Tiếp tục duy trì uy tín chất lượng, an toàn thực phẩm thủy sản của Việt Nam (15-09-2023)

Kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam 8 tháng đầu năm 2023 đạt 5,68 tỷ USD, giảm 25,1% so với cùng kỳ năm 2022. Nguyên nhân của sự suy giảm này bên cạnh yếu tố sức mua của thị trường, còn có việc các quốc gia nhập khẩu lớn áp dụng yêu cầu mới về kỹ thuật, truy xuất nguồn gốc, tăng cường việc thanh tra tại quốc gia xuất khẩu.
Tiếp tục duy trì uy tín chất lượng, an toàn thực phẩm thủy sản của Việt Nam
Các sản phẩm đông lạnh từ cá tra.

Theo Bộ NN-PTNT, trong tháng 6/2023, Ủy ban châu Âu (EC) đã cử đoàn thanh tra điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm chuỗi sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản thủy sản xuất khẩu của Việt Nam và đã phát hiện một số tồn tại, hạn chế về điều kiện vệ sinh của các cơ sở trong chuỗi sản xuất, chế biến, đặc biệt tại các cơ sở trong khâu sản xuất ban đầu (khai thác, nuôi trồng thủy sản); hiệu lực, hiệu quả thi hành pháp luật trong quản lý nhà nước chưa cao. Nhằm khẩn trương khắc phục các sai lỗi về hệ thống kiểm soát, tiếp tục duy trì uy tín chất lượng, an toàn thực phẩm thủy sản của Việt Nam, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT yêu cầu:

Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở NN-PTNT thực hiện một số nội dung, cụ thể như sau:

Rà soát, tham mưu UBND tỉnh/thành phố hoàn thiện tổ chức, bộ máy, phân công, phân cấp nhiệm vụ quản lý an toàn thực phẩm lĩnh vực nông lâm thủy sản nói chung và hải sản nói riêng trên địa bàn tỉnh theo quy định, đảm bảo tính thống nhất trên toàn quốc; chịu trách nhiệm báo cáo các nội dung liên quan đến lĩnh vực được giao, được phân cấp quản lý theo quy định của pháp luật hiện hành.

Thực hiện nghiêm túc việc thẩm định, đánh giá, cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát định kỳ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định. Tham mưu UBND tỉnh/thành phố chỉ đạo đơn vị được phân cấp quản lý cơ sở sản xuất, kinh doanh không thuộc diện cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh thống kê cập nhật danh sách (tàu cá có chiều dài dưới 15m, cơ sở nuôi trồng thủy sản nhỏ lẻ...), đẩy mạnh công tác ký cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm, kiểm tra việc thực hiện cam kết . Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý trách nhiệm trong công tác thi hành pháp luật về quản lý an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản đối với các cơ quan, đơn vị trực thuộc, đặc biệt đối với việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về nuôi trồng, khai thác, thu mua, sơ chế thủy sản. Tổ chức xác minh, truy xuất nguồn gốc và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về an toàn thực phẩm theo đúng quy định của pháp luật (bao gồm áp dụng các biện pháp đình chỉ hoạt động, tước quyền sử dụng giấy phép, công khai hành vi vi phạm...); triển khai ngay các biện pháp ngăn chặn, xử lý vi phạm khi đã xác định được cơ sở nuôi sử dụng hóa chất, kháng sinh cấm; tổ chức, cá nhân mua bán thuốc thú y, hóa chất cấm sử dụng.

Quan tâm, chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ cho đội ngũ công chức, viên chức, kiểm tra viên về an toàn thực phẩm tại địa phương, thường xuyên tổ chức hoạt động kiểm tra, đánh giá năng lực, chất lượng công tác của đội ngũ này nhằm phát huy hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản nói chung, thủy sản nói riêng…

Các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ NN-PTNT

          Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường: Tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn cho cán bộ làm công tác quản lý an toàn thực phẩm của cơ quan địa phương thực hiện thẩm định, kiểm tra, giám sát điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm các cơ sở trước chế biến (cơ sở thu mua, sơ chế, cơ sở sản xuất nước đá) đáp ứng quy định hiện hành. Trước mắt triển khai cho các cơ sở trong chuỗi sản xuất, xuất khẩu thủy sản vào thị trường châu Âu (EU).

Xây dựng trình Bộ ban hành Chương trình kiểm soát an toàn thực phẩm chuỗi thủy sản xuất khẩu vào EU đảm bảo các cơ sở tham gia chuỗi phải đáp ứng đầy đủ quy định của EU, quy định của Việt Nam và được cơ quan có thẩm quyền Việt Nam kiểm soát đảm bảo an toàn thực phẩm, cơ quan thẩm quyền EU công nhận vào Danh sách được phép xuất khẩu sang EU. Hoàn thành trước 30/9/2023.

