Vì vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xác định những khó khăn, nút thắt cần tiếp tục giải quyết. Đầu tiên là nút thắt về vốn tín dụng. Các gói tín dụng hiện nay tuy có lãi suất thấp nhưng cần đảm bảo mọi doanh nghiệp tiếp cận được dễ dàng (nhất là đối tượng các doanh nghiệp vừa và nhỏ/ hợp tác xã nông nghiệp) để có khả năng phục hồi sản xuất nhanh và xuất khẩu ngay đến các thị trường khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát và suy giảm.
Bên cạnh đó, áp lực chi phí sản xuất, thuế, phí. Do thị trường xuất khẩu bị ảnh hưởng, hoạt động kinh doanh đứt đoạn, lợi nhuận các doanh nghiệp suy giảm trong thời kỳ dịch bệnh, thương mại gián đoạn. Do đó áp lực chi phí sản xuất, phí, thuế với doanh nghiệp là rất lớn. Khi đơn hàng xuất khẩu giảm dần sẽ dẫn đến áp lực ngày càng cao đối với chi phí lưu kho, chi phí điện duy trì (nhất là kho lạnh bảo quản) và vốn tồn, ứ đọng hàng hóa.
Hệ thống logistic kho lạnh phục vụ bảo quản còn hạn chế. Cả nước hiện có 48 kho lạnh làm dịch vụ bảo quản nông thủy sản với công suất khoảng 700.000 palet và hàng nghìn kho lạnh với tổng công suất bảo quản ước đạt 2 triệu tấn sản phẩm phục vụ cho một số thị trường nhất định (chủ yếu là xuất khẩu). Tuy nhiên, với số lượng kho lạnh hiện nay còn chưa đáp ứng được nhu cầu bảo quản nông sản, thủy sản phục vụ nhu cầu bảo quản tươi và chế biến xuất khẩu, nhất là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Tình hình giao thương, thông quan hàng hóa nông sản tại các cửa khẩu biên giới cho đến thời điểm hiện tại vẫn diễn ra bình thường. trường hợp nếu dịch bệnh nguy cơ cao thì tốc độ thông quan sẽ chậm lại do phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định phòng chống dịch. Vấn đề thiếu hụt nguồn cung về nguyên liệu đầu vào cho sản xuất vì hạn chế về vận chuyển. Một số dự án đầu tư dây chuyền sản xuất bị đình trệ do phải chờ thiết bị ngoại nhập/chờ tư vấn nước ngoài hỗ trợ kỹ thuật.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định cơ chế vận hành kết nối giữa sản xuất và tiêu thụ cần thông suốt, liên tục. Tình trạng dư cung hoặc giá giảm sâu đối với một số nông sản vụ đông trong giai đoạn dịch bệnh vừa qua tại một số địa phương chính là bài học kinh nghiệm để Việt Nam hoàn thiện cơ chế vận hành kết nối địa phương với địa phương nhằm tạo ra chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ ổn định và chủ động.
Triển khai đồng bộ một số giải pháp
Trước những thách thức kép hiện nay của khu vực nông nghiệp, đó là: Đối phó với tác động biến thể mới của dịch Covid-19; Thời tiết nắng nóng diễn biến bất thường khắc nghiệt, dịch bệnh trong chăn nuôi, cây trồng diễn ra với những nguy cơ cao, rủi ro kinh tế - xã hội lớn trong bối cảnh phải đạt mục tiêu kép mà Trung ương Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã giao, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành Trung ương, các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp triển khai đồng bộ 04 giải pháp sau:
(1) Tổ chức sản xuất nông nghiệp, chú trọng chế biến, bảo quản để linh hoạt thích ứng với bối cảnh dịch bệnh: Rà soát kỹ lưỡng tổ chức sản xuất nông nghiệp, quy mô, sản lượng đối với các đối tượng cây trồng vật nuôi, nhất là các sản phẩm nông lâm thủy sản có tính chất mùa vụ trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Các nhà máy chế biến tăng cường công suất tập trung phân khúc hàng khô, sơ chế, sản phẩm cấp đông, nước quả cô đặc, trái cây ép đóng lon, thủy sản đồ hộp chế biến, gạo, gia cầm chế biến… để chuẩn bị tốt nhất phương án hậu dịch Covid-19 cho thị trường Trung Quốc, EU, Hoa Kỳ.
(2) Hỗ trợ chính sách thuế, tín dụng cho khu vực sản xuất, chế biến bảo quản và xuất khẩu nông sản: Khu vực sản xuất, chế biến bảo quản nông sản xuất khẩu cần đặc biệt quan tâm trong thời điểm trước mắt và trung hạn, đòi hỏi chi phí rất lớn, tính rủi ro cao trong hoàn cảnh cụ thể, kéo dài gấp 2-3 lần khoảng thời gian cần thiết cùng với việc nguy cơ phá vỡ một loạt các hợp đồng (kể cả các hợp đồng đã ký kết thực hiện). Do vậy, Bộ Nông nghiệp và PTNT kiến nghị Ngân hàng Nhà nước: Triển khai mạnh mẽ, hiệu quả các gói tín dụng đặc thù đối phó Covid-19 trong đó có thiết kế chính sách hỗ trợ riêng cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân, thực hiện cơ cấu lại nợ (khoanh nợ, dãn nợ, miễn giảm lãi vay), tiếp tục cho vay mới với lãi suất ưu đãi cho người dân, doanh nghiệp để phục hồi sản xuất, kinh doanh thuộc diện chịu ảnh hưởng của dịch; Đồng thời, triển khai chính sách ưu đãi lãi vay đối với các doanh nghiệp logistics, chế biến bảo quản nông sản để kịp thời hỗ trợ các dịch vụ hậu cần, lưu thông, kho lạnh, bảo quản hàng hóa nông lâm thủy sản trong suốt thời gian chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19.
