Sản xuất thủy sản tháng 10 và 10 tháng đầu năm 2016 (30-10-2016)

Tình hình chung. Từ cuối tháng 9/2016, ngư dân trên cả nước từ Bắc tới Nam tích cực chuẩn bị cho những chuyến ra khơi mở đầu cho vụ cá bắc. Trong tháng 10, thời tiết diễn biến không thuận lợi cho hoạt động sản xuất thủy sản và đã có 2 cơn bão ảnh hưởng đến các tỉnh Bắc Bộ và ven biển miền Trung, trong đó các địa phương từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế chịu ảnh hưởng nặng nề do mưa bão gây ra. Như vậy, tính từ cuối tháng 7 đến nay, cả nước đã có 7 cơn bão ảnh hưởng tới hoạt động khai thác và nuôi trồng tại các tỉnh Bắc Bộ và ven biển miền Trung. Do ảnh hưởng của bão, nhiều địa phương ở Bắc Bộ và ven biển có mưa to, biển động, khiến một số tàu bị chìm, hư hỏng và nhiều tàu phải nằm bờ tránh bão, thời gian khai thác giảm.
Sản xuất thủy  sản tháng 10 và 10 tháng đầu năm 2016
Ảnh minh họa

Bảng 1. Kết quả sản xuất  thủy sản 10 tháng đầu năm 2016

Đơn vị tính: diện tích (1.000 ha), sản lượng (1.000 tấn)

Chỉ tiêu

KH năm

2016

Ước thực hiện

So sánh 2016/2015 (%)

tháng 9/2016

9 tháng

2016

tháng 9

9 tháng

Tổng sản lượng thủy sản

6.200

558,1

5.507,7

105,9

102,6

Sản lượng khai thác

2.600

249,8

2.578,4

103,2

102,7

     Khai thác biển

2.400

227,6

2.419,2

103,3

102,84

     Khai thác nội địa

200

22,2

159,2

102,3

100,7

Sản lượng nuôi trồng

3.600

308,3

2.929,3

108,3

102,5

      Tôm sú

570

 

222

 

99,3

      Tôm chân trắng

270

 

254

 

104,5

      Cá tra

2.350

 

952

 

97,1

Diện tích nuôi

 

 

 

 

 

      Tôm sú

 

 

598

 

101,2

Tôm chân trắng

 

 

85

 

100,4

      Cá tra

 

 

4.370

 

99,1

           Tuy nhiên, vào những lúc thời tiết thuận lợi, ngư dân vẫn vươn khơi bám biển nên sản lượng khai thác tại một số địa phương đạt khá. Tại các ngư trường truyền thống như Hoàng Sa, giữa Hoàng Sa và Trường Sa, vùng biển Nam Trung Bộ, các loại cá ngừ sọc dưa, vây vàng xuất hiện nhiều đã tạo điều kiện thuận lợi cho các tàu nghề câu, nghề lưới vây tập trung đánh bắt, sản lượng khai thác đạt khá. Nhìn chung, do ảnh hưởng của thời tiết nên sản lượng khai thác trong tháng 10 giảm đáng kể so với tháng trước tuy vẫn tăng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái.

Tổng sản lượng thủy sản 10 tháng đầu năm đạt ước đạt hơn 5,5 triệu tấn, so với cùng kỳ năm 2015 tăng 2,6%, trong đó sản lượng khai thác đạt hơn 2,57 triệu tấn, tăng 2,7%, sản lượng nuôi trồng thủy sản gần 2,93 triệu tấn, tăng 2,5%.

Trong tháng 10, các địa phương tiếp tục hướng dẫn, triển khai các chính sách hỗ trợ ngư dân theo Nghị định 67, Đề án Tổ chức sản xuất tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi... Đối với sự cố môi trường biển, Ủy ban Nhân dân 4 tỉnh miền Trung đang triển khai bước đầu thống kê thiệt hại và thực hiện bồi thường cho người dân trên địa bàn, tạo điều kiện để người dân yên tâm tiếp tục khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống. 

