Thủ tướng vừa phê duyệt Kế hoạch thực hiện Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland (UKVFTA). Theo đó, Kế hoạch thực hiện UKVFTA nhằm phân công nhiệm vụ, trách nhiệm cho các cơ quan, tổ chức liên quan, quyết định biện pháp chỉ đạo, điều hành triển khai thực hiện Hiệp định này.
Hiệp định thương mại UKVFTA được chính thức ký kết vào ngày 29/12/2020 tại Anh và có hiệu lực từ ngày 1/5/2021. Hiệp định này sẽ giúp Việt Nam và Vương quốc Anh duy trì các điều kiện thương mại ưu đãi và lợi ích kinh tế thông qua các cam kết mở cửa thị trường đã có trong Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA).
EVFTA là một Hiệp định thế hệ mới, có mức độ cam kết cao, bao trùm tầm ảnh hưởng rộng, hứa hẹn mang lại nhiều cơ hội mới nhưng cũng không ít thách thức to lớn cho nền kinh tế cả nước nói chung và khu vực nông nghiệp, nông thôn nói riêng. Trong đó, Ngành thủy sản được đánh giá là trong những ngành có nhiều cơ hội, ưu đãi mới và các nhóm hàng có lợi thế sớm nhất trong nhóm thủy, hải sản là tôm và một số loại cá tra.
Để đạt được mục tiêu nêu trên, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương cần cụ thể hóa và tổ chức triển khai thực hiện những nhiệm vụ cơ bản như tuyên truyền, phổ biến thông tin về UKVFTA và thị trường Vương quốc Anh. Đồng thời, xây dựng pháp luật, thể chế; nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển nguồn nhân lực; chính sách an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Đồng thời, cần tăng cường phổ biến về UKVFTA và thị trường Vương quốc Anh cho các đối tượng có liên quan, đặc biệt là các đối tượng có thể chịu tác động như nông dân, ngư dân, cơ quan quản lý cấp trung ương và địa phương, hiệp hội ngành nghề, hợp tác xã, cộng đồng doanh nghiệp, công nhân, các thành phần lao động khác thông qua các kênh truyền thông khác nhau cũng như các lớp tập huấn, khóa đào tạo trực tuyến, hội thảo. Việc này nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết của các đối tượng trên về nội dung cam kết cũng như các công việc cần triển khai để thực thi hiệu quả UKVFTA.
Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu thiết lập đầu mối thông tin về UKVFTA tại Bộ Công Thương để cung cấp thông tin, hướng dẫn và làm rõ các nội dung cam kết và các vấn đề có liên quan đến hiệp định.
Tăng cường năng lực, đẩy mạnh các chương trình xúc tiến thương mại
Thủ tướng cũng yêu cầu củng cố mạng lưới, tăng cường năng lực và đẩy mạnh công tác cung cấp thông tin, dự báo về thị trường Vương quốc Anh và thị trường trong nước của các cơ quan nhà nước có chức năng cung cấp thông tin về thương mại - đầu tư. Việc này nhằm giúp các doanh nghiệp Việt Nam có thể kịp thời nắm bắt các thông tin, yêu cầu về kỹ thuật, quy định về quản lý xuất nhập khẩu hàng hóa của Vương quốc Anh.
Ngoài ra, các bộ ngành liên quan cũng cần đẩy mạnh các chương trình xúc tiến thương mại - đầu tư tại Vương quốc Anh.
Thủ tướng cũng yêu cầu tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các thiết chế cần thiết để thực thi hiệp định; xây dựng các chương trình hỗ trợ, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các ngành hàng, doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ, nông dân.
Đồng thời, chuẩn bị những giải pháp ứng phó, hỗ trợ đối với những ngành hàng, mặt hàng chịu tác động lớn, trực tiếp từ việc thực thi hiệp định; Đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp Việt tham gia vào mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng có sự tham gia của các doanh nghiệp Vương quốc Anh để tận dụng lợi ích của hiệp định.
Bên cạnh đó, thúc đẩy việc công nhận lẫn nhau về kết quả đánh giá sự phù hợp với Vương quốc Anh, đặc biệt đối với sản phẩm, hàng hóa xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam sang Vương quốc Anh.
Ngành hàng thủy sản có lợi thế sớm nhất
Hiệp định UKVFTA được nhận định mở ra nhiều cơ hội thúc đẩy xuất khẩu cho hàng loạt mặt hàng xuất khẩu tỷ USD của Việt Nam vào thị trường Anh giàu tiềm năng. Với cam kết có được từ Hiệp định UKVFTA, thuế nhập khẩu hầu hết tôm nguyên liệu (tươi, đông lạnh, ướp lạnh) của Việt Nam vào Anh được giảm từ mức thuế cơ bản 10-20% xuống 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Các nhóm hàng có lợi thế sớm nhất trong nhóm thủy, hải sản là tôm và một số loại cá (cá tra). Theo đó, những ngành chế biến tôm và cá tra sẽ có cơ hội thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu cũng như có triển vọng thu hút đầu tư để tận dụng các cam kết này.
Mặt khác, với Hiệp định UKVFTA, Việt Nam sẽ có thêm lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ mạnh đến từ Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines và Myanmar. Đây là những nước chưa có triển vọng ký kết FTA với Vương quốc Anh trong nhiều năm tới. Ngoài ra, Việt Nam còn có thêm cơ hội mở rộng nguồn cung hàng hóa; mở rộng hợp tác đầu tư và chuyển giao công nghệ.
Đối với lĩnh vực thủy sản, Anh hiện chiếm trên 4% trong tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Đáng lưu ý là năm 2020 dù Anh đã ra khỏi EU, nhưng xuất khẩu các sản phẩm thủy sản sang thị trường này vẫn được hưởng thuế theo cơ chế của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đến hết năm 2020. “Do đó, việc kết thúc đàm phán Hiệp định UKVFTA có vai trò đảm bảo thương mại song phương giữa Việt Nam và Anh không bị gián đoạn sau khi giai đoạn chuyển tiếp của tiến trình Brexit kết thúc”.
Năm 2020, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Anh đạt khoảng 355 triệu USD, trong đó, tôm, cá tra, cua, ghẹ và các loại cá biển là những sản phẩm đạt mức tăng trưởng tích cực. Đặc biệt, sản phẩm cá tra chế biến tăng trưởng tốt, gấp hơn 15 lần so với năm 2019.
Có thể nói, cùng với Hiệp định EVFTA, hiệp định UKVFTA mở ra cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong năm 2021. Để tận dụng hết những cơ hội có được từ các Hiệp định trên, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản của Việt Nam phải nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm thủy sản thông qua chất lượng và giá cả; xây dựng và bảo vệ thương hiệu để thúc đẩy xuất khẩu bền vững.
Các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản cần chủ động chuẩn bị năng lực, nguồn hàng, nâng cao sức cạnh tranh và năng lực sản xuất, kinh doanh, ứng dụng khoa học - công nghệ nhằm gia tăng giá trị sản phẩm thủy sản.
Văn Thọ