|
Đối với Bộ Tài chính: Bộ Nông nghiệp và PTNT kiến nghị Bộ Tài chính triển khai nhanh chóng những giải pháp gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình hoạt động trong các lĩnh vực nông lâm thuỷ sản; Miễn thuế, miễn tiền thuê bến bãi, tiền điện, dịch vụ kho lạnh, bảo quản... cho các doanh nghiệp chế biến nông lâm thủy sản; hỗ trợ giảm lãi suất cho doanh nghiệp xuất khẩu; Xem xét giảm thuế tạm thời trong thời gian ngắn hạn đối với một số sản phẩm; giảm chi phí logistic với nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu.
(3) Tập trung giải quyết khó khăn, thuận lợi hóa thông quan, hạ tầng logistic: Thành lập Tổ công tác liên ngành (Bộ Công thương phối hợp Bộ Nông nghiệp và PTNT, Tổng cục Hải quan thành lập Tổ công tác liên ngành) tăng cường kiểm tra, kịp thời tham mưu Lãnh đạo hai Bộ tháo gỡ khó khăn cho các địa phương, doanh nghiệp, thúc đẩy tiêu thụ nông lâm thủy sản; phối hợp UBND các tỉnh biên giới chỉ đạo các trạm kiểm dịch, hải quan tăng cường các biện pháp hỗ trợ hoạt động thương mại biên giới, tạo thuận lợi thủ tục thông quan, không để ứ đọng hàng hóa trên các tỉnh biên giới với Trung Quốc.
Tăng cường quản lý nhà nước về thương mại, quản lý thị trường, lưu thông, cung ứng hàng hóa. Bộ Công thương kiên quyết xử lý các hành vị trục lợi, ép giá, gian lận thương mại, gây tâm lý hoang mang cho người sản xuất và tiêu dùng; hướng dẫn các địa phương cân đối cung cầu hàng hóa, tránh đưa hàng hóa nhiều lên các tỉnh biên giới tạo ùn tắc, ứ đọng hàng hóa.
Về hạ tầng logistic, Bộ Công Thương phối hợp Hiệp hội các doanh nghiệp dịch vụ logistic Việt Nam rà soát tổng thể năng lực lưu kho, bảo quản của hệ thống kho lạnh, container phục vụ nhu cầu của các doanh nghiệp xuất khẩu nông lâm thủy sản; có chính sách giá điện ưu đãi áp dụng cho vận hành kho lạnh; Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính có chính sách hỗ trợ phí, cước vận chuyển đường hàng không và đường biển đối với các thị trường trọng điểm (Hoa Kỳ, Châu Âu, Trung Đông) để tăng năng lực cạnh tranh và giảm chi phí giá thành cho doanh nghiệp Việt Nam.
(4) Thúc đẩy toàn diện tiêu thụ trong nước: Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và PTNT chuẩn bị đa dạng các biện pháp phân phối hàng hóa, kích cầu tiêu dùng trong nước để chuẩn bị cho các vụ thu hoạch, vận động mạnh mẽ phong trào “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; Hỗ trợ phân phối sản phẩm trên thị trường online trực tuyến, đẩy mạnh hỗ trợ dịch vụ nhận hàng mua, bán sản phẩm và lưu thông sản phẩm với chi phí tối thiểu.
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tiếp tục thực hiện quyết liệt các Công điện chỉ đạo của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, chỉ đạo của các Bộ ngành Trung ương trong việc phòng chống dịch bệnh; Thông tin kịp thời về tình hình sản xuất, lưu thông nông sản tại địa phương để chủ động điều chỉnh kế hoạch sản xuất theo nhu cầu thị trường tiêu thụ; Áp dụng nhanh chóng các chính sách khuyến khích đầu tư xây dựng cơ sở bảo quản lạnh, hỗ trợ sửa chữa, nâng cấp và sử dụng hiệu quả các cơ sở bảo quản lạnh trên địa bàn để sử dụng khi nông sản tiêu thụ khó khăn; Phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành nhằm đảm bảo thông suốt trong lưu thông vật tư nông nghiệp và nông sản trong thời gian cách ly, ứng phó dịch bệnh.
Các Hiệp hội ngành hàng nông lâm thủy sản phối hợp chặt chẽ với các đơn vị của Bộ Nông nghiệp và PTNT và Bộ Công Thương tập trung thúc đẩy tiêu thụ nội địa; Phát triển và nhân rộng các hình thức liên kết sản xuất tiêu thụ giúp ổn định giá cả và đầu ra cho bà con nông dân; Ứng dụng và đẩy mạnh phát triển các hình thức tiêu thụ nông sản, thủy sản thông qua các loại hình phân phối bản lẻ online; Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu có lợi thế bên cạnh các thị trường truyền thống.
Ngọc Thúy - FICen