Khai thác thủy sản

Do thời tiết không thuận lợi cho hoạt động khai thác thủy sản và có 2 cơn bão ảnh hưởng tới các tỉnh Bắc Bộ và ven biển miền Trung nên nhiều địa phương ở Bắc Bộ và ven biển có mưa to, biển động khiến nhiều tàu phải nằm bờ tránh bão, thời gian sản xuất trên biển giảm. Tuy nhiên, những lúc thời tiết thuận lợi ngư dân lại tích cực bám biển nên sản lượng khai thác đạt khá. Ngư dân các tỉnh Nam Trung Bộ và ĐBSCL khai thác đạt sản lượng cao, đặc biệt với các loài cá nục, cá trích, cá cơm, cá ngừ sọc dưa... Ngoài ra, giá một số loại thủy sản trong tháng tăng cao hơn các tháng trước đã giúp cải thiện đời sống và tăng thu nhập cho ngư dân.

Sản lượng khai thác thủy sản trong tháng 10/2016 ước đạt 249,8 nghìn tấn, so với cùng kỳ năm 2015 tăng 3,2%; trong đó khai thác biển 227,6 nghìn tấn, tăng 3,3%, khai thác nội địa 22,2 nghìn tấn, tăng 2,3%. Lũy kế 10 tháng đầu năm 2016, sản lượng khai thác thủy sản đạt 2,58 triệu tấn, so với cùng kỳ năm 2015 tăng 2,7%; trong đó khai thác biển 2,42 triệu tấn, tăng 2,9%, khai thác nội địa hơn 159 nghìn tấn, tăng 0,7%.

Tại một số địa phương, sản lượng khai thác thủy sản trong 10 tháng đầu năm 2016 đạt khá: Cà Mau đạt 176.600 tấn, so với cùng kỳ năm ngoái tăng 12,2%, Bình Thuận 174.801 tấn, tăng 1,9%, Bạc Liêu 97.354 tấn, tăng 2,3%, Quảng Ngãi 13.232 tấn tăng 8,7%. Một số tỉnh có sản lượng giảm như Hà Tĩnh đạt 23.824 tấn, giảm gần 18%, Trà Vinh 55.790 tấn, giảm 7,9%, Quảng Ninh 50.910 tấn, giảm 1,2 %.

Nuôi trồng thủy sản

Sản lượng nuôi trồng thủy sản trong tháng 10/2016 ước đạt 308,3 nghìn tấn, so với cùng kỳ năm ngoái tăng 8,3%. Lũy kế tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản 10 tháng đầu năm 2016 ước đạt gần 2,93 triệu tấn, tăng 2,5%.

Mặt hàng tôm

Diện tích nuôi tôm nước lợ trên cả nước tính đến ngày 21/10/2016 đạt 678,061 nghìn ha, bằng 100,4% so với cùng kỳ năm 2015; trong đó diện tích nuôi tôm sú 594,292 nghìn ha, diện tích nuôi tôm chân trắng 83,769 nghìn ha. Sản lượng thu hoạch tôm lũy kế đạt 446,816 nghìn tấn, bằng 95,8% so với cùng kỳ năm 2015; trong đó sản lượng tôm sú 205,049 nghìn tấn và sản lượng tôm chân trắng 241,707 nghìn tấn. Ước đến hết tháng 10/2016, diện tích nuôi tôm sú đạt 598 nghìn ha, sản lượng đạt 222 nghìn tấn; diện tích nuôi tôm chân trắng đạt 85 nghìn ha, sản lượng đạt 254 nghìn tấn.

Sau khi giá tôm nguyên liệu tại Cà Mau giảm mạnh vào tháng 9 do một số doanh nghiệp không có thị trường tiêu thụ nên đã hạn chế mua vào, sang tuần đầu tháng 10, giá tôm nguyên liệu tại Cà Mau có xu hướng tăng nhẹ khoảng 5.000 đồng/kg so với tháng trước. Tuy nhiên, sau đó giá chững lại và hiện tại giá tôm sú cỡ 20 con/kg dao động từ 285.000 - 295.000 đồng/kg, cỡ 30 con/kg giá 200.000 - 220.000 đồng/kg và cỡ 40 con/kg giá 170.000 - 180.000 đồng/kg.

