Hòa Bình: Tăng cường công tác quản lý, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thủy sản (09-10-2023)

Nhằm tiếp tục phát huy những tiềm năng, lợi thế trong sản xuất nông sản nói chung và thủy sản nói riêng, vượt qua khó khăn thách thức khó lường để kiểm soát, duy trì chất lượng an toàn nông sản của tỉnh thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ trong nước và hướng tới xuất khẩu, đặc biệt chú trọng đến các sản phẩm thủy sản. Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Hòa Bình ban hành công văn về tăng cường quản lý, đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) trong sản xuất, kinh doanh thủy sản phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Hòa Bình: Tăng cường công tác quản lý, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thủy sản
Ảnh minh họa

Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các Sở, ngành, UBND các huyện, thành phố; các tổ chức, cá nhân nuôi trồng và kinh doanh thủy sản tăng cường công tác quản lý, đảm bảo vệ sinh ATTP trong sản xuất, kinh doanh thủy sản phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, cụ thể:

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Quản lý chặt chẽ các cơ sở thuộc diện phải cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện bảo đảm ATTP, thực hiện nghiêm túc việc thẩm định, đánh giá, cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP và xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát định kỳ điều kiện ATTP quy định; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý trách nhiệm trong công tác thi hành pháp luật về quản lý ATTP nông lâm thủy sản đối với các cơ quan, đơn vị trực thuộc, đặc biệt đối với việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về nuôi trồng, khai thác, thu mua, sơ chế thủy sản; tổ chức xác minh, truy xuất nguồn gốc và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về ATTP theo đúng quy định của pháp luật; triển khai ngay các biện pháp ngăn chặn, xử lý vi phạm khi đã xác định được cơ sở nuôi sử dụng hóa chất, kháng sinh cấm và các cơ sở kinh doanh thuốc cấm sử dụng.

Thường xuyên tổ chức hoạt động kiểm tra, đánh giá năng lực, chất lượng công tác của đội ngũ này nhằm phát huy hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý ATTP nông, lâm thủy sản nói chung, thủy sản nói riêng; tăng cường tập huấn, tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở sản xuất giống, cơ sở nuôi trồng thủy (NTTS) sản đáp ứng các điều kiện đảm bảo ATTP; tạo kênh tiếp nhận và xử lý các phản ánh về việc vi phạm ATTP trong sản xuất kinh doanh thủy sản, mua bán thuốc thú y thủy sản và hóa chất cấm sử dụng.

Phối hợp với các Sở, ban, ngành, UBND các huyện/thành phố tổ chức có chất lượng, hiệu quả các chương trình xúc tiến tiêu thụ các sản phẩm nông lâm thủy sản đặc thù của tỉnh tại thị trường trong nước và Quốc tế thông qua các hoạt động như: Hội chợ, tuần lễ, hội nghị xúc tiến… Đồng thời, phối hợp với các đơn vị có liên quan tổng hợp các khó khăn, vướng mắc trong công tác triển khai đăng ký NTTS lồng bè, đối tượng thủy sản nuôi chủ lực về điều kiện đăng ký và chứng nhận đủ điều kiện NTTS,..

Sở Y tế: Tổ chức thanh tra, kiểm tra đảm bảo ATTP đối với cơ sở thuộc thẩm quyền quản lý, chú trọng kiểm tra về chất lượng thực phẩm, xuất xứ của sản phẩm thủy sản được sử dụng tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, nhà hàng, nhà hàng trong khách sạn, bếp ăn tập thể, cơ sở chế biến suất ăn sẵn; phối hợp với Sở, ngành có liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về ATTP đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thủy sản, hải sản cung ứng cho các nhà hàng, nhà hàng trong khách sạn...; xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định của pháp luật. 

Cùng đó, tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, giới thiệu cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, nhà hàng, nhà hàng trong khách sạn, bếp ăn tập thể, cơ sở chế biến suất ăn sẵn... sử dụng, tiêu thụ sản phẩm thủy sản được nuôi trồng trên địa bàn tỉnh đã được chứng nhận, có thương hiệu; các sản phẩm thủy sản từ các chuỗi liên kết sản xuất đảm bảo sản phẩm phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

Sở Tài nguyên và Môi trường: Triển khai có hiệu quả Luật Đất đai trong việc giao và cho thuê đất có mặt nước để thực hiện NTTS đối với các tổ chức, doanh nghiệp khi có nhu cầu thuê mặt nước để thực hiện NTTS bằng lồng bè.

