; Phòng chống dịch bệnh (nhất là chống dịch Covid-19) được tỉnh Bến Tre triển khai thực hiện tốt; Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,59%; Cải cách hành chính có nhiều tiến bộ. Quốc phòng, an ninh được bảo đảm, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững... Tuy nhiên, trong lĩnh vực kinh tế, Bến Tre vẫn là một địa phương khó khăn của vùng Đồng bằng sông Cửu Long: Tái cấu trúc kinh tế chậm, quy mô kinh tế nhỏ, thu ngân sách chỉ đảm bảo 58% tổng chi. Đặc biệt, trong hoạt động sản xuất nông nghiệp, nạn hạn hán và xâm nhập mặn kéo dài, tình trạng thiếu nước ngọt nghiêm trọng, nhưng năng lực thích ứng biến đổi khí hậu hạn chế; công tác phòng, chống hạn mặn chưa kịp thời, làm ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống nông - ngư dân. 

Giải pháp trong thời gian tới - Phát huy các kết quả đã đạt được

Tình hình thế giới gặp khó khăn, nhiều nước đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam nói chung và tỉnh Bến Tre nói riêng. Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo tỉnh Bến Tre từ nay đến hết năm 2020 và những năm tiếp theo, cần tập trung làm tốt một số công tác, nhiệm vụ trọng tâm; Phát huy kết quả đã đạt được và kinh nghiệm phát triển trong những năm qua. Rà soát các nhiệm vụ đã được giao, có giải pháp, quyết tâm cao hơn nữa, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tập trung giải ngân các nguồn vốn đầu tư, vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài (trong đó phấn đấu giải ngân trên 90% vốn đầu tư công để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế), phấn đấu hoàn thành mức cao nhất mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020.

Tỉnh Bến Tre phải đón thời cơ “hội nhập quốc tế”, tận dụng lợi thế các Hiệp định thương mại tự do CPTPP, nghiên cứu mô hình phát triển kinh tế mới, xây dựng Bến Tre trở thành trung tâm một số lĩnh vực của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước; Tìm giải pháp, cách làm mới thu hút đầu tư (nhất là đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực có lợi thế phát triển). Khẩn trương triển khai lập quy hoạch tỉnh Bến Tre thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó chú ý làm tốt quản lý quy hoạch, quản lý tài nguyên và môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, hạn hán xâm nhập mặn. Trước năm 2023, toàn tỉnh Bến Tre phấn đấu ngọt hóa thành công.

Bên cạnh đó, tiếp tục hoàn thiện chuỗi giá trị nông sản, tổ chức sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ; phát triển khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; làm tốt chương trình xây dựng nông thôn mới. Tăng cường cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả, hiệu lực bộ máy quản lý nhà nước; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển doanh nghiệp, chương trình khởi nghiệp, phấn đấu giai đoạn 2021-2025 thành lập mới 4.000 doanh nghiệp. Bến Tre phải đi trước một bước trong chuyển đổi số, làm tiền đề phát triển kinh tế số, phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Đặc biệt, tăng cường quản lý để chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân đánh bắt thuỷ, hải sản vi phạm chủ quyền vùng biển nước ngoài, thay đổi nhận thức của ngư dân, tuyên truyền ngư dân tuân thủ các quy định cấm khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).

Ngọc Thúy – FICen

Ý kiến bạn đọc

Tin khác