Thủy sản thế giới trong tiến trình Chuyển đổi xanh (03-10-2024)

Tổng sản lượng thủy sản thế giới đạt mức kỷ lục mọi thời đại là 223,2 triệu tấn vào năm 2022, gồm 185,4 triệu tấn động vật thủy sinh và 37,8 triệu tấn rong tảo (algae). Lần đầu tiên, sản lượng động vật thủy sinh được thu hoạch từ hoạt động nuôi trồng đạt (51%) vượt qua sản lượng từ hoạt động đánh bắt. 
Thủy sản thế giới trong tiến trình Chuyển đổi xanh
Ảnh minh họa

Trong đó, có tới 62% động vật thủy sinh được thu hoạch ở các vùng biển (69% từ hoạt động khai thác, 31% từ hoạt động nuôi trồng) và 38% động vật thủy sinh được thu hoạch ở vùng nước nội địa (84% từ hoạt động nuôi trồng, 16% từ hoạt động khai thác). Sản lượng động vật thủy sinh của các nước châu Á chiếm tới 70%, tiếp theo là các nước ở châu Âu, Mỹ Latinh và Caribe (9%), châu Phi (7%), Bắc Mỹ (3%) và châu Đại Dương (1%). Trong danh sách những nước sản xuất chính: Trung Quốc vẫn dẫn đầu (36%), tiếp theo là Ấn Độ (8%), Indonesia (7%), Việt Nam (5%) và Peru (3%).

Sản lượng nuôi trồng thủy sản thế giới đạt kỷ lục mới là 130,9 triệu tấn (trị giá 313 tỷ đô la Mỹ) bao gồm 94,4 triệu tấn động vật thủy sinh và 36,5 triệu tấn tảo. Châu Á đóng góp 91,4% tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản thế giới, tiếp theo là Châu Mỹ Latinh và Caribe (3,3%), Châu Âu (2,7%), Châu Phi (1,9%), Bắc Mỹ (0,5%) và Châu Đại Dương (0,2%). Mười quốc gia dẫn đầu thế giới về nuôi trồng thủy sản (Trung Quốc, Indonesia, Ấn Độ, Việt Nam, Bangladesh, Philippines, Hàn Quốc, Na Uy, Ai Cập và Chile) có sản lượng nuôi trồng 89,8%.

Sản lượng động vật thủy sinh được thu hoạch từ hoạt động nuôi trồng đạt 51% (94,4 triệu tấn) lần đầu tiên vượt qua sản lượng thu hoạch từ hoạt động đánh bắt, với nuôi trồng thủy sản nội địa sản xuất 62,6% tổng sản lượng động vật thủy sản nuôi. Mức tăng chung (7,6%) từ năm 2020 chủ yếu ở Châu Á (chiếm 87,9% mức tăng), tiếp theo là Châu Mỹ Latinh và Caribe (7,3%), Châu Âu (3,5%) và Châu Phi (0,8%). Sự gia tăng này chủ yếu xảy ra ở nuôi cá (58,1%), tiếp theo là giáp xác (24,6%) và động vật thân mềm (15,6%).

Sản lượng đánh bắt thủy sản toàn cầu đạt 92,3 triệu tấn, trong đó có 91,0 triệu tấn động vật thủy sinh và 1,3 triệu tấn tảo. Trung Quốc vẫn là nước sản xuất thủy sản đánh bắt hàng đầu thế giới (chiếm 14,3%), tiếp theo là Indonesia (8,0%), Ấn Độ (6,0%), Peru (5,8%), Liên bang Nga (5,4%), Hoa Kỳ (4,6%), Việt Nam (3,9%) và Nhật Bản (3,2%).

Với 80 triệu tấn hải sản thu hoạch được, khai thác biển vẫn khẳng định ưu thế (chiếm 43% tổng sản lượng động vật thủy sản toàn cầu). Khoảng 85% sản lượng khai thác biển là cá, trong đó chủ yếu là cá cơm (4,9 triệu tấn), cá minh thái Alaska (3,4 triệu tấn) và cá ngừ vằn (3,1 triệu tấn). Sản lượng của các loài có giá trị kinh tế cao tiếp tục gia tăng và đạt mức kỷ lục 8,3 triệu tấn đối với cá ngừ và các loài tương tự cá ngừ (tunas and tuna-like species), 3,9 triệu tấn đối với động vật thân mềm và 3,3 triệu tấn đối với tôm và tôm hùm (shrimps and lobsters).