Hiện nay, mặt hàng tôm ngày càng bị các thị trường nhập khẩu siết chặt kiểm tra. Những năm trước, nếu như con tôm chỉ bị kiểm tra các loại kháng sinh cấm thì năm nay, trong danh mục kiểm tra của các nước có thêm các loại kim loại nặng, độc tố sinh học, đồng nghĩa với việc xuất khẩu tôm của Việt Nam đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Nếu như hai thị trường Châu Á là Nhật Bản và Hàn Quốc kiểm tra kháng sinh cấm, thì EU đưa con tôm nói chung và thủy sản nói riêng vào danh mục kiểm tra kim loại nặng. Ở Châu Đại Dương và Ôxtrâylia, thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất từ Việt Nam trong 5 năm qua, cũng có thông báo sẽ kiểm tra 100% lô hàng để kiểm tra độc tố sinh học và vi sinh trong sản phẩm tôm và một số sản phẩm thủy sản khác. Trong lúc đó, EU đưa chỉ tiêu kim loại nặng như một yếu tố phải kiểm tra bắt buộc vào thời điểm này.

Mặt hàng cá tra

Theo số liệu của các tỉnh trọng điểm nuôi cá tra, diện tích nuôi mới lũy kế tính đến ngày 21/10/2016 ước đạt 4.314 ha, bằng 98,5% so với cùng thời điểm năm 2015. Sản lượng thu hoạch ước đạt 924,4 nghìn tấn, bằng 96,4% so với cùng kỳ năm 2015. Đến hết tháng 10/2016, diện tích nuôi cá tra ước đạt 4.370 ha, sản lượng ước đạt 952 nghìn tấn.

Từ giữa tháng 5/2016, giá thu mua cá tra tại ĐBSCL giảm dần, giá bình quân luôn thấp hơn so với 2 năm trước. Từ tháng 8 đến giữa tháng 9/2016, giá cá tra chỉ còn khoảng 18.500 - 19.500 đồng/kg. Tuy nhiên, giá cá đã bắt đầu tăng dần từ nửa cuối tháng 9. Tháng 10, giá cá tra tiếp tục tăng mạnh khoảng 1.500 - 2.000 đồng/kg so với tháng 9 và đang ở mức cao nhất trong năm, phổ biến từ 20.500 - 21.500 đồng/kg đối với cá cỡ 700 – 900 g/con. Giá trung bình mua tại ao là 21.594 đồng/kg, cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái khoảng 2.000 đồng/kg. Tuy nhiên, giá cá tra tăng cao nhưng lượng cá trong dân còn ít, người nuôi không còn cá để bán do đã phải chịu bán lỗ từ nhiều tháng trước.

Thị trường cá tra đang khởi sắc trở lại khi các doanh nghiệp đẩy mạnh thu mua cá tra nguyên liệu phục vụ cho các đơn hàng chuẩn bị cho các dịp lễ cuối năm. Giá cá tra đã tăng trở lại, tuy nhiên khó dự đoán mức giá tăng cao sẽ kéo dài được bao lâu. 

Mặt hàng cá ngừ đại dương

Sản lượng khai thác cá ngừ đại dương 10 tháng đầu năm 2016 ước đạt 15.041 tấn, so với cùng kỳ năm ngoái giảm 5,8%, trong đó Bình Định 7.666 tấn, giảm 3,3%, Phú Yên 3.863 tấn, giảm 5,7%, Khánh Hòa 3.512 tấn, giảm 10%.

