Bình Định: Tăng cường năng lực quản lý, kiểm soát dịch bệnh thủy sản, đảm bảo an toàn thực phẩm (24-10-2023)

Vừa qua, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Bình Định đã ban hành Kế hoạch triển khai các nhiệm vụ trọng tâm nhằm tăng cường năng lực quản lý, kiểm soát dịch bệnh động vật và bảo đảm an toàn thực phẩm có nguồn gốc động vật trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 – 2030.
Bình Định: Tăng cường năng lực quản lý, kiểm soát dịch bệnh thủy sản, đảm bảo an toàn thực phẩm
Ảnh minh họa

Theo Kế hoạch, mục tiêu chung là xây dựng các cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh (ATDB) đối với gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh, phục vụ tiêu dùng trong tỉnh, trong nước, đảm bảo sức khỏe người dân và tiến tới xuất khẩu; kiểm soát thuốc, vắc xin thú y bảo đảm đạt yêu cầu chất lượng, an toàn, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch bệnh động vật, an toàn thực phẩm, giảm thiểu nguy cơ kháng thuốc. Đặc biệt, ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong công tác quản lý chuyên ngành thú y, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành.

Để đạt được các mục tiêu đặt ra, UBND tỉnh đưa ra các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm để thực hiện, gồm: (1) Nâng cao năng lực quản lý, kiểm soát dịch bệnh động vật, bệnh truyền lây giữa động vật và người; (2) Tăng cường năng lực quản lý, kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y và ATTP đối với động vật, sản phẩm động vật; (3) Nâng cao năng lực quản lý thuốc, vắc xin thú y đảm bảo chất lượng, an toàn, hiệu quả; (4) Ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong công tác thú y; (5) Nguồn kinh phí thực hiện. Đồng thời giao nhiệm vụ cụ thể cho các Sở, ban, ngành có liên quan.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Tổ chức, triển khai thực hiện các hoạt động đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm có nguồn gốc động vật; tham mưu UBND tỉnh ban hành các quy định, chính sách về phòng, chống dịch bệnh, xây dựng vùng, cơ sở ATDB động vật trên địa bàn tỉnh; xây dựng kế hoạch phòng chống dịch bệnh, kế hoạch tuyên truyền, tập huấn, kế hoạch giám sát an toàn thực phẩm có nguồn gốc động vật, giám sát chất lượng thuốc thú y, giám sát chủ động, bị động lưu hành vi rút, giám sát sau tiêm phòng ...  tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y trên địa bàn tỉnh.

Mặt khác, xây dựng Kế hoạch đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong công tác thú y của tỉnh Bình Định, giai đoạn 2023 - 2030, bảo đảm liên thông, kết nối có hiệu quả với hệ thống của Trung ương; chuẩn bị cơ sở vật chất, nguồn nhân lực tiếp nhận, vận hành, sử dụng các hệ thống, dữ liệu được Trung ương xây dựng; triển khai có hiệu quả các phần mềm hệ thống dữ liệu truy xuất nguồn gốc thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn trên địa bàn tỉnh.

Hướng dẫn, giám sát, đôn đốc các địa phương, các doanh nghiệp, cơ sở chăn nuôi kiểm soát tốt các loại dịch bệnh; hướng dẫn tổ chức xây dựng, đánh giá, công nhận cơ sở, vùng ATDB theo quy định của Việt Nam và WOAH (nếu có). Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc kê đơn, bán và sử dụng thuốc thú y theo đơn; giám sát việc phối trộn và sử dụng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi.

Sở Y tế: Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai các hoạt động phòng chống kháng thuốc, chia sẻ kịp thời thông tin về kháng thuốc trong y tế và quản lý ATTP trong chuỗi cung ứng thực phẩm có nguồn gốc động vật; triển khai các biện pháp bảo đảm ATTP theo quy định của pháp luật. Tăng cường các biện pháp ngăn chặn hoạt động kinh doanh, buôn bán kháng sinh trong y tế để sử dụng trong nông nghiệp.

UBND các huyện, thị xã, thành phố: Tăng cường quản lý chặt chẽ các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm được phân công, được phân cấp quản lý tại địa phương; tăng cường công tác quản lý hoạt động kiểm soát giết mổ, vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm thuộc thẩm quyền; tổ chức kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hoạt động mua bán, giết mổ động vật, sản phẩm động vật thuộc địa bàn; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Đẩy mạnh các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, chủ động phòng chống dịch bệnh để kiểm soát tốt các loại dịch bệnh động vật; vận động các cơ sở chăn nuôi và ưu xây dựng cơ sở, vùng ATDB và duy trì các cơ sở, vùng ATDB hiện có. Tổ chức kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra, vào vùng ATDB, vùng đệm; kiểm soát giết mổ động vật, vệ sinh thú y trong vùng ATDB, vùng đệm, bảo đảm không để dịch bệnh xâm nhiễm từ ngoài vào bên trong, lây lan trong vùng, lây lan giữa các vùng. Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc kê đơn, bán và sử dụng thuốc thú y theo đơn; giám sát sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản tại địa phương.

Thành lập và duy trì hoạt động của Đoàn Thanh tra liên ngành, tổ chức thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong công tác chăn nuôi, thú y; nhất là hoạt động mua bán thuốc thú y, kiểm soát giết mổ, an toàn thực phẩm có nguồn gốc động vật thuộc địa bàn quản lý; chủ động xây dựng kế hoạch phòng chống dịch bệnh, kế hoạch giám sát an toàn thực phẩm có nguồn gốc động vật, giám sát chủ động lưu hành vi rút, giám sát sau tiêm phòng ...

Thanh Thủy

Ý kiến bạn đọc

Tin khác