Công an tỉnh: Tăng cường quản lý hoạt động của người nước ngoài trên địa bàn tỉnh, đảm bảo đúng mục đích nhập cảnh; rà soát, xử lý đối với các dự án, doanh nghiệp có vi phạm trong đầu tư, hoạt động sản xuất kinh doanh thủy sản tại địa phương; triển khai việc thu thập thông tin về các tổ chức, cá nhân vận chuyển và kinh doanh thủy sản; xây dựng các kế hoạch, chuyên đề để đấu tranh, phòng ngừa việc kinh doanh thủy sản không rõ nguồn gốc xuất xứ và sản phẩm thủy sản không đảm bảo ATTP.

Cục Quản lý thị trường: Tăng cường chỉ đạo thực hiện kiểm tra, kiểm soát và phối hợp với cơ quan chuyên ngành cấp tỉnh, cấp huyện để kiểm tra, kiểm soát, lưu thông kinh doanh sản phẩm thủy sản trên thị trường; xử lý nghiêm các sản phẩm thủy sản không rõ nguồn gốc xuất xứ và thủy sản không đảm bảo ATTP.

UBND các huyện, thành phố: Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật trong NTTS về việc sử dụng hóa chất, chất cải tạo môi trường nuôi; hỗ trợ việc chứng nhận quy trình thực hành nông nghiệp tốt (GAP) trong NTTS. 

Thực hiện rà soát, thống kê các cơ sở sản xuất, kinh doanh thủy sản trên địa bàn; triển khai ký cam kết ATTP và kiểm tra việc thực hiện cam kết đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thủy sản nhỏ lẻ trên địa bàn; thực hiện công tác giao đất và thuê đất  mặt nước để NTTS bằng lồng bè tại các sông, hồ trên địa bàn cho các tổ chức, hộ gia định và cá nhân theo quy định của Luật Đất đai; để các tổ chức, các nhân NTTS bằng lồng bè có đủ điều kiện thực hiện đăng ký lồng bè theo quy định của Luật Thủy sản và tạo động lực phát triển thủy sản phục vụ cho xuất khẩu thủy sản của tỉnh trong giai đoạn 2025-2030 và những năm tiếp theo; vận động, tuyên truyền các hộ cá nhân liên kết thành lập các tổ hợp tác, Hợp tác xã hoặc doanh nghiệp để phát triển NTTS; xây dựng và phát triển các chuỗi liên kết từ khâu nuôi trồng, sơ chế, chế biến, tiêu thụ thủy sản; NTTS theo hướng VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ, sản phẩm OCOP … nhằm nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.

Các tổ chức, cá nhân nuôi trồng và kinh doanh thủy sản: Áp dụng các biện pháp kỹ thuật, khoa học công nghệ trong NTTS; nghiêm cấm việc sử dụng hóa chất, kháng sinh bị cấm trong NTTS; thường xuyên nâng cấp, cải tạo cơ sở vật chất nhằm nâng cao chất lượng, mẫu mã bao bì sản phẩm để phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng; thường xuyên tham gia các chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài nước nhằm tìm kiếm đối tác, đặc biệt là thị trường nước ngoài.

Cập nhật các rào cản kỹ thuật, những quy định về chất lượng, ATTP sản phẩm thủy sản của nước nhập khẩu để tránh những vi phạm, làm thiệt hại về kinh tế cũng như mất uy tín về chất lượng thủy sản của tỉnh; liên kết, hình thành các chuỗi khép kín từ khâu nuôi trồng, sơ chế, chế biến, bảo quản và kinh doanh thủy sản; tăng cường sử dụng các biện pháp bảo hộ sản phẩm trên thị trường như: Tem truy xuất nguồn gốc, sử dụng nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể.

Thanh Thủy

Ý kiến bạn đọc

Tin khác