Xu hướng thị trường và giá thủy sản tính đến tháng 5/2024 – Phần 2 (14-06-2024)

Theo nhận định của FAO, thuế chống bán phá giá (countervailing duties - CVD) đối với tất cả các nhà cung cấp tôm cho thị trường Mỹ sẽ dẫn đến giá tăng cao.
Xu hướng thị trường và giá thủy sản tính đến tháng 5/2024 – Phần 2
Ảnh minh họa

GIÁP XÁC

Giá tôm Indonesia (chủ yếu là tôm cỡ lớn) đang tăng, trong khi tôm cỡ trung bình đến cỡ nhỏ có giá biến động. Xu hướng này nhìn chung vẫn duy trì kể từ tháng trước, tùy theo khu vực. Tại Đông Java, giá tăng vào tháng 4/2024. Do nhu cầu tiêu thụ tăng ở thị trường Mỹ nên các nhà chế biến tôm của Mỹ đã tích cực thu mua nguyên liệu thô. Ngoài ra, theo xu hướng chung của các năm 2023 và 2022, tháng 4 thường là mùa cao điểm của tôm.

Đến tháng 5/2024, giá đã giảm xuống. Theo nhận định của FAO, thuế chống bán phá giá (countervailing duties - CVD) đối với tất cả các nhà cung cấp tôm cho thị trường Mỹ sẽ dẫn đến giá cao hơn đáng kể.

Nhu cầu hiện tại đối với tôm Argentina rất cao. Trong khi mùa khai thác tôm ở khu vực phía Bắc của các đội tàu Argentina sắp kết thúc và sản lượng thu hoạch không đều (nhìn chung đạt thấp). Mùa thu hoạch tôm nuôi của nước này thì chưa bắt đầu; do đó, lượng tôm dự trữ trong kho lạnh giảm, dẫn đến giá tăng. Tại Tây Ban Nha, giá tăng 0,50 EUR/kg đối với tôm cỡ lớn và tăng 0,20 EUR/kg đối với tôm cỡ vừa, trong khi giá tôm cỡ nhỏ vẫn ổn định.

Như thường lệ, vào thời điểm này của năm, một mô hình thông thường diễn ra tại thị trường châu Âu, đó là: Nguồn cung tôm hùm và cua dồi dào và giá cả (vốn đã cao ngất ngưởng vào đầu năm) đang có xu hướng giảm xuống. Tại Rungis, giá bán buôn tôm hùm châu Âu đã giảm 4–5 EUR/kg từ tháng 4 đến tháng 5/2024.

Tôm thẻ chân trắng từ Ecuador có nguồn cung dồi dào trên thị trường châu Âu. Giá tôm nguyên con từ nguồn cung cấp này đã giảm tại thị trường Tây Ban Nha từ 0,10-0,25 EUR/kg. Tôm Argentina đang thiếu hụt tại thị trường chính là Tây Ban Nha, tình hình này đã dẫn đến giá tôm Argentina tại Tây Ban Nha tăng cao. Trên thực tế, đối với hầu hết các kích cỡ, giá đã tăng từ 0,10-0,40 EUR/kg trong giai đoạn từ tháng 3 đến tháng 4 năm 2024.

Kể từ giữa tháng 3/2024, giá tôm thẻ chân trắng của Indonesia đã tăng do các doanh nghiệp thủy sản của Mỹ tích cực thu mua. Tháng này là thời điểm đánh dấu kỳ nghỉ lễ dài sau tháng Ramadan, sản lượng giảm trong khi nhu cầu vẫn ở mức cao; do đó, giá sản phẩm đã tăng. Đặc biệt, giá tôm cỡ 31/40 đã cao hơn đáng kể ở mức 6.000 Rp/kg (0,40 USD/kg) vào tháng 3 so với tháng 2 năm 2024. Thị trường Trung Quốc tiếp tục theo đuổi mạnh mẽ các mặt hàng thủy sản có giá thấp hơn, có khả năng khiến Ecuador gặp bất lợi khi cạnh tranh. Đáng chú ý, nhu cầu tôm cỡ nhỏ tăng lên.

NHUYỄN THỂ HAI MẢNH VỎ

Sản xuất vẹm Tây Ban Nha đã có khởi đầu tốt trong năm 2024, dẫn đến một số đợt giảm giá mặt hàng này. Ví dụ, vẹm Chile tại thị trường Tây Ban Nha được bán với giá giảm khoảng 0,30 EUR/kg cho sản phẩm vẹm nguyên con và giảm 0,20 EUR cho sản phẩm vẹm một vỏ.