Nghề cá nội địa sản xuất 11,3 triệu tấn, chủ yếu được thu hoạch ở Châu Á (63,4%) và Châu Phi (29,4%) nơi có hoạt động nghề cá nội địa đóng vai trò quan trọng trong an ninh lương thực. Các nhà sản xuất chính là Ấn Độ (1,9 triệu tấn), Bangladesh (1,3 triệu tấn), Trung Quốc (1,2 triệu tấn), Myanmar (0,9 triệu tấn) và Indonesia (0,5 triệu tấn). Số liệu của nghề cá nội địa có thể không chuẩn xác do hầu hết các quốc gia gặp khó trong việc thu thập dữ liệu này.

Về các đội tàu cá trên thế giới, ước tính đạt 4,9 triệu tàu vào năm 2022, trong đó hai phần ba là tàu cơ giới. Châu Á là nơi có đội tàu đánh cá lớn nhất thế giới (chiếm 71%), tiếp theo là Châu Phi (19%), Châu Mỹ Latinh và Caribe (5%), Bắc Mỹ và Châu Âu (mỗi nơi 2%) và Châu Đại Dương (dưới 1%). Châu Á cũng là nơi có đội tàu cơ giới lớn nhất (chiếm 80%) và tàu không có động cơ (54%). Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới (như Trung Quốc, Nhật Bản, các nước thành viên của Liên minh Châu Âu) vẫn tiếp tục chiến lược giảm số lượng tàu cá.

Năm 2022, ngành khai thác và nuôi trồng thủy sản đã sử dụng khoảng 61,8 triệu lao động, so với 62,8 triệu người vào năm 2020, trong đó 54% làm nghề khai thác và 36% làm nghề nuôi trồng thủy sản, 10% lao động khác. Châu Á cung cấp 85% số việc làm này, tiếp theo là Châu Phi (10%) và Châu Mỹ Latinh và Caribe (4%), trong khi Châu Âu, Châu Đại Dương và Bắc Mỹ cộng lại chỉ chiếm 1%. Hầu hết công nhân nuôi trồng thủy sản ở Châu Á (95%), tiếp theo là Châu Phi (3%) và Châu Mỹ Latinh và Caribe (2%). Đối với ngành khai thác thủy sản thì 77% lực lượng lao động ở Châu Á, 16% ở Châu Phi và 5% ở Châu Mỹ Latinh và Caribe. Về giới tính, phụ nữ chiếm 24% trong hoạt động khai thác và nuôi trồng thủy sản và 62% trong hoạt động chế biến thủy sản. 53% phụ nữ được tuyển dụng toàn thời gian, so với 57% nam giới. Bất bình đẳng giới vẫn còn, bao gồm chênh lệch tiền lương, không công nhận đầy đủ sự đóng góp của phụ nữ cho lĩnh vực này...

Hoạt động chế biến thủy sản tiếp tục được cải thiện, giúp con người có thể tiêu thụ 89% sản lượng động vật thủy sản. Khối lượng còn lại được sử dụng cho mục đích phi thực phẩm, chủ yếu là để sản xuất bột cá và dầu cá (83%). Phần lớn nhất (43%) thực phẩm động vật thủy sản được phân phối ở dạng sống, tươi hoặc ướp lạnh, tiếp theo là đông lạnh (35%), chế biến và bảo quản (12%) và ướp muối (10%). Nhìn chung, ở các quốc gia có thu nhập cao, thực phẩm thủy sản chủ yếu được chế biến; cùng với đó, các phương pháp bảo quản truyền thống đang được dần thay thế bằng các quy trình gia tăng giá trị sản phẩm. Các sản phẩm phụ trước đây vẫn thường bị loại bỏ dưới dạng chất thải thì ngày nay được sử dụng nhiều cho chế biến thực phẩm và các sản phẩm phi thực phẩm.

Tiêu thụ thực phẩm động vật thủy sản toàn cầu là 162,5 triệu tấn vào năm 2021, đưa mức tăng trưởng trung bình lên 3%/năm kể từ năm 1961, vượt quá mức tăng trưởng của tất cả các loại thịt trên cạn cộng lại (chỉ đạt tốc độ tăng trưởng trung bình 2,7%). Châu Á chiếm 71% mức tiêu thụ, tiếp theo là Châu Âu (10%), Châu Phi (8%), Bắc Mỹ (5%), Châu Mỹ Latinh và Caribe (4%) và Châu Đại Dương (1%). Đặc biệt là, mức tiêu thụ bình quân đầu người đã tăng từ 9,1 kg mỗi năm vào năm 1961 lên 20,6 kg mỗi năm vào năm 2021.

