Thái Nguyên tiếp tục triển khai tốt công tác quản lý ATTP (07-06-2024)

Trong năm 2023 và 5 tháng đầu năm 2024, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Thái Nguyên (Sở Nông nghiệp và PTNT) đã tổ chức lấy 131 mẫu nông lâm thủy sản để phân tích ATTP.
Thái Nguyên tiếp tục triển khai tốt công tác quản lý ATTP
Ảnh minh họa

Cụ thể: 52 mẫu tại vùng sản xuất tập trung; 27 mẫu tại chợ trung tâm, chợ truyền thống; 10 mẫu tại cơ sở sản xuất, kinh doanh; 42 mẫu tại các chủ thể được chứng nhận OCOP. Chỉ tiêu kiểm nghiệm chủ yếu gồm: dư lượng thuốc bảo vệ thực vật; dư lượng kháng sinh; dư lượng chất phụ gia; kim loại nặng; định lượng vi sinh trong thực phẩm; các chỉ tiêu về độ ẩm… Qua kết quả phân tích, có 130 mẫu đạt yêu cầu và 1 mẫu không đạt yêu cầu (mẫu cá trắm cỏ) do phát hiện chất Malachite Green là hóa chất cấm sử dụng trong sản xuất, kinh doanh thủy sản. Cùng với đó, Chi cục cũng thẩm định, xếp loại cơ sở đủ điều kiện ATTP với 105 cơ sở. Theo đó, có  37 cơ sở xếp loại A và 68 cơ sở xếp loại B.

Trước đó, năm 2023, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã có Công văn số 1996/TB-BNN-VP thông báo “Kết quả xếp hạng các địa phương về triển khai công tác quản lý ATTP nông lâm thủy sản năm 2022” và Thái Nguyên thuộc “Nhóm địa phương triển khai tốt công tác quản lý ATTP nông lâm thủy sản”.

Việc triển khai đánh giá, xếp hạng công tác quản lý ATTP nông lâm thủy sản đã được triển khai từ năm 2015. Theo đó, Bộ tiêu chí và quy trình đánh giá công tác quản lý ATTP nông lâm thủy sản tại địa phương được Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành tại Quyết định số 4070 ngày 14/10/2015, bao gồm 16 tiêu chí với tổng số điểm là 100 (mỗi một tiêu chí quy định có số điểm nhất định). Việc đánh giá các địa phương dựa trên Bộ tiêu chí gồm: Chỉ đạo, điều hành công tác quản lý ATTP; tuyên truyền, giáo dục, truyền thông nâng cao nhận thức về ATTP và ý thức chấp hành pháp luật về ATTP; giám sát, kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm pháp luật về ATTP; tăng cường năng lực công tác quản lý ATTP; xây dựng và phát triển chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn. Kết quả đánh giá, xếp hạng được dựa trên phản ảnh trung thực, khách quan hiệu quả triển khai công tác quản lý ATTP nông lâm thủy sản tại mỗi địa phương.

Tuy nhiên, ngày 19/12/2023, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ban hành Công văn số 9273/BNN-CCPT về chấm điểm công tác quản lý chất lượng, chế biến và phát triển nông lâm thủy sản. Theo nội dung văn bản, Bộ Nông nghiệp và PTNT sẽ tạm dừng việc đánh giá, xếp hạng công tác quản lý ATTP nông lâm thủy sản từ năm 2023.

Siết chặt quản lý ATTP

Thời gian qua, công tác đảm bảo ATTP luôn được cấp ủy, chính quyền và ngành chức năng của tỉnh Thái Nguyên quan tâm đẩy mạnh, đặc biệt là trong Tháng hành động vì ATTP. Qua đó tạo sự chuyển biến rõ rệt, tích cực trong lĩnh vực này.

Huyện Định Hóa hiện có 3.827 cơ sở sản xuất, kinh doanh; chủ yếu là các cơ sở có quy mô nhỏ lẻ. Để thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về ATTP, cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở đã ban hành nhiều văn bản triển khai thực hiện; tuyên truyền, phổ biến kiến thức và nâng cao trách nhiệm cho cán bộ và người dân về ATTP; tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về ATTP. Trong 4 tháng đầu năm 2024, đã kiểm tra 252 cơ sở, phát hiện và xử phạt 1 cơ sở.

Tại TP. Phổ Yên, từ đầu năm 2024 đến nay, địa phương đã thành lập 19 đoàn kiểm tra công tác đảm bảo ATTP tại 315 cơ sở sản xuất, kinh doanh. Qua đó phát hiện và xử phạt 6 cơ sở vì các lỗi vi phạm như: kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ; mua bán động vật mắc bệnh, sản phẩm động vật mang mầm bệnh thuộc danh mục bệnh động vật phải công bố dịch. Những năm gần đây, số cơ sở, cửa hàng sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tăng. Vì vậy, công tác đảm bảo ATTP luôn được thành phố chú trọng. Cụ thể, UBND thành phố thường xuyên chỉ đạo cơ quan chuyên môn, UBND các xã, phường tăng cường quản lý đảm bảo ATTP; kiểm tra có trọng tâm - trọng điểm.

Mặc dù các địa phương đã quan tâm công tác quản lý nhà nước về ATTP trên địa bàn, nhưng qua kiểm tra thực tế của Đoàn kiểm tra liên ngành số 3 do Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì trong Tháng hành động vì An toàn vệ sinh thực phẩm năm 2024 (trong các ngày từ 15-4 đến 15-5), vẫn phát hiện một số vi phạm như: Sản phẩm thông tin chưa đầy đủ trên nhãn mác; lấy mẫu và lưu mẫu thực phẩm chưa đúng quy định; hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ...

Ông Vũ Văn Phán, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản tỉnh, Phó Trưởng Đoàn kiểm tra liên ngành số 3, cho biết: Đối với các cơ sở vi phạm, ngoài việc lập biên bản và chuyển Ban Chỉ đạo liên ngành của huyện, thành phố xử lý theo quy định, Đoàn tuyên truyền, nhắc nhở, khuyến cáo chủ cửa hàng phải có đầy đủ giấy tờ theo quy định, thực hiện nghiêm việc buôn bán hàng hóa đảm bảo ATTP. Đoàn cũng đề nghị các địa phương đẩy mạnh hơn công tác tuyên truyền, để người tiêu dùng chủ động lựa chọn hàng hóa tại các điểm kinh doanh uy tín, đảm bảo chất lượng; kiên quyết nói không với các mặt hàng thiếu thông tin, xuất xứ.

Ngọc Thúy (baothainguyen.vn)

Ý kiến bạn đọc

Tin khác