Sự xâm lấn của cua xanh Đại Tây Dương tiếp tục tác động đến sản xuất ngao và vẹm ở Ý. Sau khi thoát khỏi thời kỳ ngủ đông trong mùa đông, với sự xuất hiện của thời tiết ấm hơn, cua xanh đã tiếp tục tấn công ngao và vẹm. Do đó, sản lượng năm 2023 đã giảm 70%. Chính phủ Ý đã đưa ra một số sáng kiến ​​để cố gắng giúp đỡ ngư dân nuôi ngao nói riêng và những người nuôi trồng thủy sản nói chung. Năm ngoái, một chiến dịch đã được triển khai liên quan đến việc đánh bắt và tiêu hủy cua xanh, nhưng nếu xét về lâu dài thì chi phí 100.000 EUR là quá cao. Chính phủ cũng đã tiến hành miễn trừ một phần các khoản đóng góp an sinh xã hội, cho phép các doanh nghiệp bị khủng hoảng bởi cua xanh được tiếp cận với các khoản tín dụng.

Một cách thú vị và có vẻ bền vững hơn để giải quyết cuộc khủng hoảng cua xanh là đánh bắt cua và xuất khẩu sang các quốc gia có nhu cầu tiêu thụ cao. Một công ty mới thành lập đã sẵn sàng chi 2,00 EUR/kg cua xanh và mong muốn mua từ 8 đến 10 tấn mỗi ngày. Cua xanh có thị trường tốt ở Mỹ (đặc biệt là ở phía Nam) nơi nó ngày càng được săn đón để thay thế cho mặt hàng tôm hùm là đối tượng thủy sản hiện rất khó đánh bắt do tình trạng khai thác quá mức. Ngược lại ở Ý, cua xanh không được chú ý, vì chúng chưa được biết đến với vai trò thực phẩm và người Ý không biết cách chế biến chúng.

Đối với mặt hàng ngao tại Ý, sản lượng đã giảm mạnh vào năm 2023 so với mức trung bình trong những năm trước là 30.000 tấn mỗi năm. Trong năm 2024, sản lượng sẽ tiếp tục sụt giảm nghiêm trọng với mức giảm dự kiến ​​là 70%, khiến 3.000 việc làm có nguy cơ bị đe dọa. Dự báo tình trạng ảm đạm này ​​sẽ vẫn còn tiếp tục kéo dài cho đến năm 2025 và 2026. Nguyên nhân là do cạn kiệt ngao giống, vốn bị ảnh hưởng bởi loài cua xanh. Một số khu vực của Ý là Goro và Scardovari Consortia đã ước tính thiệt hại sản xuất ít nhất là 120 triệu euro, nếu tính thiệt hại của toàn bộ chuỗi cung ứng thì lên tới 400–500 triệu euro.

Khu vực Scardovari bị ảnh hưởng nhiều nhất, sản lượng ngao vào tháng 12 năm 2023 là 160 tạ, so với mức trung bình trong 10 năm qua là 12.000-15.000 tạ. Gần đây, Consortia chính thức thông báo rằng họ đã đình chỉ các hoạt động đánh bắt thủy sản cho đến khi có thông báo mới. Hơn 3.200 ngư dân giữa Goro, Comacchio và Scardovari đã không có thu nhập và tình hình cũng không khá hơn đối với các công ty tiếp thị sản phẩm này, khiến họ phải sa thải nhân viên. Giá ngao (Ruditapes philippinarum) đã đạt mức cao kỷ lục là 19,90 EUR/kg. Sự phàm ăn của loài cua xanh đã khiến ngao được thả nuôi ở mức tối thiểu và các ao ương giống đã được xây dựng. Các báo cáo được công bố vào năm ngoái, trong đó nêu ra loài cua xanh như một cơ hội thương mại, không còn thuyết phục nữa vì theo các kết quả nghiên cứu của Đại học Palermo mới công bố thì chỉ có 20% cua xanh là có thể dùng làm thực phẩm.

CÁ NỔI NHỎ

Kết nghiên cứu do Nhóm bảo vệ cá nổi Bắc Đại Tây Dương (the North Atlantic Pelagic Advocacy Group - NAPA) cho thấy trữ lượng cá trích Atlanto-Scandian ở Đông Bắc Đại Tây Dương đang có nguy cơ cạn kiệt nếu tình trạng đánh bắt quá mức không được ngăn chặn. Loài này đã phải đối mặt với các vấn đề về hoạt động khai thác quá mức trong nhiều năm qua nhưng các quốc gia ven biển vẫn tiếp tục gây áp lực lên trữ lượng cá trích Atlanto-Scandian bất chấp các khuyến nghị từ Hội đồng quốc tế về khám phá biển (the International Council for the Exploration of the Seas - ICES). Trên thực tế, các nhà nghiên cứu đã tuyên bố rằng trữ lượng cá trích Atlanto-Scandian có thể chỉ còn vài năm nữa là đạt đến điểm tham chiếu giới hạn sinh học “Blim” (biological limit reference point). Do đó, giá cá trích đang tăng ở châu Âu. Loại cá truyền thống (đặc biệt là đối với các nước Bắc Âu) có thể sớm biến mất khỏi các bữa ăn.