Thủy sản - Nguồn cung protein chính ở các nước đang phát triển

Trên toàn cầu, thực phẩm động vật thủy sản chiếm 15% protein động vật và 6% tổng protein động thực vật. Thủy sản đã đóng góp khoảng 20% nguồn cung cấp protein bình quân đầu người từ tất cả các nguồn động vật cho 3,2 tỷ người. Nhìn chung, các quốc gia không có thu nhập cao thường phụ thuộc nhiều hơn vào protein từ thực phẩm động vật thủy sản so với các quốc gia có thu nhập cao. Điều này phản ánh khả năng chi trả, tính sẵn có và khả năng tiếp cận thực phẩm thủy sản, khiến chúng trở thành thực phẩm chính được lựa chọn trong nhiều truyền thống ẩm thực của các quốc gia không có thu nhập cao.

Thương mại thủy sản toàn cầu tiếp tục tăng trưởng với sự tham gia của hơn 230 quốc gia và vùng lãnh thổ, đã tạo ra kỷ lục 195 tỷ đô la Mỹ vào năm 2022. Nó chiếm hơn 9,1% tổng thương mại nông sản và thủy sản toàn cầu và chiếm khoảng 1% tổng giá trị thương mại hàng hóa thế giới. Cá biệt tại một số quốc gia và vùng lãnh thổ như Quần đảo Faroe, Maldives và Seychelles, thương mại thủy sản chiếm hơn 30% tổng thương mại hàng hóa.

Xuất khẩu động vật thủy sản tăng từ 7,9 tỷ đô la Mỹ năm 1976 lên 192 tỷ đô la Mỹ năm 2022 (với tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm là 7,2%) được thúc đẩy bởi việc tự do hóa các chính sách thương mại, giảm chi phí vận chuyển và cải thiện công nghệ, dịch vụ hậu cần và bảo quản, lưu trữ. Trung Quốc vẫn là nước xuất khẩu chính các sản phẩm động vật thủy sản (chiếm 12% về giá trị), tiếp theo là Na Uy (8%), Việt Nam (6%), Ecuador (5%) và Chile (4%).

Các sản phẩm động vật thủy sản được giao dịch nhiều nhất năm 2022 là cá (chiếm 65% tổng giá trị), giáp xác (23%), động vật thân mềm (11%). Theo nhóm loài, cá hồi vẫn là loài có giá trị nhất (chiếm 20% về giá trị), tiếp theo là tôm (17%), cá tuyết (9%), cá ngừ và cá cờ (9%),  động vật thân mềm (7%).

Hướng dẫn của FAO về IUU

FAO đã hỗ trợ các nước Thành viên và các bên liên quan nỗ lực đạt được một số Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG), đặc biệt là các mục tiêu của SDG 14 (Life below Water) liên quan đến hoạt động khai thác và nuôi trồng thủy sản. Nhìn chung, đã đạt được những tiến triển tốt trong việc triển khai SDG 14 tại các quốc gia khi xét trên các khía cạnh bền vững sinh học, xã hội và kinh tế được bao phủ bởi 04 chỉ số nghề cá do FAO quản lý. FAO đã hỗ trợ thành công việc phát triển các chỉ số, phương pháp giám sát, báo cáo, phát triển các năng lực có liên quan.

Đã đạt được tiến bộ đáng kể trong việc áp dụng các công cụ để chống lại hoạt động đánh bắt thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (Indicator 14.6.1) và hỗ trợ nghề cá quy mô nhỏ (Indicator 14.b.1). Điều này chứng tỏ các quốc gia đã tiếp thu các chính sách và hướng dẫn quốc tế. Tuy nhiên, FAO nhận định vẫn còn nhiều việc phải làm khi tiến hành triển khai thực tế. Hiện tại, chỉ số về tăng trưởng lợi ích kinh tế từ hoạt động khai thác hải sản bền vững (Indicator 14.7.1) đang chậm lại, trong khi tỷ lệ trữ lượng thủy sản trong mức bền vững về mặt sinh học (Indicator 14.4.1) tiếp tục đi chệch mục tiêu.   

Việc triển khai và báo cáo đầy đủ của các Thành viên vẫn đang trong quá trình tiến hành và vẫn còn gặp nhiều thách thức, đặc biệt là đối với các nước đang phát triển. FAO cho rằng, việc báo cáo chuẩn theo hướng dẫn ở một số quốc gia không nên làm mất tập trung sự chú ý vào các quốc gia vẫn chưa có khả năng báo cáo, bao gồm nhiều quốc gia kém phát triển và các quốc gia đảo nhỏ đang phát triển. FAO khuyến khích các quốc gia triển khai Lộ trình chuyển đổi xanh (Blue Transformation Roadmap) thúc đẩy sự thay đổi trong hệ thống thực phẩm thủy sản và đạt được tăng trưởng nuôi trồng thủy sản bền vững, quản lý nghề cá hiệu quả và nâng cấp chuỗi giá trị.

 Ngọc Thúy (FAO 2024)

Ý kiến bạn đọc

Tin khác