Đắk Lắk phấn đấu trên 99% cơ sở sản xuất, kinh doanh đạt an toàn thực phẩm (08-08-2024)

Trong không khí thi đua hướng tới chào mừng 120 năm thành lập tỉnh, Đắk Lắk đã đặt mục tiêu phấn đấu tỷ lệ cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản được chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm đạt trên 99%.
Đắk Lắk phấn đấu trên 99% cơ sở sản xuất, kinh doanh đạt an toàn thực phẩm

Trong thời gian qua, Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Đắk Lắk đã nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá chất lượng của từng cơ sở chăn nuôi, sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh, qua đó giúp người dân yên tâm lựa chọn thực phẩm, góp phần đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng.

Hàng năm, thông qua công tác hậu kiểm về an toàn thực phẩm (ATTP), Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Đắk Lắk (Chi cục) đã kịp thời phát hiện, kiến nghị xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật, truy xuất, xử lý tận gốc lô hàng, sản phẩm không đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, thông tin rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng loại sản phẩm, tổ chức, cá nhân vi phạm.

Năm 2024, trong không khí thi đua hướng tới chào mừng 120 năm thành lập tỉnh Đắk Lắk, ngay từ đầu năm, Chi cục đã chủ động xây dựng kế hoạch, phân công, phân nhiệm vụ và đặt mục tiêu phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Đơn vị thường xuyên theo dõi, cập nhật, rà soát văn bản pháp luật liện quan đến lĩnh vực chất lượng, chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản để kịp thời tham mưu xây dựng, đề xuất chỉnh sửa bổ sung làm cơ sở áp dụng triển khai thực hiện, kịp thời đưa các chính sách vào thực tiễn.

Chi cục đã tham mưu Sở Nông nghiệp và PTNT trình UBND tỉnh ban hành Kế hoạch đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk năm 2024; tham mưu Sở kiến nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT giải pháp tháo gỡ khó khăn nhằm nâng cao chất lượng sầu riêng. Bên cạnh đó, Chi cục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông lâm thủy sản, thực hiện lấy mẫu để giám sát an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản theo Thông tư 08/2016/TTBNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và PTNT; đồng thời giám sát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đối với sản phẩm sầu riêng tại vùng trồng, cơ sở đóng gói đã được cấp mã số.

Với nhiệm vụ được giao, Chi cục tập trung triển khai và nhân rộng các mô hình áp dụng thực hành sản xuất tốt gắn với chứng nhận và công bố tiêu chuẩn chất lượng. Theo đó, Chi cục đã hỗ trợ 10 mô hình chứng nhận VietGAP; đẩy mạnh hỗ trợ phát triển thương hiệu sản phẩm nông lâm thủy sản đảm bảo chất lượng ATTP, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, quảng bá giới thiệu sản phẩm, nhất là sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP; đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, kết nối, liên kết tiêu thụ sản phẩm truyền thống, sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP thông qua các Hội chợ, chương trình ký kết hợp tác tăng 20% so với năm 2023.

Năm 2024, Chi Cục nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ, phấn đấu tỷ lệ cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản được chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm đạt trên 99%; tỷ lệ các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản nhỏ lẻ ký cam kết tuân thủ quy định an toàn thực phẩm đạt 93,0% trên tổng số cơ sở được thống kê; tỷ lệ mẫu thực phẩm nông lâm thủy sản được giám sát vi phạm các quy định ATTP giảm 10% (so với năm 2023); tỷ lệ cơ sơ chế, chế biến thực phẩm nông lâm thủy sản được chứng nhận HACCP, ISO 22000 hoặc tương đương tăng 10% (so với năm 2023); số lượng chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn tăng 20% (so với năm 2023).

Ngọc Thúy (tapchicongthuong.vn)

Ý kiến bạn đọc

Tin khác