Thực hiện thẩm định, đánh giá sự tuân thủ quy định, quy chuẩn của Việt Nam và EU về an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sơ chế cung cấp nguyên liệu, bán thành phẩm cho cơ sở chế biến xuất khẩu, kho độc lập bảo quản thành phẩm thủy sản xuất khẩu đi thị trường EU; đăng ký đề nghị EU đưa tên các cơ sở sơ chế, kho độc lập bảo quản thành phẩm thủy sản vào Danh sách cơ sở được phép xuất khẩu vào EU trong trường hợp kết quả thẩm định, đánh giá đạt yêu cầu

Tham mưu trình Bộ NN-PTNT khung cơ sở dữ liệu toàn quốc về quản lý an toàn thực phẩm cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản và truy xuất nguồn gốc.

          Cục Thủy sản: Tổng hợp đầy đủ các khó khăn, vướng mắc và kiến nghị của các địa phương trong công tác triển khai đăng ký nuôi trồng thủy sản lồng bè, đối tượng thủy sản nuôi chủ lực về điều kiện đăng ký và chứng nhận đủ điều kiện nuôi trồng thủy sản để tiếp thu hoàn thiện Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 26/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản.

Tổ chức các khóa tập huấn, hướng dẫn cho cán bộ làm công tác quản lý an toàn thực phẩm của cơ quan địa phương thực hiện thẩm định, kiểm tra, giám sát điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm các cơ sở sản xuất ban đầu (cơ sở nuôi trồng thủy sản, cảng cá, tàu cá) đáp ứng quy định hiện hành. Trước mắt triển khai cho các cơ sở trong chuỗi sản xuất, xuất khẩu thủy sản vào EU.

Chỉ đạo cơ quan địa phương kiểm tra, xử lý vi phạm trong sản xuất kinh doanh chất xử lý cải tạo môi trường nuôi, vật tư nông nghiệp trong nuôi trồng, khai thác thủy sản.

          Cục Thú y : Chỉ đạo các cơ quan địa phương tăng cường kiểm soát, xử lý vi phạm các hành vi buôn bán, phân phối hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng trong sản xuất, kinh doanh động vật thủy sản, thuốc thú y thủy sản chưa được cấp phép lưu hành tại Việt Nam. Phối hợp với Cơ quan Công an, Bộ đội Biên phòng để điều tra, xử lý triệt để các vi phạm sản xuất, buôn bán, sử dụng hóa chất, kháng sinh cấm, thuốc thú y thủy sản chưa được cấp phép lưu hành tại Việt Nam.

          Đối với các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản: Rà soát các chương trình quản lý chất lượng an toàn thực phẩm theo HACCP đặc biệt là chế độ tự kiểm tra, thẩm tra của doanh nghiệp đối với các cơ sở cung cấp nguyên liệu, bán thành phẩm cho việc chế biến, xuất khẩu nói chung và vào EU nói riêng.

Chủ động thiết lập chuỗi sản xuất, chế biến, xuất khẩu đáp ứng quy định của các thị trường, trong đó có EU (thiết lập điều kiện cơ sở sản xuất ban đầu, tiêu chuẩn nguyên liệu, kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, sơ chế nguyên liệu, bán thành phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm), định kỳ hoặc đột xuất giám sát, kiểm tra việc thực hiện các quy định về sử dụng hóa chất kháng sinh của những cơ sở cung cấp nguyên liệu. Hướng dẫn, hỗ trợ các cơ sở sơ chế cung cấp nguyên liệu, bán thành phẩm cho cơ sở chế biến xuất khẩu vào EU chủ động nâng cấp điều kiện nhà xưởng, trang thiết bị, thiết lập quy trình quản lý chất lượng đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam và EU…

          Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam: Phổ biến cho các doanh nghiệp hội viên duy trì, nâng cấp điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm theo yêu cầu quy định thị trường Việt Nam và các thị trường xuất khẩu thủy sản; Ưu tiên thiết lập chuỗi sản xuất, chế biến, xuất khẩu đáp ứng quy định của các thị trường, trong đó có EU. Tuyên truyền vận động các doanh nghiệp chấp hành nghiêm các quy định về kiểm soát tồn dư hóa chất kháng sinh trong sản xuất kinh doanh thủy sản; kiên quyết từ chối thu mua, chế biến, xuất khẩu các sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ khai thác IUU.

Hải Đăng

Ý kiến bạn đọc

Tin khác