Giá xuất khẩu cá thu Na Uy tăng mạnh vào tháng 4/2024, trái ngược với mức giảm được thấy vào tháng 3/2024. Dự báo giá sẽ còn tăng cao hơn nữa do nhu cầu lớn và sản lượng đánh bắt hạn chế. Sản lượng cá thu khai thác tại Na Uy trong ba tháng đầu năm nay thấp hơn 20% so với cùng kỳ năm trước.

Cá trích của Na Uy cũng trong tình trạng tương tự, giá tăng vì nguồn cung rất thấp. Trong quý đầu tiên của năm 2024, xuất khẩu cá trích đông lạnh của Na Uy là 62.778 tấn, trị giá 101 triệu đô la Mỹ, giảm 23% về khối lượng và giảm 11% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023. Nguyên nhân chủ yếu là do sản lượng cá trích khai thác được trong quý đầu tiên của năm 2024 giảm so với cùng kỳ năm trước; chỉ có 96.000 tấn đã được khai thác trong giai đoạn này, so với 170.000 tấn trong quý đầu tiên của năm 2023. Ba Lan, Đan Mạch và Litva là những nước nhập khẩu chính cá trích Na Uy trong quý đầu tiên của năm 2024.

Giá phi lê cá trích của Na Uy đã biến động kể từ đầu năm 2024, giá giảm rồi phục hồi nhanh chóng, và tăng đến mức rất cao vào tháng 3 năm 2024, cụ thể phi lê cá trích của Na Uy có giá 2,00 đô la Mỹ một kg.

THỦY SẢN NƯỚC NGỌT

EU đã nhập khẩu 65.800 tấn cá tra đông lạnh vào năm 2023, bao gồm 91% là phi lê đông lạnh và 9% là cá nguyên con. Khoảng 85% lượng nhập khẩu có nguồn gốc từ Việt Nam.

Vương quốc Anh và Bắc Ireland là nước nhập khẩu cá tra đông lạnh lớn nhất châu Âu, ghi nhận lượng nhập khẩu ổn định và tăng. Năm 2023, tổng cộng 15.700 tấn cá tra đông lạnh từ Việt Nam đã được nhập khẩu vào Vương quốc Anh và Bắc Ireland, tăng 8,76% so với năm trước. Giá nhập khẩu trung bình giảm 6,06% so với mức năm 2022, còn 3,88 USD/kg vào năm 2023. Vương quốc Anh và Bắc Ireland đã trở thành nước nhập khẩu chính phi lê cá tra đông lạnh, chủ yếu từ Việt Nam. Năm 2023, khoảng 15.000 tấn sản phẩm này đã được nhập khẩu, tăng 1.000 tấn so với năm 2022 và tăng 2.000 tấn so với năm 2021. Giá trị nhập khẩu ổn định ở mức 48 triệu USD, cho thấy giá bình quân đã giảm trong năm 2023

Nhìn chung, thị trường xuất khẩu cá tra của Việt Nam khả quan trong những tháng đầu năm 2024, với khối lượng và giá xuất khẩu tăng so với cùng kỳ năm trước. Nhu cầu của Trung Quốc đặc biệt mạnh vào dịp Tết Nguyên đán đã khiến nguồn cung tại Việt Nam cho các thị trường khác giảm. EU đã triển khai hạn ngạch thuế quan tự chủ mới (autonomous tariff quotas - ATQs), cho phép nhập khẩu miễn thuế các sản phẩm hải sản cụ thể. Trong khi các ATQ này nhằm mục đích chặn nhập khẩu hải sản của Nga, đồng thời hệ thống này cũng tác động đến nhập khẩu cá rô phi. Hạn ngạch thuế quan cá rô phi 10.000 tấn làm tăng chi phí cho hoạt động thương mại cá rô phi vượt quá hạn ngạch này; có khả năng sẽ dẫn đến những thay đổi trong chiến lược cung cấp cá thịt trắng, chẳng hạn như chuyển từ cá rô phi sang tiêu thụ cá tra.

Ngọc Thúy (theo FAO)

Ý kiến bạn đọc

Tin khác