Mười tháng đầu năm 2016, hoạt động khai thác cá ngừ đại dương bị ảnh hưởng do sản lượng và giá bán không ổn định ở từng thời điểm. Trong 3 tháng đầu năm, nhờ thời tiết thuận lợi, ngư dân khai thác cá ngừ đại dương đạt sản lượng cao, giá bán khá ổn định và giá dầu ở mức thấp nên ngư dân có lãi. Sản lượng 3 tháng đầu năm ước đạt 6.659 tấn, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Từ tháng 4 đến tháng 9/2016, ngư dân khai thác cá ngừ đại dương liên tục gặp khó khăn do sản lượng thấp và giá bán giảm nên nhiều tàu câu cá ngừ đại dương không có lãi, thậm chí bị lỗ, hoặc chỉ đủ chi phí cho mỗi chuyến ra khơi. Trong khoảng thời gian này, ngư dân duy trì được nghề là nhờ có các chính sách hỗ trợ tiền dầu cho các tàu công suất lớn đánh bắt xa bờ theo Quyết định 48/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó, để duy trì bám biển và cải thiện thu nhập, trong khoảng thời gian trên nhiều tàu câu cá ngừ đại dương đã linh hoạt trong quá trình khai thác, đó là hoạt động kiêm nghề nên đạt hiệu quả cao hơn. Sang tháng 10/2016, khai thác cá ngừ đại dương đã có tín hiệu khả quan hơn khi sản lượng khai thác đạt khá và giá bán cũng cao hơn so với các tháng trước.

Tại Bình Định, sản lượng khai thác từ tháng 4 đã giảm mạnh, sản lượng khai thác trong quý II đạt 2.355 tấn, so với cùng kỳ năm ngoái giảm 17%, sang quý III chỉ đạt 1.901 tấn. Lũy kế 10 tháng, sản lượng cá ngừ đại dương của Bình Định đạt 7.666 tấn, giảm 3,3% so với cùng kỳ năm 2015. Tại Phú Yên và Khánh Hòa, ngư dân khai thác cá ngừ tiếp tục gặp khó khăn do giá bán giảm mặc dù sản lượng khai thác cá ngừ không nhiều. Tại Phú Yên, trong 2 tháng đầu năm sản lượng tăng khá cao nhưng từ tháng 4 đến tháng 9/2016, sản lượng khai thác cá ngừ đại dương tại Phú Yên đạt thấp và giá bán giảm nên đã ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống của ngư dân. Lũy kế 10 tháng đầu năm, sản lượng cá ngừ của Phú Yên đạt 3.863 tấn, giảm 5,7%, Khánh Hòa 3.512 tấn, giảm 10% so với cùng kỳ năm ngoái.

Từ tháng 4 đến tháng 9/2016, giá bán cá ngừ không ổn định, có thời điểm giá giảm mạnh. Giá cá ngừ câu tay loại >30 kg/con dao động trong khoảng 85.000 - 100.000 đồng/kg, cá ngừ câu vàng từ 110.000 - 125.000 đồng/kg. Riêng từ tháng 6 đến tháng 8/2016, giá cá ngừ câu tay loại >30kg/con chỉ còn 85.000 - 88.000 đồng/kg, giảm 10.000 - 15.000 đồng/kg so với đầu năm và giảm 7.000 - 10.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm ngoái. Trong tháng 10, đời sống của ngư dân được cải thiện đáng kể khi nhiều tàu câu cá ngừ đại dương tại Phú Yên, Khánh Hòa đạt sản lượng cao và giá bán tăng so với các tháng trước, ngư dân có lãi khá. Giá cá ngừ câu tay loại >30 kg/con dao động từ 100.000 - 110.000 đồng/kg, tăng 10.000 - 15.000 đồng so với các tháng trước. Ngoài cá ngừ đại duơng, ngư dân còn thu lãi cao nhờ khai thác được nhiều cá ngừ sọc dưa, trung bình mỗi tàu đạt 20 - 25 tấn, bán với giá 19.000 - 20.000 đồng/kg.

Để nghề câu cá ngừ đại dương phát triển bền vững và đem lại thu nhập ổn định cho ngư dân, các tỉnh trọng điểm khai thác cá ngừ là Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa cần tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Đề án tổ chức sản xuất cá ngừ đại dương theo chuỗi giá trị. Bên cạnh đó, nhà nước cần có các chính sách ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng, cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá; hỗ trợ ngư dân hiện đại hóa đội tàu khai thác, xây dựng đội tàu dịch vụ hậu cần, vận chuyển cho nghề câu cá ngừ đại dương và cung cấp thông tin ngư trường cho ngư dân.

FICen

Ý kiến bạn đọc

Tin khác